Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - Những ký ức khó quên

Phan Văn Sinh |

Sau 50 năm tồn tại và phát triển, qua những chặng đường chông gai phải trả giá bằng mồ hôi, máu xương của bao thế hệ nhưng cũng rất đáng tự hào như lời bài hát: “Vượt qua gian khó biết mấy chặng đường, Thương mại Quảng Trị địa chỉ của chúng tôi” mới thấy lòng mình lắng đọng. Và không thể kìm nén cảm xúc khi được nhìn các thế hệ kế thừa đã gìn giữ, vun đắp, làm cho công ty rạng rỡ. Thật trân quý và tự hào biết bao, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị !


Đồng hành cùng đất nước, đồng cam cộng khổ, gom góp từng thước vải, cân thịt, mắm muối... đưa lên rừng, xuống biển, vào tận các thôn xóm, bản làng để phục vụ đồng bào, chiến sĩ, cả hậu phương và tiền tuyến, trên bom dưới đạn cùng bao hiểm nguy chờ chực, với quyết tâm cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước thống nhất, lại tiếp tục khai thác, thu mua, phân phối từ tấm vải, hạt muối, đến con cá, cân thịt...phục vụ cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trong giai đoạn đất nước ta vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc, bị bao vây cấm vận, SX-KD đình trệ, hàng hóa khan hiếm, khó khăn...lại tiếp tục đồng hành với đất nước, cùng Nhân dân, cả với bạn Lào, Campuchia vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ mới.

Trao thưởng cho các thành viên Câu lạc bộ 100 triệu đồng -Ảnh: T.N
Trao thưởng cho các thành viên Câu lạc bộ 100 triệu đồng -Ảnh: T.N

Sau khi chia tỉnh, nguồn nhân lực làm công tác thương mại khan hiếm, cán bộ, nhân viên thiếu kinh nghiệm về cạnh tranh và kinh doanh với nước ngoài; cơ sở vật chất, tiền hàng, tiền vốn, vô cùng khó khăn. Đứng trước những khó khăn, tỉnh Quảng Trị chủ trương tập trung nguồn lực, sáp nhập các đơn vị: Công ty Công nghệ phẩm, Công ty Thực phẩm Nông sản, Công ty Thương nghiệp Việt-Lào, Công ty vật liệu Điện máy và Chất đốt, đưa bộ phận kinh tế đối ngoại của tỉnh là đơn vị chuyên làm công tác kinh tế đối ngoại, có nhiều mối quan hệ, nắm bắt được thị trường trong và ngoài nước, nhất là thị trường Lào, Thái Lan làm hạt nhân trung tâm để thành lập công ty mới, Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Quảng Trị.

Năm 1992 khi mới sáp nhập, tập hợp, sau khi phân tích tình hình khó khăn, thuận lợi, giám đốc Trần Minh Chất kết luận: “Công ty chúng ta ra đời gần như tay trắng, nguồn lực các đơn vị chia ra mấy năm đến nay đã cạn kiệt, ta phải lấy con người làm trung tâm, là nguồn lực chính để phát triển...”.

Tôi cùng vài anh em được cử ra Hà Nội tiếp cận Bộ Thương mại xin ý kiến, nghe các anh tư vấn. Qua biên giới Trung Quốc để tìm hiểu thị trường mới mở, đến các đơn vị có quan hệ ở Vĩnh Phú và Hải Phòng...Đến đâu cũng được các đơn vị bạn đón tiếp nhiệt tình, động viên, hỗ trợ, cam kết hợp tác...Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các công ty trong và ngoài tỉnh, nhất là Bộ Thương mại rất thấu hiểu khó khăn của thương nghiệp, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, nay nhớ lại còn xúc động và vô cùng cảm kích...

Các bộ phận tiếp cận tốt, phương án kinh doanh được triển khai, thị trường Lào, Thái Lan đã kết nối, hàng hóa đi phía Bắc bước đầu khả quan...Sau đó sáp nhập thêm Công ty Thương nghiệp Đông Hà. Từ nay “gia đình” thương nghiệp Quảng Trị đã về chung một nhà. Công ty mới sáp nhập có vị trí mặt bằng kinh doanh tốt nên sau sáp nhập văn phòng công ty chuyển từ ngôi nhà thuê trên đường Trần Hưng Đạo về số 1 Phan Bội Châu.

Một hôm ngồi xem bóng đá, nói chuyện vui với một số cán bộ chủ chốt, giám đốc Trần Minh Chất nói: “Khó khăn, gian khổ phải vượt qua còn nhiều, nay ta đang là đội đứng cuối bảng nhưng đã có “sân chơi” tốt, cầu thủ “có sao”, có ngày sẽ vươn lên đầu bảng”. Nhớ lời anh, nhìn lại cơ đồ công ty hôm nay mà thấy lòng xao xuyến, bồi hồi...

Để công ty phát triển và tồn tại không còn cách nào khác là phải vươn ra biển lớn, chấp nhận cạnh tranh, tìm thế mạnh của địa phương, nhu cầu của thị trường để đầu tư, từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu công ty, quan tâm người lao động, khách hàng và người dân, người gặp hoàn cảnh khó khăn...

Công ty triển khai mở chi nhánh tại Lào để tiếp cận thị trường Thái Lan, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để tiếp cận thị trường quốc tế. Mặc dù bước đầu còn thiếu kinh nghiệm nhưng sau 5 năm công ty đã kết nối với hầu hết các thị trường lớn từ Châu Âu đến Bắc Mỹ, Úc, Đông Nam Á đến Châu Á...có bạn hàng đối tác kinh doanh có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị tỉnh giao, đảm bảo cung cấp hàng thiết yếu cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, dự trữ hàng phòng chống bão lụt, ổn định thị trường trong các dịp lễ, tết...Tham gia kết nghĩa, hỗ trợ các đồn biên phòng, vùng biên giới, hải đảo...

Do đất nước mới mở cửa, cơ chế chưa hoàn chỉnh, chuyển qua kinh doanh theo cơ chế thị trường đúng, sai lẫn lộn nên công ty cũng đã phải trả giá...Tôi xin nhắc vài chuyện nhỏ. Khi tôi được cử vào làm giám đốc chi nhánh Đà Nẵng, do nhu cầu vận tải lớn mà nguồn lực của dân còn hạn hẹp, loại xe nhập khẩu tiêu thụ để phục vụ vận tải SX-KD giá cả hợp lý là xe IFA của Đức, chất lượng bền, giá rẻ, khai thác kinh doanh có hiệu quả.

Qua đối tác, chi nhánh tìm được một lô xe IFA mới còn bỏ kho ở Đức hơn 100 chiếc. Bạn hàng trong nước nghe tin đến đặt cọc tiền mua hết. Vì là lô hàng lớn, ngoài khả năng của chi nhánh nên chi nhánh đề nghị công ty thực hiện. Công ty đã xin giấy phép để nhập lô hàng, chỉ cần chất lượng trên 80% nhưng đây là hàng mới nên không còn vấn đề gì. Nhưng khi lô hàng cập cảng Đà Nẵng thì bị Công an Đà Nẵng lập chuyên án để đánh án lô hàng này mà mục tiêu là chi nhánh Đà Nẵng.

Một sáng năm 1997 đang ngồi làm việc thì cảnh sát cơ động, kinh tế...đến văn phòng gọi tên tôi và đọc luôn ba lệnh: bắt khẩn cấp, khám xét chi nhánh, khởi tố vụ án. Lúc đó cũng có mặt hai cán bộ công ty vào làm thủ tục nhận hàng. Tôi đề nghị cho gọi điện hỏi giám đốc, anh đội trưởng bấm máy để tôi nói chuyện. Giám đốc bảo lô hàng này là của công ty, chi nhánh liên quan gì? Tôi nói, em tôn trọng pháp luật có gì anh trình bày sau. Khi kiểm tra thấy lô hàng không có tên chi nhánh và tôi, anh đội trưởng nói với tôi chắc vài ngày anh về thôi.

Sau đó gọi điện xin ý kiến bỏ lệnh nhưng trên không chấp nhận...Thế là tôi được “nhập kho”, dù đang là bí thư, giám đốc và chẳng có chút gì liên quan đến ba lệnh trên...Phát hiện ra sự việc, bắt người vô tội sau 9 ngày tôi được thả mà chẳng có tội tình gì... Khi được thả, tôi gọi điện anh Sơn (lái xe) lên đón, về đến chi nhánh thì anh Thái, phó giám đốc chi nhánh nói: “Tối nay Công an Đà Nẵng muốn mời anh và chi nhánh để xin lỗi”. Tôi nói với anh Thái: “Anh đồng ý. Nhưng anh Nam và em đi với họ, anh phải ra nhà”.

Vài ngày sau tôi trở lại Đà Nẵng thì anh Dũng, Viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng cũng mời tôi và anh Thái về nhà trần tình...Thôi! việc đó cũng bỏ qua. Mỗi tội là lô xe này, khách hàng sợ dính pháp luật, lấy lại tiền cọc, sau đó công ty phải đi bán dạo để thu hồi vốn, gây thiệt hại cho đơn vị...

Một lần khác tôi nhận tiền của công ty vào nộp cho một công ty ở Đà Nẵng. Nộp xong anh giám đốc công ty Đà Nẵng nói: “Tiền của mình, nhờ mang hộ vào không cần phiếu thu”. Gọi điện hỏi giám đốc công ty anh bảo: “Đơn vị bạn đang thực hiện một việc “hệ trọng”, cần ta hợp tác giúp đỡ không viết phiếu thu cũng được”. Thấy mù mờ, tôi năn nỉ, xin anh cho vài dòng. Anh viết. “Tôi trực tiếp nhận tiền anh Sinh...”. Tôi xuống văn thư đóng dấu rồi mang về. Sau một thời gian thì Công an Quảng Trị gọi tôi lên làm việc về số tiền này, tôi phải đưa “bảo bối” cho các anh vào kiểm tra, đúng sự thật, mọi việc mới êm xuôi...

Và còn bao nhiêu gian nan, phải đổ mồ hôi, nước mắt trên thương trường để có những nụ cười không sao kể hết. Có lúc tôi nghĩ: “Mười năm trên chiến trường K gian nan, nguy hiểm mà tôi được thử thách, không bằng những ngày trên thương trường đầy nghiệt ngã này...”.

Mặt hàng kinh doanh ô tô, thiết bị, chai phà, hạt ươi...bảo hòa, phải mở phương án mới, mặt hàng mới, đầu tư vào sản xuất chế biến để tồn tại. Công ty đầu tư khai thác chế biến gỗ, xây khách sạn, nhập và phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan, chế biến tinh bột sắn, mủ cao su, viên nén năng lượng, nông sản, đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng resort... Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, một số dự án mặt hàng có hiệu quả mang tính quyết định nhưng có một số mặt hàng, dự án còn gặp rủi ro không lường được. Khi resort ở Cửa Việt đầu tư xong đi vào hoạt động có hiệu quả thì xảy ra sự cố Formosa, rồi đến COVID-19 phải đóng cửa, lại phải bù lỗ, khắc phục...

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa công ty để đảm bảo quyền lợi của người lao động, ban lãnh đạo phải nghiên cứu, trăn trở, rút kinh nghiệm từ các đơn vị đã cổ phần thành công và không thành công, quyết tâm mua hết cổ phần để tiếp tục làm chủ, kiện toàn hoạt động theo quy chế mới. Công tác cổ phần hóa đã thành công tốt đẹp. Từ khi cổ phần đến nay công ty tăng trưởng vượt bậc, cổ tức được chia hằng năm trên dưới 20%, đời sống và thu nhập của cán bộ, công nhân được nâng cao.

Công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người nghèo, người gặp rủi ro trong xã hội, hỗ trợ phòng, chống bão lụt, COVID-19...được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Mỗi năm công ty nộp vào ngân sách trên dưới 60 tỉ, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho hàng vạn người lao động ở nông thôn, miền núi... Thu mua chế biến hàng vạn tấn nông, lâm sản xuất khẩu, mở rộng SX-KD, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, doanh số đạt gần 1.400 tỉ. Mạng lưới SX-KD, phục vụ đã trải dài tiếp tục đồng hành với người dân, hợp tác, hỗ trợ và gắn kết với nhau.

Đặc biệt, công ty đầu tư vào hạt gạo sạch, an toàn, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng, thương hiệu cho hạt gạo Quảng Trị, tăng thu nhập cho người nông dân, lo cho họ có cuộc sống tốt sẽ tác động đến mọi mặt, mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền KT-XH là việc làm hết sức nhân văn.

Ngoài ra, công ty cũng mở cửa cho con em và các em học sinh thâm nhập để trải nghiệm, tiếp xúc với hệ thống sản xuất hiện đại, vận hành tự động, văn hóa làm việc theo nhóm (5S), các phương án xử lý để bảo vệ môi trường, sản xuất theo quy trình mới, hiện đại, thăm các di tích lịch sử văn hóa...trang bị thêm kiến thức và tầm nhìn cho các em trước khi vào đời, nâng cao niềm tin, niềm tự hào về quê hương đất nước.

50 năm, một chặng đường dài không làm sao nhớ hết, kể hết những đoạn trường mà công ty đã vượt qua. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm công ty thành lập, tôi ghi lại vài kỷ niệm nhỏ mà bản thân đã trải qua trên dòng chảy phát triển của công ty. Và tự đáy lòng luôn kỳ vọng công ty tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên tầm cao mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xử lý 1.609 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Kăn Sương |

Sáng 2/11, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) do Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trịnh Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BCĐ 389 tỉnh và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 10 tháng năm 2023.

Việt Nam vượt Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ

Thanh Tú |

Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ tính theo giá trị nhập khẩu vào năm 2022.

Kết nối đầu tư và thương mại giữa Quảng Trị và Mukdahan

Thanh Trúc |

Ngày  9/10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (IPA QUANGTRI), Hội Doanh nhân trẻ Quảng Trị (YEA QUANGTRI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân trẻ Thái Lan tổ chức Chương trình “Gặp gỡ kết nối đầu tư, thương mại” tại Quảng Trị.

Công ty Thương mại Quảng Trị tuyển dụng nhân sự “Vườn ươm khởi nghiệp”

PV |

Tổng Công ty Thương Mại Quảng Trị (SEPON GROUP) đã cùng với tổ chức PUM (Hà Lan) xây dựng VƯỜN ƯƠM KHỞI NGHIỆP (3 mầm/khóa) với lộ trình đào tạo toàn diện trong vòng 2 năm.