Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào…

Đào Tâm Thanh |

Hãy về đồng đội ơi! còn nằm khe đá hay thung sâu/Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào…Mỗi lần ca từ của bài hát “Về đây đồng đội ơi” của nhạc sĩ Trương Quý Hải cất lên cùng giai điệu trầm hùng sâu lắng, tôi lại luôn liên tưởng và nghĩ về những cội rừng, đồng bãi, xóm làng quê hương tôi cũng đã từng vang vọng thao thiết tiếng gọi hội quân của những cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về với Quảng Trị vào những ngày tháng Bảy thiêng liêng…

Anh Trương Quý Hải viết bài hát “Về đây đồng đội ơi” bằng nỗi nhớ quặn thắt những đồng đội đã chiến đấu và ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược đến từ phương Bắc, vào đúng ngày giỗ trận của Sư đoàn 356 anh hùng, nhưng tôi lại nghe như một lời giục giã, mời gọi đoàn tụ, sum vầy giữa người còn, người mất cùng về bên nhau cho thỏa nguyện ước của những người lính nơi chiến trường Quảng Trị hơn nửa thế kỷ trước. Và tôi cũng nhận ra rằng, đất nước mình giặc giã liên miên. Vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, lại phải ròng rã hơn 20 năm đánh thắng đế quốc Mỹ, bảo vệ toàn vẹn biên giới Tây Nam và dặm dài biên cương phía Bắc trước những kẻ thù hung hiểm. Sau những năm tháng hòa bình, những bước chân cựu binh lại dồn dập về với chiến trường xưa, lại tìm nhau, gọi nhau, xao xác cả rừng sâu, núi cao, triền sông, góc bể, tiếng gọi nhau, tìm nhau băng qua dằng dặc cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc Việt cho đến tận bây giờ.

Bữa cơm “giỗ đồng đội” đạm bạc mà thiêng liêng tại cao điểm Hồ Khê, Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: L.B.D
Bữa cơm “giỗ đồng đội” đạm bạc mà thiêng liêng tại cao điểm Hồ Khê, Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: L.B.D

Tháng Bảy, khi tôi lục tìm trong chút tư liệu của mình về bao cuộc hẹn hò đoàn tụ của các cựu binh về lại chiến trường xưa như thế, bỗng bắt gặp những dòng nhắn trên email hơn 10 năm về trước gửi từ anh Lê Bá Dương.

Cựu chiến binh, nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương là một người gắn bó thân thuộc với miền quê Quảng Trị, xem Quảng Trị là quê hương thứ hai, người khởi xướng và chủ trì nhiều chương trình tri ân đồng đội tạo dấu ấn sâu đậm trên địa bàn Quảng Trị. Vào những năm 2009 - 2010, anh Lê Bá Dương đã chuyển cho tôi toàn bộ chương trình hành hương về với Quảng Trị mang tên “Đưa quê hương vào cho đồng đội”, được thực hiện với sự bảo trợ của báo Văn Hóa cùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup và hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Anh Lê Bá Dương chia sẻ: Trong những trận đánh khốc liệt một thời giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội vào góc rừng, lòng đất nơi chiến trường, những người lính trên trận tuyến vẫn tự thề rằng: “Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các đồng đội về với gia đình, quê hương”.

Đến nay, đã có 6 cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” được tổ chức thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cuộc hành hương đầu tiên vào năm 2009 với sự tham gia của 253 đồng đội (có 21 thân nhân liệt sĩ). Cuộc hành hương thứ hai vào tháng 7/2010 với sự tham gia của 413 thành viên (có 43 thân nhân liệt sĩ). Cuộc hành hương thứ ba tổ chức vào tháng 4/2012 với sự tham gia của 784 thành viên (có 45 thân nhân liệt sĩ). Cuộc hành hương thứ tư tổ chức vào tháng 4/2015 với sự tham gia của 518 thành viên (có 52 thân nhân liệt sĩ). Cuộc hành hương thứ năm tổ chức vào tháng 4/2017 với sự tham gia của 543 thành viên (có 42 thân nhân liệt sĩ). Cuộc hành hương thứ sáu tổ chức vào tháng 4/2018 với sự tham gia của 546 thành viên (có 46 thân nhân liệt sĩ). Theo kế hoạch, cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ bảy sẽ tổ chức vào giữa tháng 7/2022 với số lượng đăng ký tham gia của hơn 400 đồng đội và thân nhân liệt sĩ.

40 năm sau chiến tranh (tính đến thời điểm năm 2009 - PV) luôn đau đáu lời thề sẽ tìm đưa đồng đội trở về quê hương, nhưng ngoài những đồng đội hy sinh được chôn cất còn nguyên vẹn hình hài được tìm đưa về các nghĩa trang và quê nhà, còn lại rất nhiều đồng đội thân xác hòa vào lòng đất, vĩnh viễn nằm lại nơi đầu sông, góc rừng chiến trường xưa thì việc tìm đưa các anh về quê hương là điều không thể.

Bởi vậy, trong niềm đau đớn, xót xa đến tận cùng, những người lính từng một thời trận mạc thuộc Trung đoàn 27 Triệu Hải (nguyên là Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh), Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 với tâm nguyện tiếp tục thực hiện lời thề đồng đội: “Không đưa được đồng đội về quê hương thì đưa quê hương vào cho đồng đội”.

Rượu ba chung, thuốc nửa điếu

Như thủa nào nhạt muối đói cơm,

Như thủa nào ăn trong đạn, ngủ trong bom,

Như thủa nào nhường bạn cuốn băng giấu mình vừa trúng đạn

Như thủa nào xếp đá chôn đồng đội tôi bên suối cạn

Để cuối chặng đời, lòng vẫn ngoảnh lại phía ngày xưa”…

Sau những cuộc hành hương nhỏ về chiến trường xưa vào các năm 2007 - 2008 để rút kinh nghiệm, từ tháng 4/2009, được sự đồng thuận và trợ giúp của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh… chương trình hành hương về với Quảng Trị mang tên “Đưa quê hương vào cho đồng đội” đã lần lượt được triển khai thực hiện với 6 lần, lần thứ nhất vào năm 2009, lần thứ sáu vào tháng 4/2018.

Trong email gửi cho tôi, anh Lê Bá Dương bộc bạch: Sau chiến tranh, hầu hết những người lính khi trở về với đời thường dù canh cánh nỗi niềm nhớ thương đồng đội, những muốn tìm gặp nhau, để “sống thì thăm, chết thì viếng”… Nhưng rồi chuyện cơm áo hằng ngày, không phải ai cũng có điều kiện tìm gặp lại nhau dù chỉ một lần trong chặng cuối đời… Vì vậy, cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” cũng là cơ hội để những người lính một thời cơm vắt rau rừng, đối mặt với mưa bom, bão đạn, cùng chung chiến hào, chia nhau gian khổ lại gặp được nhau:

Hai người lính gặp nhau mới đủ hai tay để ôm nhau

Hai người lính ôm nhau mới đủ hai chân để đứng bên nhau

Hai người lính áp mặt vào nhau mới đủ hai mắt để mà rơi nước mắt ngày gặp lại

Đó là những gì thấy được trong những cuộc hành hương nồng ấm tình đồng đội.

Cùng với cơ hội gặp nhau trong rưng rưng xúc động, nhắc nhớ một thời không thể nào quên, những cuộc hành hương còn là dịp để thực hiện chương trình khơi dậy, lan tỏa truyền thống yêu nước và cách mạng, tri ân đồng bào, đồng đội một thời đánh giặc, cứu nước và thu thập những thông tin thực chứng, tin cậy, giúp các thân nhân liệt sĩ có thêm điều kiện thuận lợi tìm kiếm hài cốt người thân…

Cựu chiến binh, thương binh thắp hương viếng đồng đội - Ảnh: L.B.D
Cựu chiến binh, thương binh thắp hương viếng đồng đội - Ảnh: L.B.D


Chúng tôi đã từng theo các cựu chiến binh thực hiện “đón bộ đội về làng” trong khuôn khổ chương trình hành hương về với Quảng Trị mang tên “Đưa quê hương vào cho đồng đội”; tổ chức thăm, cùng ăn, cùng ở trong nhà dân tại các xã Cam Tuyền, Cam Thanh (cũ) (huyện Cam Lộ); Triệu Trung, Triệu Đông (cũ), Triệu Thượng (huyện Triệu Phong); Gio An, (huyện Gio Linh); phường An Đôn (thị xã Quảng Trị); phường Đông Thanh (TP. Đông Hà). Ấn tượng nhất là đêm xã Cam Thanh (cũ) đón bộ đội về làng có chương trình văn nghệ đặc sắc của các ảo thuật gia mang áo lính, hai thế hệ chung một khúc quân hành, tiếng đàn măng đô luyn, sáo trúc réo rắt làm sôi động cả một vùng quê yên tĩnh.

Khoảng thời gian giữa cuộc giao lưu, các thân nhân liệt sĩ thông báo thông tin tìm kiếm người thân. Ở xã Gio An, nước từ ao làng và từ giếng nhà của các liệt sĩ đã được hòa vào lòng giếng cổ, nơi các đồng đội yên nghỉ vĩnh hằng. Ngôi đình do cựu chiến binh Trung đoàn 27 vận động Công ty Thanh Bình Hà Nội xây dựng tặng làng Gia Bình đã trở thành nơi thờ liệt sĩ trong lòng dân. Tiết mục “Tiếng đàn ta lư” rộn vang tiếng trống trận Gio An một thời đã được cất lên sôi nổi. Tiếng hát của các cựu binh và những thanh niên trẻ tuổi hòa vào nhau như một sự tiếp nối truyền thống yêu nước, thương làng cảm động.

Nơi xã Triệu Trung, lễ nhập thủy nước sông quê do đoàn hành hương mang từ các miền quê vào cho đồng đội đã diễn ra trong không khí trang nghiêm ngay tại bia tưởng niệm được xây dựng nơi từng là trận địa phòng ngự của ta bảo vệ phía Đông Thành Cổ Quảng Trị. Chúng tôi cũng đã gặp ở đây một hình ảnh thật đẹp, thật kiên cường, đúng chất lính: Say xe, không thể hành quân bằng ô tô, những cựu chiến binh Nghệ An đã vượt hàng trăm cây số bằng xe máy để được cùng đồng đội hội ngộ nơi chiến trường xưa…

Nhớ mãi “Đêm ấm rừng đồng đội” khi chúng tôi cùng các cựu chiến binh hành quân lên cao điểm Hồ Khê, Cam Tuyền, Cam Lộ vào ngày 28/4/2009, bồi hồi trở lại cánh rừng xưa, dự lễ khánh thành lăng bia ghi danh liệt sĩ do gia đình nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ phát nguyện xây dựng. Sau đó, cùng với sự đóng góp của các cựu chiến binh Trung đoàn 27 và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, công trình được nâng cấp, mở rộng thành khu lăng bia. Lên Hồ Khê, đoàn hành hương đã mang theo đất và nước ở 3 miền quê, từ đất Hoàng thành Thăng Long, nước hồ Gươm, sông Hồng, đất Nam Đàn quê Bác, nước trong từ đầu nguồn sông Lam, nước từ bến Nhà Rồng, nơi hợp lưu 9 nhánh dòng Cửu Long Nam Bộ, đến đất, nước từ các tỉnh: Quảng Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Điện Biên... để dâng lên các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vùng núi Tây Bắc Cam Lộ, một vùng chiến địa nóng bỏng trong không gian mặt trận Gio Cam những năm đánh Mỹ, với mong muốn các anh được nhìn thấy quê hương.

Chúng tôi đã gặp ở đây cựu chiến binh Trương Đình Lân, thuộc đoàn Quảng Bình đã lấy nước từ bến đò Mẹ Suốt, lấy nắm đất tại ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để mang vào cho đồng đội; bà Ký (74 tuổi) và con cháu bên tấm bia ghi danh liệt sĩ có tên liệt sĩ Ngô Đức Hạt, người chồng, người cha đã hy sinh và được chôn chung một hầm mộ tại Hồ Khê năm 1969; chị Thanh, thân nhân của liệt sĩ Phan Hữu Mỹ thắp hương tại bia ghi danh và là nấm mộ chung của các liệt sĩ hy sinh năm 1969 tại Hồ Khê…

Chúng tôi vẫn nhớ điểm dừng chân cuối cùng của đoàn hành hương là khu đền thờ liệt sĩ tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị. Sau bữa cơm “giỗ đồng đội”, các cựu chiến binh bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nhất của chuyến hành hương là “Hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn”. Đất và nước được lấy từ Hoàng thành Thăng Long, hồ Gươm; từ Đền Hùng, sông Thao; từ sông Lam, núi Quyết; cùng với đất “Mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn”, nước sông bến Nhà Rồng... đã được hòa chung trong một nghi lễ trang nghiêm trước khi hòa vào lòng sông Thạch Hãn, nơi yên nghỉ các hương hồn anh hùng liệt sĩ trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Thả hoa trên dòng sông để nhớ về đồng đội đã hy sinh - Ảnh: L.B.D
Thả hoa trên dòng sông để nhớ về đồng đội đã hy sinh - Ảnh: L.B.D

Trong những ngày theo chân các cựu chiến binh Trung đoàn 27 Triệu Hải về Quảng Trị tri ân đồng đội hơn 10 năm trước, trong sổ tay tôi có ghi lại những dòng thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương. Những dòng thơ chảy trong nỗi nhớ như có tiếng võng chao đêm ấm tình đồng đội nơi miền rừng Hồ Khê quê tôi năm ấy:

Bâng khuâng cánh võng ngày trở lại

Suối đó, rừng đây, đồng đội đâu rồi

Lá vẫn xạc xào thay vòm xanh vời vợi,

Bóng bạn đong đầy trong hố mắt không vơi…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sông Vĩnh Định và văn bia đá cổ

Nguyễn Việt Hà |

Nói đến công trình trị thủy lớn của tỉnh Quảng Trị dưới triều Nguyễn không thể không nhắc đến quá trình đào sông Vĩnh Định. Đây là con đường thủy nội địa huyết mạch quan trọng dưới triều Nguyễn. Công trình được khởi công từ mùa xuân tháng 3, năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825). Con sông này được đào và khơi vét nhiều lần, trải dài từ triều vua Minh Mạng đến các đời vua sau này.

Nhà báo Trần Quang Minh và hành trình ý nghĩa trên đất Quảng Trị

Nguyễn Minh Đức |

Anh Trần Quang Minh là nhà báo, biên tập viên, người dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Với anh, mảnh đất Quảng Trị là nơi ghi dấu những tháng ngày cùng đồng nghiệp làm nên nhiều tác phẩm truyền hình chất lượng và giờ đây là một điểm đến thú vị cho những ai đam mê du lịch trải nghiệm…

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa và những kỷ niệm về Quảng Trị

Nguyễn Việt Hà |

NSND Thanh Hoa là một nữ ca sĩ lớn của Việt Nam, được giới âm nhạc ví như cây đại cổ thụ che bóng mát cả một khoảng trời nghệ thuật Việt Nam. Thanh Hoa luôn được bao thế hệ người Việt Nam yêu thích và mến mộ bởi giọng ca truyền cảm về tình yêu quê hương, đất nước và cuộc sống- con người mãnh liệt. Đặc biệt với quê hương Quảng Trị, NSND Thanh Hoa đã có một số lần đến thăm, biểu diễn và có những kỷ niệm đẹp ghi dấu trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Nghề báo, con đường chông gai của phụ nữ

Hương Giang |

Làm báo, phụ nữ phải tự phá bỏ khuôn mẫu “nhân vật của gia đình” và đối mặt với rất nhiều khó khăn, không chỉ trong lĩnh vực săn tin tức...