Trường Bồ Đề Quảng Trị - Chứng tích bi hùng và nhân văn

Trúc An |

Về Quảng Trị, nếu tìm một địa chỉ còn lưu lại rõ nét nhất sự khốc liệt của mùa hè đỏ lửa 1972 thì đó chính là Trường Bồ Đề. Nằm ngay trên trục đường chính của thị xã Quảng Trị - đường Trần Hưng Đạo, chỉ cách Quốc lộ chừng trăm mét, ngôi trường qua bao khắc nghiệt của thời gian nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, như minh chứng sự tàn phá của chiến tranh, song ẩn chứa trong đó là những câu chuyện nhân văn.

 

Chúng tôi trở lại thị xã Quảng Trị ngày thu đông se lạnh, heo may vẫn còn rung rinh những tán lá dọc đường. Vài chiếc xe đạp chở hàng đi bán rong lướt qua, một đôi triêng gióng gánh bánh bèo nậm lọc rao dạo, tiếng lóc cóc và tiếng rao hòa lẫn trong nhịp điệu chậm rãi của một thị xã nhỏ bé đong đầy ký ức. Lớp cũ trường xưa vẫn còn đó / Thầy cô bạn cũ ở phương nào? Hai câu thơ nét phấn nhòe mờ vẫn còn đọc được ở trên tấm bảng của một phòng học tầng hai. Tấm bảng đen ngày nào giờ nhạt phếch, lục bục những lỗ hoắm khoét của đạn. Và phòng học cũng hoang tàn, không cửa nẻo, tường vách lủng thủng, cốt thép lộ ra phơi xương.

 

Năm 1956, Trường Trung học tư thục Bồ Đề do Hội Phật giáo Quảng Trị thành lập với ba lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ (tương đương lớp 6, 7, 8 bây giờ). Buổi đầu trường nằm phía sau chùa Phật Học (thường gọi chùa Tỉnh Hội) bên bờ sông Thạch Hãn, phòng học lợp tôn lá và một dãy nhà mái ngói do nhà chùa nhượng tạm để dạy và học.

Năm 1959 từ nguồn đóng góp của đạo hữu phật tử và bà con, trường Bồ Đề Quảng Trị được xây dựng kiên cố ở đường Trần Hưng Đạo. Đến năm 1960 ngôi trường hoàn thành và đưa vào sử dụng, lúc này đã mở thêm các lớp đệ tứ, đệ tam, đệ nhị (lớp 9, 10, 11). Ngôi trường bê tông cốt thép hai tầng, gồm 6 phòng học, có ban công và cầu thang ở phía trái.

 

Trường không có cấp tiểu học, chỉ có cấp trung học nên tên đầy đủ là Trường Trung học tư thục Bồ Đề (thường gọi tắt là Trường Bồ Đề). Trường cũng không có lớp đệ nhất (lớp 12), nếu học trò thi đỗ tú tài phần 1 thì được ghi tên vào học lớp đệ nhất của Trường Trung học Nguyễn Hoàng (trường công lập nổi tiếng, nằm ngay ở thị xã Quảng Trị). Và dù Trường Bồ đề là trường tư thục nhưng các học trò được miễn học phí, nhờ việc giáo hội vận động được tài trợ để trả thù lao cho các thầy cô thỉnh giảng. Một số thầy thỉnh giảng lại chính là cán bộ được tổ chức cách mạng cài cắm vào để hoạt động.

 

  Thầy Lâm Công Lũy từ huyện Gio Linh được bố trí hoạt động bí mật với chức danh giám thị Trường Bồ Đề. Thầy Lũy kết nối các học sinh trong trường để xây dựng cơ sở cách mạng. Bên cạnh đó, thầy tranh thủ sự sơ hở trong quản lý hồ sơ nhà trường để sửa năm sinh của học trò xuống dưới 18 tuổi, giúp các em không bị chính quyền miền Nam bắt đi quân dịch. Nhờ vậy rất nhiều học trò ở trường vừa khỏi thất học, vừa khỏi cầm súng cho phía bên kia.

 

Trường Bồ đề là hệ thống giáo dục tư thục của Phật giáo trước năm 1975. Tuy có dạy một số giờ giáo lý phật pháp nhưng chương trình dạy học vẫn như các cơ sở giáo dục công lập và tư thục khác. Thời điểm cao nhất, cả nước có khoảng 170 trường Bồ Đề, học sinh cũng không nhất thiết là người theo đạo Phật.

Ở Trường Trung học Bồ Đề Quảng Trị, triết lý nhà Phật được đưa vào một cách hết sức nhẹ nhàng, không bắt buộc nhưng nhờ nội dung phù hợp, nhân văn nên hầu hết học sinh đều tham gia đầy đủ, kể cả những người không có đạo hoặc theo tôn giáo khác. Môn học phật pháp cũng không có trong các kỳ thi tốt nghiệp. Chủ trương của các trường Bồ Đề là ngoài việc cung cấp kiến thức trí tuệ, còn phải xây dựng nên con người đạo đức mà giá trị cao nhất là từ bi, lòng yêu thương. Vậy nên ngoài chương trình chính khóa, hoạt động ngoại khóa là từ thiện xã hội. Sau các trận bão lụt luôn có hình ảnh tương tế của học sinh trường Bồ Đề.

 

  Triết lý giáo dục nhân văn này xuyên suốt trong hệ thống giáo dục trường Bồ Đề nói chung và các khóa của trường Bồ Đề Quảng Trị nói riêng. Từ năm 1972, do chiến tranh ác liệt diễn ra ở mảnh đất Thành Cổ, ngôi trường ở đường Trần Hưng Đạo phải đóng cửa. Nhiều người dân Quảng Trị sơ tán khỏi quê hương vào Đà Nẵng, vì thế nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học ở các vùng tạm cư, không khí học tập vẫn nghiêm chỉnh và đặc biệt phong trào văn thể vẫn sôi nổi.

 
 

  Đi thật chậm quanh ngôi trường Bồ Đề xưa cũ, chứng kiến dấu tích nham nhở của một cuộc chiến tàn khốc từ nửa thế kỷ trước. Trên đổ nát hoang tàn, những thảm rêu ngày mưa mốc xanh thẫm, cây dại mọc chen những kẽ nứt rạn trên tường, trên hành lang lối đi, như những dấu chân sĩ tử. Ban công và cầu thang lộ thiên cho thấy một kiến trúc khá sang trọng vào thời bấy giờ, ở một ngôi trường do lòng hảo tâm góp nên để gieo hạt giống từ bi trí huệ. Phải chăng nó cũng minh chứng cho khát vọng tri thức, tinh thần hào hiệp để khuyến học, bởi từ ngôi trường này đã giúp hàng ngàn học sinh được tiếp tục con đường học hành, trong khi tỉnh nhà lúc bấy giờ có rất ít trường công lập. Một cây non mọc lên chính ở chỗ ấy, ngay cửa phòng học tầng hai. Chim tha chủng tử đâu đó về nhả, chắc vì hạt khỏe nên ngay cả nơi bê tông mà vẫn nẩy trổ một cây bồ đề xanh.

 

 Lá phượng lắt nhắt rơi, nhìn lên mới thấy một tán cây cao vượt quá hai tầng và phủ lấy nửa ngôi trường. Bên trái sân trường, gốc phượng cổ thụ cỡ ba sải tay người ôm mới xuể, từ đó mọc lên năm nhánh. Hẳn cây phượng đã được trồng từ thời ngôi trường Bồ Đề này còn vang tiếng giảng bài, nay nó vẫn sừng sững như để nhắc nhớ về một quãng thời gian học trò đầy biến động của thời cuộc.

 

Quả thế thật, bởi ngay nơi tấm bảng trên tường còn dấu phấn ghi ngày họp lớp của một khóa học. Được biết hội cựu học sinh Trường Trung học Bồ Đề Quảng Trị thường xuyên tổ chức gặp mặt nhau, ôn lại ký ức xưa, xuất bản sách và kết nối gặp gỡ với các thế hệ trường Bồ Đề ở các tỉnh khác.

Điều này cũng giúp mở ra một cách tiếp cận mới trong việc kích cầu du lịch cho tỉnh nhà. Bởi không phải nơi đâu cũng có một ngôi trường đặc biệt như thế, vừa mang kiến trúc tân thời độc đáo, vừa nguyên vẹn dấu tích chiến tranh tàn phá, mà vẫn đậm giá trị của ký ức tuổi hoa niên tươi đẹp thời đạn bom.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

"Trường đại học" và "đại học" khác nhau như thế nào?

Thanh Mai |

Theo Luật Giáo dục đại học thì đại học và trường đại học là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Loại vi khuẩn khiến hàng trăm trẻ ở trường Ischool Nha Trang phải nhập viện

Thanh Mai |

Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Sức vươn của một mái trường

Nguyễn Trí Ánh |

Trường Tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) Hải Vĩnh, thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được sáp nhập từ hai trường TH và THCS trên địa bàn từ năm 2019.

Trao học bổng “Tiếp sức đến trường” đợt 2 năm 2022

Hải An |

Ngày 19/11, Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” đợt 2 năm 2022.