Hiệu quả mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh

Trần Anh Minh |

Chương trình cải tạo đàn bò được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thực hiện từ năm 1995 và triển khai liên tục từ đó đến nay.

Trong những năm qua, kết quả thực hiện chương trình đã giúp các địa phương phát triển tốt đàn bò về năng suất, chất lượng và số lượng, đưa chăn nuôi bò trở thành chủ lực trong ngành chăn nuôi của tỉnh.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có đàn bò hơn 55.650 con, trong đó tỉ lệ bò lai Zebu chiếm 69,68% tổng đàn. Tại Nghị Quyết 162/2021/NQHĐND của HĐND tỉnh xác định chăn nuôi bò là 1 trong 3 con nuôi chủ lực của tỉnh.

Do đó, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân. Đến nay, trung tâm đã phối giống thành công cho hơn 16.000 con bò nái lai Zebu từ 50% máu ngoại trở lên, mỗi năm cho ra đời gần 10.000 con bê lai chất lượng tốt, trong đó bò hướng thịt chiếm hơn 70%.

Các đại biểu tham dự hội nghị đầu bờ tham quan mô hình thí điểm nuôi bò thịt thâm canh -Ảnh: T.A.M
Các đại biểu tham dự hội nghị đầu bờ tham quan mô hình thí điểm nuôi bò thịt thâm canh -Ảnh: T.A.M

Với mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh, từng bước đưa ngành chăn nuôi bò thịt trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao thu nhập, phù hợp với xu thế phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình “Chăn nuôi bò thịt thâm canh” tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong và xã Gio Châu, huyện Gio Linh.

Để thực hiện mô hình có hiệu quả, trung tâm đã chỉ đạo phòng chuyên môn, trạm khuyến nông huyện phối hợp với chính quyền địa phương chọn địa điểm, chọn hộ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cán bộ kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi - thú y của trung tâm phối hợp với Tổ Khuyến nông cộng đồng trực tiếp về tận hộ tham gia mô hình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phối trộn khẩu phần thức ăn, chế biến, dự trữ thức ăn và phòng trừ dịch bệnh. 2 hộ thực hiện thí điểm được hỗ trợ 10 con bò/hộ, triển khai trong 10 tháng.

Đây là những hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn, có chuồng trại, nguồn lao động, khả năng đối ứng vật tư. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ này phải tạo điều kiện cho các hộ nông dân khác đến tham quan, học tập và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho họ để nhân rộng mô hình.

Giống bò hướng thịt được đưa vào nuôi thí điểm tại 2 hộ là giống bò lai BBB, F2 Brahman được tuyển chọn đảm bảo các tiêu chuẩn nuôi thịt, là kết quả của chương trình cải tạo đàn bò dùng tinh bò BBB, Brahman phối giống với đàn bò cái nền lai Zebu F1, F2, chọn lọc tạo ra giống bò thịt, có năng suất cao. Đây cũng là giống bò có khả năng chịu đựng rất tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, ít bệnh tật, sử dụng tốt các loại thức ăn thô xanh giá trị dinh dưỡng thấp.

Mô hình nuôi bò thịt thâm canh được xây dựng khẩu phần ăn ngay từ đầu, phối trộn thức ăn đảm bảo đủ lượng, đủ dinh dưỡng. Khẩu phần ăn được xây dựng theo tiêu chuẩn phù hợp với lứa tuổi, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của bò thịt và được cân đối, điều chỉnh theo mức tăng trọng cũng như dựa vào điều kiện thực tế của từng địa phương đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, giá thành thấp.

Thức ăn cho bò được chế biến và dự trữ từ nguồn cỏ trồng, ngô sinh khối, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương đảm bảo cung cấp đủ vào những thời điểm khan hiếm thức ăn thô xanh. Ngoài ra, việc ủ chua thức ăn cũng kích thích ăn ngon, cải thiện chất lượng dinh dưỡng giúp con vật nuôi tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng... Máng ăn, uống được vệ sinh sạch sẽ, xử lý chất thải cẩn thận. Chuồng trại được tiêu độc, khử trùng. Bò được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, kiểm tra khối lượng tăng trọng bằng thước dây.

Kết quả tăng trọng bình quân của bò lai BBB đạt 1,25 kg/con/ngày; bò lai Brahman đạt 0,9 kg/ con/ngày. Bước đầu mô hình nuôi bò thịt thâm canh mang lại hiệu quả tích cực, đàn bò chóng lớn, ngoại hình đẹp, tỉ lệ thịt xẻ đạt 45-50% (bò Brahman), đạt 55-60% (bò lai BBB) nên giá bán cao hơn so với các giống bò khác.

Sau gần 10 tháng nuôi, ước tính doanh thu từ mô hình khoảng 474 triệu đồng (bò lai BBB) đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng; bò Brahman cho doanh thu khoảng 323 triệu đồng, thu nhập gần 71 triệu đồng. Như vậy, nuôi bò lai BBB lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 lần so với nuôi bò lai Brahman.

Mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh mang lại nhiều hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội, môi trường. Giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động; đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương, đa dạng cây trồng, con nuôi, phương thức sản xuất mới thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo hướng đi phát triển kinh tế mới cho người dân.

Định hướng cho từng địa phương xây dựng vùng chuyên canh bò sinh sản, bò thịt, bảo đảm cung cấp các sản phẩm thịt bò phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Việc nuôi bò nhốt tại chuồng giúp kiểm soát được lượng chất thải và xử lý. Lượng phân này phục vụ trở lại sản xuất nông nghiệp, từ đó hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Việc phát triển chăn nuôi sẽ tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm, hạn chế đốt rơm, xả rác thải nông nghiệp ra môi trường.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: Mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi bò thịt hiện nay. Mô hình góp phần thực hiện thành công chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026.

Thành công của mô hình làm căn cứ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đưa ra khuyến cáo và nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng hiệu quả thì cần quy hoạch vùng chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, trồng cỏ... tạo chuỗi chăn nuôi, trồng trọt khép kín, tuần hoàn, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung theo hướng hữu cơ. Thành lập tổ hợp tác, HTX chăn nuôi để sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường; hướng tới chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Mô hình nuôi bò thịt thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hải An |

Ngày 18/10, tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh năm 2023. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam tham dự.

1 thôn có 13 con trâu bò bị chết chưa rõ nguyên nhân

Lê An |

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), từ ngày 15/7 đến nay, trên địa bàn thôn Cuôi, xã Hướng Lập đã có 13 con trâu bò bị chết không rõ nguyên nhân.

Cần chấn chỉnh tình trạng thả rông trâu, bò trong thành phố

Hải Phi |

Thời gian qua, một số khu vực, tuyến đường trên địa bàn TP. Đông Hà (Quảng Trị) xuất hiện tình trạng trâu, bò thả rông gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng môi trường và mỹ quan thành phố.

Bàn giao 720 triệu đồng vốn vay Dự án Ngân hàng bò cho hộ phụ nữ nghèo huyện Gio Linh

Thanh Hải |

Sáng nay 17/5, Tổ chức Chia sẻ Dân sự toàn cầu (GCS) phối hợp với Hội LHPN huyện Gio Linh tổ chức lễ bàn giao vốn vay Dự án Ngân hàng bò do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) tài trợ cho hộ phụ nữ khuyết tật, khó khăn 2 xã Gio Quang và Gio An, huyện Gio Linh.