Tiếng kẻng làng

Văn Cần - Trường Nhật |

Đêm buông xuống, núi rừng biên cương tĩnh lặng, chìm trong màn sương. Đang miên man thả ký ức về một thời xa xăm, tôi bỗng nghe tiếng kẻng vang lên. Giờ báo ngủ của Đồn Biên phòng Hướng Lập (Hướng Hoá, Quảng Trị) thong thả ngân vang, lan xa vào vách núi.

Sau một ngày làm việc vất vả, giờ đây khu vực biên giới lại tĩnh lặng, không gian và thời gian như ngừng lại, nhường chỗ cho dàn đồng ca của lũ côn trùng rả rích đêm khuya. Tiếng kẻng của đồn biên phòng gợi về ký ức thuở xa xôi. Ngày ấy, những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX…

Tiếng kẻng làng thời chiến

Làng chài nhỏ mà chúng tôi vừa sơ tán đến ẩn mình dưới rặng phi lao, chỉ cách bờ biển vài trăm bước chân. Dưới làng chài nhỏ của xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) ấy, ngày lại ngày, đêm nối đêm chúng tôi nghe tiếng máy bay Mỹ gào thét. Pháo hạm tàu bắn vào từ phía biển. Hàng trăm viên đạn pháo rít qua đầu rồi nổ đì đoàng đâu đó ở phía xa xa…

Tiếng máy bay, pháo hạm tàu cứ gào thét là chuyện thường ngày, nghe mãi cũng thành quen. Nhưng, vượt lên đạn bom, tiếng kẻng làng anh dũng, ngoan cường vẫn vang lên báo động và báo yên cho người dân. Chỉ cần nghe tiếng kẻng là có sự chở che, còn tiếng kẻng là còn sự sống. Tiếng kẻng làng bền bỉ, thi gan với bom đạn quân thù đến ngày cuối chiến tranh…

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng đánh kẻng báo thức - Ảnh: V.C
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng đánh kẻng báo thức - Ảnh: V.C

Để tồn tại, bám đất giữ làng, ngày ngày đàn ông vẫn đi biển, phụ nữ, người già tăng gia sản xuất, trồng khoai, sắn phục vụ chiến đấu, còn lũ trẻ chúng tôi đến trường dưới giao thông hào. Nói là trường học nhưng mỗi trường chỉ có vài lớp gồm các em học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Lớp học là chiếc lán nửa nổi nửa chìm được kết nối với những chiếc hầm chữ A thông qua hệ thống giao thông hào. Giờ học, chúng tôi ngồi trong lán, giờ ra chơi chỉ loanh quanh dưới giao thông hào, hoặc bên miệng hầm trú ẩn. Hết học, trở về nhà chúng tôi men theo giao thông hào lẫn khuất dưới những hàng dương. Rừng dương vươn rộng cánh tay ôm ấp, che chở cho lớp trẻ chúng tôi lớn lên trong thời chiến.

Một điều đặc biệt, dù bên cạnh lớp học, dưới những rặng dương hay các làng mạc, ở đâu cũng treo những chiếc kẻng. Những chiếc kẻng tạo thành hệ thống kẻng báo động phòng không cho mọi người…

Tiếng kẻng hiệu lệnh chiến đấu, sản xuất…

Thời chiến, tiếng kẻng là hiệu lệnh điều hành sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt. Kẻng được treo lên ở mọi nơi. Mảnh kim loại từ thân máy bay hoặc vỏ bom đã phát nổ đều được tận dụng làm kẻng. Những chiếc kẻng được treo lên từ làng này qua làng khác, ngoài sân các lớp học tạo thành hệ thống kẻng. Ở đâu có cư dân, có lao động sản xuất, học hành, có sự sống là ở đó có kẻng. Lớn lên trong thời chiến, lũ trẻ chúng tôi thích ứng với hoàn cảnh cho dù hoàn cảnh ấy thật nghiệt ngã…

Thuở đó, phong trào bảo mật phòng gian, nhất là khu vực đệm gần giới tuyến được người dân đặc biệt đề cao. Từ trẻ nhỏ đến cụ già, ai cũng thuộc làu nguyên tắc ba không “không nghe, không biết, không thấy” nếu có người lạ lân la hỏi chuyện. Khi người dân phát giác người lạ khả nghi, bằng cách này hay cách khác đều lập tức thông báo cho mọi người.

Trường hợp khẩn cấp, tiếng kẻng báo động vang lên, mọi người truy lùng biệt kích, kẻ gian. Nhiều tên biệt kích xâm nhập từ phía biển chưa kịp giở trò đã bị dân quân tóm gọn giải về huyện. Một số phi công vừa chạm đất đã bị nòng súng dí vào đầu… Giữa chốn “thiên la địa võng” của cuộc chiến tranh nhân dân, kẻ thù không chốn nương thân.

Với kẻ thù là vậy nhưng đối với đồng bào, đồng chí, tiếng kẻng còn là ân nhân. Ông Lê Văn Ký, nguyên Xã đội phó xã Vĩnh Quang (giai đoạn 1967-1972) kể lại: “Những năm ác liệt, từ sáng tới chiều, chỉ trong một ngày nhiều tốp máy bay cùng pháo hạm từ nhiều hướng đánh dồn dập vào khu vực Cửa Tùng, một trong những hậu cứ quan trọng của đảo Cồn Cỏ. Một số trận địa pháo phòng không, địa đạo 61 và nhiều hầm hào bị đánh sập. Bộ đội, dân quân và nhiều người dân bị vùi lấp. Người bị chết, người bị thương ngất lịm đi. Thế nhưng, khi nghe tiếng kẻng, một số người đã tỉnh lại…”.

Sống trong thời chiến, bọn trẻ chúng tôi phản xạ rất nhanh với tiếng kẻng. Nghe tiếng kẻng báo động gấp gáp, dồn dập là biết sẽ có máy bay ném bom sắp đến, mọi người tìm nơi trú ẩn. Chơi cách hầm chừng vài chục bước chân, chúng tôi nhanh chóng xuống hầm. Chỉ có một vài phút ngắn ngủi, chúng tôi di chuyển nhanh tâm trạng từ vui chơi đến hầm trú ẩn… Dưới những chiếc hầm tối om không một ánh đèn, nét mặt đứa nào cũng nghiêm nghị. Nhiều khi nghe tiếng nổ, mặt đất rung lên, những chiếc hầm trú ẩn như đung đưa. Không ít lần khói bom phủ kín miệng hầm.

Đó là buổi hoàng hôn ngày 4/11/1972, Mỹ cho máy bay B52 rải thảm xuống Đội 4 là khu vực dân cư ven biển nơi chúng sinh sống và kho hải sản của Nhà nước (người dân quen gọi là kho mắm ông Lương). Loạt bom thả ngay vào bến cá khi ngư dân đi biển trở về. Tiếng bom gào thét khắp nơi, chiếc hầm chúng tôi trú ẩn thường ngày như chao đảo. Mặt đất tối sầm, lửa đạn khắp nơi.

Mùi khói bom sặc sụa tràn xuống các hầm trú ẩn. Chừng 10 phút kết thúc loạt bom rải thảm, mặt đất nham nhở hố bom. Sáng hôm sau tôi không nhận ra bờ biển quen thuộc, nơi mà mỗi buổi chiều chúng tôi thường đón ông, cha đi biển trở về. Mảnh thuyền vỡ, máu vương vãi khắp nơi. Đợt ném bom này cướp đi hàng chục sinh mạng, phần lớn trong số họ là bà con thân thích của chúng tôi.

Có mấy đứa bạn cùng trang lứa, đứa mất mẹ, đứa mất cha. Buổi tiễn đưa những người quá cố, tiếng kẻng làng buồn bã, trầm hùng. Ngày ấy trở thành ngày giỗ chung cho nhiều người dân vô tội. Tròn 50 năm trôi qua nhưng buổi chiều muộn kinh hoàng ấy vẫn ám ảnh trong ký ức tôi. Mỗi khi trở lại nơi này, tôi vẫn nghe tiếng vi vu của hàng dương xanh, tiếng sóng rì rào như tiếng lòng của biển mang nỗi buồn man mác, vấn vương …

Tiếng kẻng thời hợp tác

Đến một ngày, rồi nhiều ngày sau đó của những tháng đầu năm 1973, chúng tôi không còn nghe tiếng kẻng báo động. Tiếng máy bay Mỹ cũng không còn gào thét trên mái nhà. Không gian yên tĩnh, thứ mà tôi chưa từng được chứng kiến đến thời điểm bấy giờ. Mãi sau này tôi được biết đó là thời điểm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết…

Quảng Trị được giải phóng. Tháng 5/1973, một cuộc di cư bằng đường biển chở bà con từ Vĩnh Thái về quê hương. Quê hương Cửa Tùng bời bời bom đạn sau gần 10 năm kể từ cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ngày chúng tôi trở về không một mái nhà, không một bóng cây, không một mét đất bằng phẳng còn sót lại.

Quê hương trong mơ sau bao ngày mong đợi là thế này ư? Nó tồi tệ hơn bội phần so với làng chài cũ thời sơ tán ngày hôm qua… Nhưng rồi, chúng tôi cũng phải quen dần mảnh đất quê hương còn đầy bom đạn sau chiến tranh. Hạnh phúc nhất là không bao giờ nghe tiếng máy bay, tiếng đạn pháo rít trên đầu. Cái cảnh hằng đêm chờ chực trên miệng hầm trú ẩn lùi dần vào quá khứ.

Sau chiến tranh, tiếng kẻng làng thời hợp tác vẫn đều đặn ngân vang. Ngày mới được mở đầu bằng hồi kẻng báo thức vào lúc 1 giờ 30 phút, gọi mọi người chuẩn bị ra khơi. Tiếng kẻng các làng đồng loạt vang lên chừng vài ba phút. Từ Đội 1 đến Đội 6, từ hợp tác xã này qua hợp tác xã khác, tiếng kẻng vang vọng một vùng.

Âm thanh phát ra từ mỗi chiếc kẻng cũng khác nhau. Lâu dần thành lệ, người làng thuộc làu những âm thanh chiếc kẻng làng mình. Người ta còn biết được người nào đang đánh kẻng thông qua sự nhặt khoan của nó. Dường như tiếng kẻng còn thể hiện được tâm trạng, tính cách của người đánh bởi những thanh âm, tiết tấu riêng. Sau tiếng kẻng, người đi biển thì xuống thuyền, người đi chợ chuẩn bị quang gánh lên đường.

Buổi chiều, từng đội thuyền của các hợp tác xã cập bến. Tiếng kẻng lại vang lên, giờ chia sản phẩm là lúc ai cũng mong đợi. Bà con trong các đội sản xuất đến nhận phần cá, công sức của một ngày lao động. Theo người bán, cá được đưa đến các chợ trong vùng như chợ Do, chợ Huyện, chợ Cầu… Nguồn sống của mỗi gia đình sau chiến tranh thật giản dị. Thế nhưng, ai cũng phấn khởi hân hoan, tình làng nghĩa xóm đầm ấm chan hòa, niềm hạnh phúc thật bình dị, thiêng liêng. Cái thời bao cấp ấy sao mà vui, nặng nghĩa nặng tình…

Tiếng kẻng trong ký ức

Những tưởng hòa bình rồi, tiếng kẻng báo động chỉ còn trong ký ức. Ấy thế, sau năm 1975, làng chài ven biển của chúng tôi vài lần tiếng kẻng báo động bỗng rộn lên, dồn dập, vội vã. Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ ôm súng chạy rầm rập vây bắt những đối tượng vượt biên.

Chiếc kẻng được xem như một “chứng nhân lịch sử” - Ảnh: V.C
Chiếc kẻng được xem như một “chứng nhân lịch sử” - Ảnh: V.C

Nhóm vượt biên trái phép do Tư Tuệ cầm đầu có ý định xâm nhập bãi ngang vùng Cửa Tùng đón người vượt biên bị sa lưới… Tiếp đó, những năm 1978, 1979, tiếng kẻng báo động các làng đồng loạt vang lên hòa cùng tiếng pháo tập trận đì dùng ngoài khơi Cồn Cỏ dội vào. Đó là hiệu lệnh các cuộc diễn tập sơ tán, chiến đấu của làng tôi - một thời hào hùng cùng cả nước “Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”…

Thấm thoắt gần 40 năm không còn nghe tiếng kẻng làng, thay vào đó là tiếng loa phóng thanh sớm chiều của các khu phố đến tận làng quê. Nói thật lòng, nhiều đêm tôi nhớ về những ngày tháng ấy, thèm được nghe tiếng kẻng khôn nguôi. Tiếng kẻng sao mà thân thương, gần gũi, thiêng liêng đến vậy. Tiếng kẻng gọi người dân từ sáng sớm tinh sương, chia sẻ chuyện buồn, vui cùng dân làng qua mỗi đêm họp đội…

Và đêm nay giữa núi rừng biên giới bình yên, tôi được nghe tiếng kẻng của Đồn Biên phòng Cù Bai. Ký ức ngày xưa nguyên vẹn bỗng trở về…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vụ gửi con đi chữa bệnh, nhận lại hũ tro cốt: Chủ tịch TP Bảo Lộc lên tiếng

An Ly |

 

Liên quan tới vụ việc một gia đình ở Huế gửi con đi Lâm Đồng chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt, UBND TP Bảo Lộc đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp điều tra chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng theo đúng thẩm quyền.

Nặng lòng với tiếng đàn Ta lư

Minh Đức |

Chị Hồ Thị Tâm (sinh năm 1974) ở thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đã chơi đàn Ta lư hơn 30 năm nay. Chị tự mình chế tác đàn Ta lư và sáng tác những giai điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình. Là người nặng lòng với việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, chị Tâm ước mong được trao truyền vốn kiến thức của mình để thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy...

Quảng Bình lên tiếng về thông tin sai trong việc thuyên chuyển Đại đức Thích Trúc Thái Minh

Thanh Mai |

Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình lại phủ nhận việc đưa Đại đức Thích Trúc Thái Minh về làm phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh.

Kon Tum xảy ra 12 trận động đất liên tiếp trong 9 tiếng đồng hồ

Thanh Mai |

Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.