“Đò em lên xuống Ba Lòng/Chở người cán bộ lên vùng chiến khu”. Đó là hai câu thơ của nhà thơ Lương An viết trong thời đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Trị, qua hình ảnh cô giao liên chèo đò phục vụ kháng chiến trên dòng sông Thạch Hãn, đoạn từ xã Triệu Thượng, Hải Lệ đến chiến khu Ba Lòng và ngược lại.
Đầu năm 1965, tình hình cách mạng chuyển biến nhanh và thuận lợi, để mở thêm đường giao liên, giao thông, vận tải bằng đường sông nên đò lại lên xuống Ba Lòng phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Nào đò giao liên, đò an ninh, đò tỉnh đội, đò thương nghiệp hoạt động theo lối bất ngờ. Ban ngày thì đò chìm, ban đêm đò lại nổi, công văn giấy tờ, cán bộ, bộ đội, lương thực thực phẩm từ chợ vùng địch, từ các huyện ra vùng giải phóng lên chiến khu.
Rồi người, lâm sản, nông sản, thực phẩm từ chiến khu lại xuôi về vùng địch tạm chiếm làm cho dòng sông Thạch Hãn thêm rộn ràng, không khí hào hùng của kháng chiến dâng trào hối hả bởi vì tính ác liệt của chiến tranh.
Quay lại chặng đường lịch sử, để phục vụ một phần nhu cầu kháng chiến và đời sống, tiểu ban thương mậu dịch Quảng Trị được thành lập từ năm 1963 nằm trong tổ chức ban kinh tế tỉnh do đồng chí Lê Bổ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng ban. Lúc này tiểu ban thương nghiệp chỉ có 2 cửa hàng ở huyện Nam Hướng Hóa.
Đến năm 1965, Hướng Hóa có cửa hàng A Cha, Tù Mui, Tà Rụt, Hải Lăng có cửa hàng Xóm I; xã Hải Phúc, Ba Lòng có cửa hàng thôn Xuân Lâm, tổ chức nhiều trạm thu mua hàng vùng Triệu Ái, Triệu Thượng, Hải Lâm, Hải Lệ, Hải Thượng, Hải Phú, Hải Sơn, Hải Tân...
Để nâng cao khí thế cách mạng, phục vụ tốt cho chiến đấu, sản xuất và đời sống, đồng chí Lê Bổ giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn và Đinh Như Hợi là trưởng và phó tiểu ban thương nghiệp mậu dịch Quảng Trị.
Nhiệm vụ mới là cố gắng trong 2 tháng mở cho được chợ vùng giải phóng vừa mở rộng và nâng cao phục vụ, vừa gây tiếng vang trong vùng địch. Nhiệm vụ mới lạ nặng nề, thế là anh em chúng tôi không còn vui Tết với Nhân dân mà lao vào công việc mới. Trước hết là lên phương án mở chợ, chọn địa điểm, chuẩn bị số lượng hàng hóa.
Làm việc các huyện có liên quan thông báo chủ trương và phương án mở chợ. Làm việc với các trạm đồng bằng móc nối cơ sở vận động bà con buôn bán kéo hàng hóa nhu yếu phẩm vùng địch ra, đưa hàng của ta vào vùng địch để tiêu thụ.
Khó khăn lúc này là đồng bào dân tộc rất ít biết tiếng Kinh, chúng tôi chọn cán bộ giỏi tiếng Tà Ôi, Vân Kiều vào các xã vận động giải thích, tuyên truyền việc mở chợ và giúp dân phiên dịch tiếng tại chợ. Do ngôn ngữ bất đồng quả thật khó khăn nhưng dần rồi cũng quen nên hoạt động tốt.
Thế là tháng 4 năm ấy, chúng tôi đã mở được chợ sớm hơn kế hoạch. Chợ được đặt gần Khe Đào, cách thác Lo sông Ba Lòng 1km, chợ đông vào buổi tối, thuận lợi cho việc đi lại của cán bộ và Nhân dân. Chợ hoạt động khá kết quả, tiếng vang của chợ về đến đồng bằng, thị trấn, thị xã, kéo được bà con lợi dụng thế hợp pháp đưa hàng hóa lên chợ buôn bán.
Nhưng đến năm 1965, khi Mỹ-ngụy đã thất bại nặng nề trong chiến tranh đặc biệt. Để cứu vãn tình thế buộc Mỹ liều lĩnh mở chiến tranh cục bộ. Chúng đưa nhiều sư đoàn quân đội, nhiều phương tiện chiến tranh ồ ạt vào miền Nam hòng làm thay đổi cục diện, bình định hủy diệt.
Phía ta lúc này 2 tỉnh Trị Thiên không còn là tổ chức liên tỉnh, không còn trực thuộc Khu ủy Khu V. Trung ương quyết định thành lập Khu ủy Trị Thiên trực thuộc trung ương. Chúng tôi trở thành tiểu ban thương nghiệp thuộc Ban kinh tế Khu ủy Trị Thiên.
Từ đây địa bàn hoạt động được mở rộng từ Gio Linh đến Phú Lộc. Nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đặc biệt tập trung phục vụ các chiến dịch lớn. Kẻ địch lại càn quét đánh phá rất ác liệt. Cán bộ, nhân viên tiểu ban lần lượt hy sinh.
Tuy nhiên tinh thần cán bộ chiến sĩ vẫn vững vàng, vẫn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu thường xuyên và các chiến dịch.
Những năm 1966-1967, địch tăng cường phục kích ngăn chặn Quốc lộ 1, nhất là đoạn từ Đông Hà đến Mỹ Chánh, nhằm không cho ta trên rừng xuống và đồng bằng lên nhưng quân ta thường xuyên bám đánh địch để mở thông đường.
Lúc này, chúng tôi hạ quyết tâm động viên cán bộ chiến sĩ tăng cường mua hàng, tăng chuyến lên về. Trước đây 1 tháng bình quân khoảng 25 đêm nay phấn đấu 28-30 đêm. Trọng lượng gùi bình quân 1 người 30 cân, nay 35- 38 cân nên đạt được kế hoạch chuẩn bị hàng.
Tôi nhớ lần về đồng bằng vào đêm 30 tết Mậu Thân 1968 khi đang vui Tết với Nhân dân, đột nhiên nghe tiếng súng nổ rền vang từ Đông Hà, Quảng Trị, Diên Sanh, Bến Đá, Mỹ Chánh, Phò Trạch... Chúng tôi phỏng đoán là quân ta đang đánh lớn và nghiệm lại 2 tháng vừa qua khẩn trương chuẩn bị hàng hóa là phục vụ chiến dịch lớn này và chắc chắn chiến dịch sẽ thắng lớn. Quả đúng như vậy.
Ngày mồng 1 Tết, tin từ trinh sát vùng địch ra, tin từ Đài Phát thanh giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin cuộc tổng tiến công nổi dậy trên toàn miền Nam. Riêng Trị Thiên đã đánh chiếm và làm chủ thành phố Huế, đánh vào thị xã Quảng Trị, các quận, huyện, chi khu, đồn bốt, ấp chiến lược, giải phóng thêm một vùng rộng lớn nông thôn đồng bằng, kẻ địch lúng túng và thất bại nặng nề.
Lúc này chúng tôi đang ở 2 xã Hải Tân và Hải Hòa huyện Hải Lăng dự hưởng cái Tết thắng lợi với Nhân dân vô cùng hân hoan phấn khởi. Mậu Thân 1968, địch thất bại nặng nề. Sau Mậu Thân những năm 1969-1970, địch tập trung phản kích gây cho ta những khó khăn. Nhưng cán bộ chiến sĩ thương nghiệp vẫn kiên trì bám trụ thực hiện nhiệm vụ, đã góp phần phục vụ chiến dịch đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy.
Phấn khởi trước thắng lợi to lớn, đập tan chiến dịch Lam Sơn 719, tiểu ban tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng tham gia chiến dịch mới chắc chắn sẽ đến và đó là phục vụ chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, là chiến dịch có tầm cỡ to lớn, vô cùng đặc biệt và kéo dài, thất bại nặng nề vẫn thuộc về Mỹ-ngụy, thắng lợi có ý nghĩa lịch sử chiến lược thuộc về ta. Thắng lợi ấy buộc Mỹ-ngụy phải xuống thang ký Hiệp định Paris, ngừng ném bom miền Bắc, trao trả tù binh, rút quân Mỹ về nước.
Thương nghiệp mậu dịch Quảng Trị ra đời từ năm 1963 đã phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung hết sức to lớn của tỉnh. Sau ngày Quảng Trị được giải phóng, lịch sử đã sang trang, thương nghiệp mậu dịch Quảng Trị được thay thế bằng các tổ chức thương nghiệp mới để phù hợp với giai đoạn mới.
Những chiến sĩ thương nghiệp mậu dịch trọn đời với Đảng với dân trong một chặng đường dài. Những thương binh hy sinh một phần xương máu, những liệt sĩ đã quên mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Tổ quốc tri ân.
Những cán bộ chiến sĩ còn lại sau năm 1972 và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã hòa cùng với các tổ chức thương nghiệp của tỉnh và các tổ chức tiền thân của thương mại Quảng Trị như Công ty Bách hóa thực phẩm 1973, Công ty Thương nghiệp Đông Hà năm 1977, các xí nghiệp thương nghiệp sau tách tỉnh năm 1989, Công ty Thương nghiệp tổng hợp 1992. Đó là những tổ chức tiền thân của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị mà hôm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)