Nuôi cá leo thương phẩm lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm

Trúc Phương |

Nhờ biết tích lũy kinh nghiệm, anh Trần Đức Tuấn (sinh năm 1980), ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã nuôi thành công mô hình cá leo thương phẩm. Không những thế, người nông dân chăm chỉ này còn trồng rừng, chăn nuôi gia cầm, cho thuê máy cày... nhờ đó mà kiếm được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Ở xã Gio Châu, anh Tuấn được biết đến là một trong những người đầu tiên thành công với mô hình nuôi cá leo thương phẩm.

Cùng với Trưởng thôn Hà Trung Trần Ngọc Tuệ, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh. Lúc này, anh đang đẩy xe rùa đầy ắp thức ăn gồm nhiều loại cá nhỏ nước ngọt còn tươi thả xuống hồ cho cá leo ăn.

Mô hình nuôi cá leo của anh Trần Đức Tuấn - Ảnh: T.P
Mô hình nuôi cá leo của anh Trần Đức Tuấn - Ảnh: T.P

Vừa làm việc, anh Tuấn vừa giới thiệu: “Tôi bắt đầu thực hiện mô hình nuôi cá leo thương phẩm từ giữa năm 2019, thông qua một dự án chuyển giao của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau 4 năm, hiện gia đình tôi có 4 hồ với tổng diện tích 10.000 m2 , tất cả đều nuôi cá leo”.

Đây là loại cá da trơn, thường sống trên các sông nước ngọt hoặc nước lợ, khả năng thích nghi tốt với sự biến đổi của môi trường. So với các loại cá khác, cá leo tương đối dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, ít bị bệnh, sau 6 tháng thả nuôi có thể xuất bán ra thị trường. Thức ăn cho loại cá này tương đối đa dạng, có thể sử dụng đồ tươi sống, đã qua chế biến hoặc thức ăn công nghiệp dành cho cá. Tuy nhiên, để cá lớn nhanh, khỏe mạnh, anh Tuấn thu mua cá tạp tươi trên địa bàn về cho cá ăn. Được biết, trước khi bắt tay vào nuôi cá leo, anh có nhiều năm nuôi cá trắm, cá rô phi... nhờ đó mà tích lũy được không ít kinh nghiệm.

“Điểm khó của loại cá này là đảm bảo hồ nước luôn sạch. Trước khi thả cá, tôi phải làm vệ sinh ao kỹ, bỏ vôi để làm sạch nước. Đồng thời lắp đặt hệ thống van, lọc nước để đảm bảo nước sạch, tạo dòng chảy và môi trường sống gần giống môi trường tự nhiên cho cá”, anh Tuấn chia sẻ.

Nhớ lại khoảng thời gian trước, anh Tuấn cho hay, lứa đầu tiên, hai vợ chồng bàn bạc và thống nhất đầu tư thả 20.000 con cá leo nuôi thử nghiệm, trong đó có 6.000 con giống do dự án cấp. Ngay trong lần nuôi này, đàn phát triển tốt, trung bình mỗi con cá đạt từ 1,8 - 2 kg.

Tuy nhiên, năm đó do ảnh hưởng của COVID - 19, cá leo không thể xuất bán được. Không nản chí, anh tiếp tục đầu tư nhưng không nuôi tập trung một hồ mà thả 5.000 con/hồ, mỗi lần thả cách nhau một khoảng thời gian nhất định và duy trì cách nuôi này cho đến bây giờ. “Trong mấy năm nuôi cá leo, đã có lần tôi mất trắng 10 tấn cá, lỗ trên 1 tỉ đồng chỉ vì mất điện 3 giờ đồng hồ, máy lọc nước không hoạt động. Cá leo dễ nuôi nhưng cũng dễ gặp rủi ro.

Qua mỗi lần thất bại, tôi tự rút ra bài học cho mình”, anh Tuấn chia sẻ. Thịt cá leo vốn thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng nên được thị trường ưa chuộng.

Hiện anh trực tiếp thu hoạch cá và cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Giá cá leo thương phẩm dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, có thể cao hơn vào mùa cao điểm. Nếu thuận lợi, mỗi năm mô hình này mang lại cho gia đình anh nguồn lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Bên cạnh mô hình nuôi cá leo, gia đình anh Tuấn còn có các nguồn thu nhập ổn định khác từ việc cho thuê máy cày, buôn bán vàng mã, 2 ha rừng cao su, tràm, chăn nuôi... “Tôi không ngại làm việc, cố gắng lao động để có thu nhập nuôi 2 con đang ăn học, chỉ mong cho cuộc sống của các con đỡ vất vả hơn mình”, anh Tuấn bộc bạch.

Theo Trưởng thôn Hà Trung Trần Ngọc Tuệ, anh Tuấn là hộ đầu tiên trong thôn thành công với mô hình nuôi cá leo và cũng là một trong những hộ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

“Anh Tuấn rất tốt bụng, ai cần anh ấy đều sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ ngay; tính tình lại chịu thương chịu khó, hay làm. Cùng với các hộ làm kinh tế khác, anh Tuấn đã góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, trở thành tấm gương để những hộ gia đình khác học hỏi”, ông Tuệ nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nuôi cá lăng chấm cho thu nhập cao

Lê An |

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ thủy lợi Bảo Đài, ông Trần Đức Dũng ở thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đưa vào nuôi cá lăng chấm trong lồng bè, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Hình thức nuôi này phù hợp cho những nơi có hồ đập thủy lợi lớn.

Tỉ lệ thành công rất cao nhờ nuôi tôm theo quy trình CPF Combine

Lê An |

Nuôi tôm thường đối mặt với nhiều rủi ro. Thế nhưng anh Trần Văn Dụng ở tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) lại có tỉ lệ thành công rất cao nhờ nuôi tôm theo quy trình CPF Combine. 

Cam Lộ: Trồng thêm 2,2 ha cây đàn hương xen với keo lai nuôi cấy mô

Anh Vũ |

Nhằm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm tiếp tục trồng thêm 2,2 ha cây đàn hương xen với keo lai nuôi cấy mô gỗ lớn tại thôn Mỹ Xuân, xã Thanh An, nâng diện tích cây đàn hương trên địa bàn huyện lên gần 7 ha.

Hiệu quả mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh

Trần Anh Minh |

Chương trình cải tạo đàn bò được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thực hiện từ năm 1995 và triển khai liên tục từ đó đến nay.