Thống nhất ở lòng người

Thiên Phong |

Dịp lễ kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước vừa đi qua, nhưng không khí của sự đoàn viên, thống nhất như vẫn còn chưa dứt. Chưa bao giờ người ta thấy cảnh kẹt xe khủng khiếp ở quanh khu vực cầu Hiền Lương như dịp lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 vừa qua. Hàng ngàn người dân từ khắp các huyện, thị của Quảng Trị, thậm chí có cả người dân ở những vùng xa như Hướng Hóa, Hải Lăng cũng đã có mặt tại cây cầu từng là chứng tích chia cắt 2 miền đất nước này từ rất sớm để theo dõi buổi lễ kỷ niệm.

Buổi lễ chỉ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ gồm cả nghi lễ Thượng cờ và duyệt binh, diễu hành. Và khi tiếng nhạc hiệu kết thúc chương trình, hàng ngàn con người đến dự bình thản nhấc từng bước chân chậm rãi trên từng nhịp cầu Hiền Lương. Đến khi đi hết những nhịp cầu, dòng người tiếp tục hòa vào dòng xe cộ trên tuyến Quốc lộ 1 tỏa đi các ngã. Vì lượng người và xe quá đông nên nhiều người phải mất hơn nửa giờ mới rời ra được khỏi khu vực giới tuyến lịch sử. Một buổi lễ ngắn ngủi nhưng không khiến lòng người hụt hẫng. Nhiều người nói rằng, ngày thống nhất đất nước chỉ muốn đến và đứng ở vùng đất giới tuyến này để được nhìn lá cờ đỏ sao vàng kéo lên đỉnh ngọn kỳ đài. Được nín thở một hơi thật lâu để âm vang trầm hùng của bản Quốc ca lan vào từng tế bào. Được đặt bước chân lên từng tấm ván gỗ trên cầu Hiền Lương để cảm nhận phần nào nỗi đau chia cắt ròng rã 21 năm trời.

Ngay sau Lễ thượng cờ và lễ duyệt binh, trên sông Bến Hải diễn ra lễ hội đua thuyền, nên người dân đến xem rất đông. Ảnh: Hưng Thơ
Ngay sau Lễ thượng cờ và lễ duyệt binh, trên sông Bến Hải diễn ra lễ hội đua thuyền, nên người dân đến xem rất đông. Ảnh: Hưng Thơ

Trong đoàn người có mặt ở cầu Hiền Lương thời điểm ấy, có người từng ở phía bờ Bắc giới tuyến, cũng có người từng ở phía bờ Nam giới tuyến. Tất cả đều bước qua vạch sơn trắng từng phân chia ranh giới ở chính giữa cầu và cùng bước tới dưới ngọn kỳ đài để chứng kiến ngọn cờ đỏ sao vàng được kéo lên.

Đó là lúc người ta thấm thía nhất giá trị của sự thống nhất.

Cây cầu Hiền Lương lịch sử này từng chứng kiến những khoảnh khắc của sự thống nhất ngay trong thời điểm còn chia cắt hai miền. Những người lính gác cầu ở hai bên vẫn qua lại trò chuyện, hút thuốc giao lưu cùng nhau khi xong ca trực. Thậm chí, như ông Nguyễn Xuân Lực (hiện trú tại đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Đông Hà) là công an làm nhiệm vụ bảo vệ cầu bên bờ Bắc suốt 10 năm từ 1962 đến 1972 - vẫn coi một người lính là cảnh sát bờ Nam cùng thời điểm có tên Huỳnh Đức Trình là tri kỷ suốt 20 năm. Hai người lính từng ở hai bên chiến tuyến quen nhau khi cùng làm nhiệm vụ gác cầu. Đến khi hòa bình lập lại, ông Lực gặp lại ông Trình trong một lần đi công tác ở miền núi Hướng Hóa. Hai người nhận ra nhau và ôm vai bá cổ ngay giữa chợ Khe Sanh, vui mừng như bạn thân lâu ngày gặp lại.

Cũng tại Quảng Trị thời điểm tháng 4/1973, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành đã chụp một bức ảnh lịch sử. Trong bức ảnh này, một người lính bộ đội giải phóng từ miền Bắc và một người lính thủy quân lục chiến của chế độ miền Nam cùng khoác vai nhau như người một nhà tại chốt Long Quang - cũng là ranh giới tạm thời giữa hai bên và chỉ cách đó vài cây số, súng vẫn nổ.

Hình ảnh này thời điểm đó khiến tác giả bức ảnh cũng thấy bất ngờ. Ông Thành vẫn nhớ rõ thời điểm khi ông đặt chân đến đây, hai bên vẫn chĩa súng vào nhau ở ranh giới. Tuy nhiên, đến buổi chiều thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh. Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện, cười đùa. Những người lính phía miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc.

30/4/1975 là ngày lịch sử của người dân đất Việt. Đó là ngày non sông thu về một mối, là ngày đoàn tụ của nhiều gia đình. 47 năm trôi qua, sự thống nhất này đã được cả chính quyền và người dân dày công vun đắp. Sự thống nhất về địa lý đã dần biến thành sự thống nhất ở lòng người. Những vết thương lòng đã dần được nối liền. Trong chiến tranh, sự đoàn kết làm nên sức mạnh thì trong thời bình, sự đoàn kết mới đem lại phồn vinh. Khi đó sự thống nhất ở lòng người càng thêm ý nghĩa. Vì có đoàn kết mới có thành công. Vì máu nào cũng là máu đỏ da vàng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị

PV |

Tối qua 29/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi động Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi động Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị với quyết tâm triển khai thi công dự án vào quý IV/2022. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022), 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022). 

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị

Minh Đức |

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022), tối nay 29/4, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022). 

Giá trị của văn hóa phi vật thể qua các lễ hội ở Quảng Trị

Nguyễn Việt Hà |

Quảng Trị là nơi được coi là vùng giao thoa không chỉ giữa hai nền văn hóa Chămpa và Đại Việt mà còn nhiều tộc người khác. Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm,Việt, Bru-Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm. Đó là di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện qua hình thức các lễ hội ở Quảng Trị Lễ hội Quảng Trị là một bức tranh toàn cảnh về những giá trị di sản văn hoá. Từ những giá trị văn hóa bình dị, mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng phong phú, đa dạng, trở thành mối dây liên kết giữa quá khứ, hiện tại và định hướng cho tương lai.