Nằm nép mình giữa núi rừng hoang sơ miền Tây Quảng Trị, Sân bay Tà Cơn hôm nay phủ một màu rêu phong trầm lặng, khác xa vẻ cuồng nộ và dữ dội từ hơn nửa thế kỷ trước. Nơi đây từng là trọng điểm chiến lược của quân đội Mỹ, từng gầm vang tiếng động cơ máy bay, thanh âm gào thét của pháo nổ rung trời…; giờ đây chỉ còn tiếng gió hun hút và bước chân khẽ khàng của những người như chúng tôi - đi, đến, để tìm về, hoài niệm lịch sử của miền đất từng sống giữa mưa bom, đạn lạc.
Cứ điểm khét tiếng một thời
Chúng tôi đặt chân đến di tích Sân bay Tà Cơn ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trong một buổi sáng âm u, khi mây xám bao phủ khắp dãy Trường Sơn. Những cơn gió rít qua rặng cây, như mang theo tiếng vọng của quá khứ. Là một nhà báo, tôi không chỉ đi để biết, ghi chép hay giữ lại vài khuôn hình, mà còn để cảm và hiểu về mảnh đất đã từng là tâm điểm giao tranh khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.

Tà Cơn không chỉ là cứ điểm, nó còn là biểu tượng cho tham vọng kiểm soát Tây Trường Sơn, cắt đứt tuyến vận chuyển chiến lược của quân giải phóng từ Bắc vào Nam. Nhưng chính nơi được coi là “bất khả xâm phạm” ấy đã trở thành điểm đột phá lớn trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Quân giải phóng, với lực lượng chủ lực gồm các sư đoàn thiện chiến đã tổ chức bao vây, cắt đứt hoàn toàn tiếp tế từ bên ngoài, đồng thời liên tục pháo kích và tấn công suốt 170 ngày đêm khiến quân xâm lược thương vong nặng nề, hoảng loạn và tháo chạy.


Hồi sinh từ tàn tích
Tà Cơn hôm nay không còn bom rơi, đạn nổ. Chỉ còn mây phủ đỉnh rừng, cỏ mọc phủ đường băng và những khung xác máy bay, xe tăng cũ nằm im lìm giữa đất trời. Trong sự tĩnh lặng ấy, ký ức vẫn hiện hữu như một dòng chảy ngầm về một thời máu lửa, nơi lòng quả cảm và khát vọng độc lập đã thắp lên giữa gian khó. Không cần tượng đài sừng sững, chính từng vết nứt của boong-ke, từng khoảng đất lổn nhổn sỏi đá cũng đủ khiến người ta dừng lại, lặng đi và lắng nghe lịch sử kể chuyện bằng chứng tích của riêng nó.
Tôi bước qua một đoạn hầm trú cũ, nơi từng là pháo đài kiên cố của quân đội Mỹ. Giờ đây, cây cỏ đã mọc lên xanh tươi, len lỏi giữa các vết nứt bê tông và những tấm thép trơ lạnh, minh chứng cho sự sống đang bồi đắp từng thớ đất vốn một thời bị xé nát bởi đạn bom. Một hình ảnh thật đẹp, yên bình và mang tính biểu tượng từ tàn tích chiến tranh, như cách dân tộc Việt Nam vượt lên mất mát để đi tới ngày hôm nay.
Rời Tà Cơn khi mưa giăng lất phất mà xa tít phía chân trời vẫn hửng sáng lạ kỳ như thể Trường Sơn đang khẽ mở một cánh cửa cho ký ức chiến tranh đi qua. Không ồn ào, không bi lụy mà đầy bao dung và nhân hậu. Hoài niệm về quá khứ, viết về lịch sử và lột tả về chiến tranh để thấu tỏ hơn con đường và sứ mệnh của quốc gia - dân tộc ta đã đi qua, không chỉ bằng máu và nước mắt, mà bằng lòng kiên cường và một niềm tin không gì lay chuyển vì độc lập - tự do và hạnh phúc!

Nguồn tin: anninhthudo.vn