Trường Tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) Hải Vĩnh, thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được sáp nhập từ hai trường TH và THCS trên địa bàn từ năm 2019.
Những năm qua, quán triệt tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), được sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là sự đồng lòng, chăm lo, chia sẻ của Nhân dân, Trường TH&THCS Hải Vĩnh đã đạt nhiều kết quả, tạo đà phát triển những năm tiếp theo.
Số học sinh của trường trong những năm gần đây dao động trong khoảng 600 em, riêng năm học 2022-2023 trường có 505 học sinh, được chia làm 17 lớp, trong đó khối TH 10 lớp và THCS 7 lớp. Về văn hóa, khối TH trên 99% học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ; khối THCS: giỏi 22,71%, khá 32,31%, trung bình gần 42%; 100% học sinh được xét tốt nghiệp THCS. Toàn trường có 19 em đoạt giải các cuộc thi học sinh giỏi văn hóa, trong đó cấp tỉnh 3 em, cấp huyện 16 em. Ngoài ra, còn có hơn 50 em tham gia kỳ thi IOE, giải toán qua mạng, thi tin học trẻ, thi vật lý qua mạng… được Phòng GD&ĐT Hải Lăng biểu dương và tặng nhiều giấy khen.
Các hoạt động ngoài giờ lên lớp và chương trình giáo dục địa phương được thực hiện đầy đủ. Phương thức giáo dục đạo đức cho học sinh được đổi mới theo tinh thần lồng ghép và tích hợp; chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, kết hợp nhuần nhuyễn 3 mối quan hệ: nhà trường - gia đình - xã hội bằng những việc làm cụ thể có sức lan tỏa sâu rộng. Chẳng hạn như khi COVID-19 ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, cần có sự chung tay, chia sẻ của đồng bào cả nước, nhà trường và Công đoàn trường đã quyên góp hàng hóa, lương thực, tiền mặt và những vật dụng thiết yếu để cùng Nhân dân toàn huyện kịp gửi vào miền Nam cho bà con.
Mới đây, một học sinh lớp 1 của trường không may bị bỏng nước sôi phải nằm viện điều trị dài ngày. Cảm thương em và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thầy và trò tự nguyện đóng góp một phần kinh phí, đồng thời kết nối với nhà hảo tâm để có số tiền hơn 46 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ gia đình cứu chữa cho em. Đây không phải lần đầu mà các lần trước mỗi khi địa phương, nhà trường có học sinh gặp hoàn cảnh hoạn nạn, thầy và trò nhà trường đều quyên góp hỗ trợ.
Những năm qua, phong trào dạy bơi miễn phí nhằm phòng tránh đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh và mang lại hiệu quả nhiều mặt. Sáng kiến dạy bơi miễn phí trên dòng thủy lợi đi qua địa phương từ thầy giáo Nguyễn Viết Tước, một người con của quê hương đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều địa phương.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 32 cơ sở, bể bơi; phối hợp với các huấn luyện viên, giáo viên thể dục mở được gần 120 lớp phổ cập dạy bơi cho trẻ, đặc biệt có nhiều địa phương đã tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở vùng nông thôn trên kênh thủy lợi, ao, hồ, sông, suối vào dịp hè như các huyện: Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong...Việc tổ chức thực hiện Chương trình bơi an toàn, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em năm 2022 được quan tâm thực hiện, phù hợp với điều kiện của từng địa phương mang lại hiệu quả xã hội rất rõ rệt.
Cảm nhận sức vươn lên của một nhà trường không chỉ những con số mà còn phải nhìn tổng thể nhiều hoạt động khác như: công tác giáo dục kỹ năng sống, công tác xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, với tinh thần “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” và “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”; công tác phổ cập giáo dục; giáo dục thể chất, y tế học đường; đặc biệt là công tác quản lý và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đều được Trường TH&THCS Hải Vĩnh triển khai có hiệu quả.
Ghi nhận thành tích của nhà trường năm học vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng đã tặng giấy khen và hiện nay, Sở GD&ĐT đang trình UBND tỉnh công nhận Trường TH&THCS Hải Vĩnh đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Trường TH&THCS Hải Vĩnh vẫn còn những điều trăn trở, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thúy Hạnh cho biết: Hiện tại cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chưa có nhà đa năng, một số công trình phục vụ dạy và học xuống cấp...
Cùng với đó, sau sáp nhập, trường có 3 cụm trường nhưng chỉ có một tổng phụ trách đội nên việc tổ chức sinh hoạt và tổ chức các hoạt động xã hội gặp khó khăn. Nhà trường mong muốn được trang bị thêm máy tính cho học sinh học tập để hòa nhập trong thời đại “công nghệ số” “chuyển đổi số”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)