Về làng Nủ sau lũ

Phạm Xuân Hùng |

Sau hai ngày thông tuyến tạm thời trên Quốc lộ 70, nối từ TP. Yên Bái qua Phố Lu lên huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, tôi mới có mặt ở thị trấn Phố Ràng. Chỉ có đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến TP. Yên Bái là xe bon, bắt đầu từ Đường 7 (Quốc lộ 70 được người dân địa phương gọi là Đường 7) xe khách bắt đầu chao đảo trên những quãng đường trơn trượt. Cảnh vật ven đường từ đây cũng bắt đầu nhuốm cảnh tang thương sau lũ. Thấy tôi xuýt xoa, tài xế và phụ xe bảo, chưa gì đâu anh, đường lên Bảo Yên còn nhiều đoạn nguy hiểm hơn, nhất là các đoạn từ km 4 đến km 9, km 50, km 75...


Xe dừng lại ở một điểm ven TP. Yên Bái. Tranh thủ vài phút tôi hỏi chuyện chị chủ quán nước. Chị bảo: “Nước vừa rút mấy hôm anh ơi. Anh thấy đó, bùn non còn đọng khắp nơi, cả thành phố sang huyện Lục Yên toàn là nước, có nhà ngập không thấy mái”. Biết tôi ngược lên Bảo Yên, chị bảo: “Dưới này lũ có nặng nhưng cũng không bằng Bảo Yên. Xót xa lắm anh ơi, làng Nủ cả nước đều biết”.

Làng Nủ, đó là nơi tôi tìm đến. Vừa đúng một tuần sau cơn lũ kinh hoàng mà làng Nủ là tâm điểm cả nước đau xót. Nhưng khác với nhiều nơi ở Lào Cai, làng Nủ không bị cuốn trôi bởi dòng sông Chảy hung dữ vào mùa bão lũ mà bởi sự sạt lở của một phần quả đồi cao, tạo nên cơn lũ quét đầy bùn đất và cây khô. Khi tôi đến, làng Nủ vừa đi qua 7 ngày tang thương, nước mắt trộn bùn đất vẫn còn hằn trên gương mặt của người dân quê, ngơ ngác và buồn đau.

Chính quyền huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã khảo sát khu đất rộng khoảng 5 ha, cách thôn Làng Nủ 3k m để làm khu tái định cư sau trận lũ quét kinh hoàng vừa qua -Ảnh: TL
Chính quyền huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã khảo sát khu đất rộng khoảng 5 ha, cách thôn Làng Nủ 3k m để làm khu tái định cư sau trận lũ quét kinh hoàng vừa qua -Ảnh: TL

Tôi ngược dòng chảy cơn lũ quét vào sáng ngày 10/9 đã qua, nhìn ngôi nhà còn sót lại trơ vơ đầu làng, chênh vênh trên sườn đồi, cố hình dung buổi sáng định mệnh đó. Những vòm hương cháy đỏ nơi trước đây từng là con suối nhỏ hiền hòa, giờ cát sỏi và những thân cây rừng ngổn ngang xóa vùi mọi dấu vết. Trên vài thân cây khô nhiều người đem bánh trái, nhang khói cho hương hồn những người bị vùi lấp. Tôi ghé vào lán trại được dựng cạnh dòng suối, là nơi dành cho những đội cứu trợ khắp nơi đổ về. Có người đàn ông dáng vẻ thất thần, ngồi trên ghế mà đôi mắt vô định trông ra bãi bồi sau cơn lũ quét.

Anh tên là Sầm Văn Bóng, người làng Nủ, sinh năm 1980. Anh ầng ậng như nước mắt chảy vào trong: “Chỉ một đêm thôi anh ơi! Em mất cả 5 người thân, vợ và hai con cùng hai cháu. Đứt ruột, chết đi sống lại cả tuần nay”. Anh Bóng dẫn tôi ra bờ suối có lũ quét kể: “Mưa suốt chiều ngày và đêm 9/9. 5 giờ sáng hôm đó, em đội mưa, bật đèn pin đi dọc suối cùng mấy đứa em kiểm tra bờ ruộng. Đi đoạn xa nghe nhiều tiếng lục bục rồi bất đồ có tiếng nổ lớn trên ngọn núi Voi phía sau lưng làng. Chỉ ít phút thôi, cả một dòng sông bùn đất, cây khô ụp xuống, chảy như thác, vùi lấp mọi thứ trên đường đi. Em ở khoảnh ruộng cuối làng nên thoát chết. Nhưng giờ sống mà đau lòng quá anh ơi”. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời an ủi, dù biết rằng với những người như anh Bóng, mọi lời an ủi chỉ là gió thoảng qua sông.

Mất mát, đau thương quá lớn với làng Nủ, ngôi làng người Tày sống hiền hòa dưới chân núi. Nơi có dòng suối nhỏ chảy ngang qua, những thửa ruộng bậc thang nhỏ nhắn, uốn lượn theo triền núi. Nhiều ngôi làng như thế ở xã Phúc Khánh và các xã khác cũng như thế ở huyện Bảo Yên. Nhưng mất mát, đau thương, dù không ai muốn, đã làm nên bức tranh rộng lớn của tình yêu thương đến từ đồng bào cả nước. Hàng cứu trợ, những đoàn xe, đoàn người cứu trợ từ miền Nam, miền Trung đổ ra Bắc. Chuyến xe ngược Đường 7 đã cho tôi nhìn thấy nghĩa đồng bào trong và sau cơn hoạn nạn. Đủ các tỉnh, thành, thậm chí tới huyện, xã, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo, các nhóm thiện nguyện từ khắp nơi đổ ra miền Bắc, về Lào Cai, tới Bảo Yên. Đường vào làng Nủ nhỏ hẹp, nhiều đoạn còn ngổn ngang đất đá thì họ dùng xe vận tải nhỏ, xe bán tải đưa hàng cứu trợ vào tận nơi. Điểm tập kết hàng cứu trợ phủ bạt chất đầy hàng hóa.

Trong số những đoàn cứu trợ tôi tình cờ gặp nhóm thiện nguyện đồng hương. Ba chàng trai đến từ miền gió lào, cát trắng Quảng Trị có mặt ngay ở đầu ngôi làng Nủ, nơi các chiến sĩ của Sư đoàn 316 thuộc Quân khu II đóng ở tỉnh Phú Thọ đang tích cực đào bới tìm thân xác của 13 người mất tích còn lại. Anh chàng lớn nhất là Trần Lương Thăng (46 tuổi) ở Khu phố 1, phường Đông Lương kể: “Bọn em ra đây từ hôm 14/9, nhóm 8 người, 5 người vừa về, còn lại 3”.

Anh chàng trẻ nhất là Nguyễn Thế Hải (33 tuổi), nhà ở thị trấn Gio Linh thì kể: “Chúng em đi 4 tỉnh gồm Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai. Ở Lào Cai thì chọn xã Phúc Khánh là nơi làng Nủ gặp thảm họa”.

Tôi hỏi, đi thiện nguyện mang theo hàng hóa gì? Anh chàng còn lại tên Ngô Văn Hoành (41 tuổi) ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, trả lời: “Gấp quá, với lại biết nhiều đoàn chở hàng nên chúng em chỉ mang tiền mặt. Thông qua Ủy ban MTTQ xã, những nơi chúng em đến để xác nhận và đưa tận tay các gia đình bị thiệt hại nặng. Tổng cộng là 452 triệu đồng anh à”.

Tôi rưng rưng: “Quê mình cũng bão lũ triền miên mà các em làm được như vậy quá tốt”. Cả ba anh chàng nối nhau nói, thì lá lành đùm lá rách chớ anh. Năm nào miền Trung mình gặp thiên tai thì ở hai đầu đất nước cũng ghé thăm đó thôi.

Rời làng Nủ, tôi mang theo nỗi đau, xen vào đó là những niềm vui nhỏ nhoi nhưng lấp lánh. Đau lắm khi nhìn vào danh sách những người tử nạn, già có trẻ có, nhỏ nhất chỉ vừa hơn tháng tuổi. Đau lắm khi biết đã một tuần rồi chỉ mới tìm ra 53 thi thể, còn 13 người nữa chưa biết ở đâu dưới lớp bùn đất vùi sâu hàng mét. Nhưng niềm vui là khi nhìn thấy sự cưu mang, đùm bọc, sẻ chia nghĩa đồng bào từ khắp nơi đổ về đây.

Tôi cũng đã đến Đồi Sim, nơi kịp thời khởi công Dự án tái định cư làng Nủ. Xe cơ giới đang san ủi, khung sườn ngôi nhà đầu tiên vừa dựng lên, các chiến sĩ đang nối nhau chuyền tôn kẽm lên để chuẩn bị lợp mái. Nhìn Đồi Sim, tôi mơ ra một làng Nủ nén dần nỗi đau để tiếp tục đứng lên, tạo dựng cuộc sống mới.

Và tôi đã dừng lại nhiều phút giây trước ngôi trường Mẫu giáo và Trường Tiểu học & Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh. Hình ảnh những em bé làng Nủ và những cháu lớn hơn chỉ vừa kịp đi qua ngày khai giảng lại hiện về. Các em không còn chơi đồ hàng và nhiều cháu lớn đã không bao giờ đến trường. Nhưng tôi tin linh hồn các em sẽ siêu thoát vì cuộc sống trên đất này luôn ắp đầy nhân nghĩa. Người còn sống luôn nhớ về người đã mất. Như những bông hoa trước cổng trường sau mưa lũ, bừng lên màu long lanh như nước mắt, dưới ánh mặt trời.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bé gái 11 tuổi ở Làng Nủ bị lũ quét vùi lấp, sau 2 tuần điều trị vẫn trong tình trạng nặng

Nam An |

Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhi Thảo Ng. có một số cải thiện, đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, ăn qua sonde nhưng trong tình trạng nặng.

Khởi công xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng Nủ, Kho Vàng

Hồng Ninh - Hương Thu - Nam Sương |

Ngày 21/9, tỉnh Lào Cai chính thức khởi công xây dựng khu tái định cư cho người dân chịu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà). Các dự án tái định cư này đều phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Khẩn trương tái thiết, ổn định đời sống người dân Làng Nủ sau lũ

Hương Thu |

Việc cấp bách tại vùng "rốn lũ" Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thời điểm này bên cạnh công tác tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn là khẩn trương tái thiết, sớm ổn định đời sống người dân sau lũ.

Lào Cai tiếp tục căng mình tìm kiếm hơn 60 người mất tích tại Làng Nủ

An Kiên |

Liên quan đến vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, kết thúc ngày 11/9, các lực lượng đã tìm thấy thêm 9 thi thể, nâng tổng số người chết lên 34 người, còn lại 61 người vẫn đang mất tích.