Về vùng đất thiêng Quảng Trị

Mai Chí Vũ |

Đây là lần thứ 3 tôi về miền đất thiêng Quảng Trị, đúng vào dịp tỉnh kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng 1/5 (1972 - 2022) với nhiều hoạt động có ý nghĩa; ngoài lễ kỷ niệm còn có 2 điểm nhấn: Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tổ chức tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và các hoạt động kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

Trở lại Vĩ tuyến 17 cùng với nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại (cố vấn kênh Truyền hình Nhân Dân), ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng bên cầu Hiền Lương và đến gặp nhiếp ảnh gia Hồ Sỹ Sô để nhận hiện vật là chiếc máy ảnh và dụng cụ phóng ảnh dùng ánh sáng mặt trời để tráng rọi ảnh (đây được coi là sáng kiến riêng, đặc biệt của Hồ Sỹ Sô) hiến tặng riêng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Cách đây gần 50 năm, có một sự kiện đã đi vào lịch sử ngoại giao Việt Nam: Chủ tịch Cuba Fidel Castrol là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đặt chân đến Quảng Trị - vùng đất vẫn được mệnh danh là “thánh địa tử thần, vùng đất thép” trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và có một nhiếp ảnh gia đã cho mình “cơ hội có một không hai” khi có mặt trong sự kiện lịch sử ấy và hơn thế, đã ghi lại được những “khoảnh khắc vàng” một đi không trở lại của lịch sử.

Đoàn cán bộ, nhân viên Hội Nhà báo Việt Nam viếng Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Mai Chí Vũ
Đoàn cán bộ, nhân viên Hội Nhà báo Việt Nam viếng Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Mai Chí Vũ

Giữ kỷ lục là “nhà lãnh đạo bị mưu sát nhiều nhất thế giới”, lại đến “thánh địa tử thần” giữa lúc cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đang hồi ác liệt nhất, thế nên an toàn và bí mật được xem là những yếu tố tiên quyết trong chuyến thăm Việt Nam trung tuần tháng 9/1973 của nhà lãnh đạo Cuba. Từ công tác chuẩn bị, lịch trình, phương tiện đi lại, cả khâu… chụp ảnh cũng được xem là một nhiệm vụ phải tuyệt đối được giữ bí mật. Và một trong những người được vinh dự trao nhiệm vụ tuyệt mật ấy là ông Hồ Sỹ Sô. 

Nhớ lại thời điểm lịch sử ấy, ông Hồ Sỹ Sô kể: Vào đầu tháng 9/1973, khoảng 10 ngày trước khi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm tỉnh Quảng Trị thì ông - khi đó đang là cán bộ của Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị -  nhận được một tờ giấy của Ty An ninh tỉnh yêu cầu sang gặp Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sỹ Thản để nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, ông được ông Thản cho biết ông sẽ nhận một nhiệm vụ đặc biệt nhưng không nói rõ là nhiệm vụ gì.

Mọi công việc được giữ bí mật cho đến phút cuối, ông Thản bảo tôi khi nào tôi cầm mũ thì chú cầm máy lên đường. Từ khi nhận được lệnh trên, ông Sô được chuyển sang ở cùng phòng ông Hồ Sỹ Thản. Mờ sáng 16/9/1973, ông Hồ Sỹ Thản chồm dậy cầm điện thoại nghe được vài chục giây thì bỏ máy xuống rồi chuẩn bị tư trang, tay cầm mũ cối, rồi đứng dậy. Ông Sô cũng nhanh chóng thu xếp đồ nghề cùng ra xe.

“Trên đường hướng ra Hiền Lương thấy có nhiều đoàn xe chở theo nhiều người, ai nấy đều mặc gọn gàng nhiều màu sắc đẹp như đi hội. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là sắp có một cuộc mít tinh lớn, chứ không hề biết về chuyến thăm của Chủ tịch Fidel”, ông Sô kể. Nhưng sau đó: “Khi đoàn xe sắp dừng trước hàng quân danh dự thì đoàn đón tiếp tiến thẳng đến chiếc xe thứ 3, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro bước xuống, lần lượt bắt tay, ôm hôn các đại diện quân - dân - chính Đảng khu Trị Thiên - Huế. Mọi người xúc động đến như ngừng thở” - ông Sô nhớ lại.

Đến tận thời khắc ấy, ông Hồ Sỹ Sô mới thực sự nhận thức được một cách rõ ràng nhất về nhiệm vụ tuyệt mật mà mình được giao phó. Qua câu chuyện ông Hồ Sỹ Sô kể, tôi hiểu thêm nhiều về vùng đất thiêng này. Vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Bến Hải, nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã trở thành tuyến lửa, trở thành biểu tượng thiêng liêng của sự hy sinh quả cảm, quật cường và khát vọng thống nhất non sông của quân và dân ta. Lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất tiếp tục được Vĩnh Linh, Gio Linh, hay cô đọng nhất là Vĩ tuyến 17 viết những trang chói lọi nhất…Chị Nguyễn Thị Dung, nhân viên làm việc tại Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải tâm sự: “Biết ơn thế hệ cha ông, thế hệ hôm nay phải hiểu về cái giá của thống nhất non sông, cái giá của độc lập, tự do để lao động và cống hiến…”.

Ngày thứ 2 tại Quảng Trị, chúng tôi đến thắp nén tâm nhang trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị. Trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã - Thành Cổ Quảng Trị 50 năm qua vẫn luôn là bản tráng ca hào hùng của cả nước, là bức tranh đẫm máu làm nên kỳ tích, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận số đạn pháo này tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945.

Nhà nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô tặng hiện vật cho Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh: Mai Chí Vũ
Nhà nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô tặng hiện vật cho Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh: Mai Chí Vũ

Trong 81 ngày đêm ấy, hàng vạn chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành Cổ Quảng Trị, hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở độ tuổi đôi mươi. Để đến hôm nay vẫn còn rất nhiều chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì xương máu các anh đã hòa quyện vào lòng đất mẹ bao dung...

Trên Bến thả hoa bên dòng Thạch Hãn, bốn câu thơ của Lê Bá Dương đã nói hết nỗi lòng của người chiến sĩ năm xưa trên chiến trường Thành Cổ với những linh hồn còn bồng bềnh trong cõi hư vô, nhưng hầu như vẫn chưa xa rời dòng Thạch Hãn.

Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,

Có tuổi hai mươi thành sóng nước,

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

Từ khi tan tiếng súng, hằng năm, vào dịp ngày thương binh liệt sĩ 27/7, cựu chiến binh Lê Bá Dương lặng lẽ về chợ thị xã Quảng Trị gom mua hết số hoa rồi đến bên dòng sông Thạch Hãn thả hoa xuống dòng nước cùng những giọt nước mắt, tưởng nhớ về những đồng đội năm xưa đã gửi thân xác nơi “dòng sông hoa lửa”, để cho hôm nay hoa nở giữa phố phường.

Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu tại Triển lãm Quảng Trị Bản hùng ca vang mãi - Ảnh: Mai Chí Vũ
Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu tại Triển lãm Quảng Trị Bản hùng ca vang mãi - Ảnh: Mai Chí Vũ

Chia tay Thành Cổ, tiếng cô hướng dẫn viên vẫn vẳng vẳng quanh đây: có những thanh niên mới 14 tuổi viết thư bằng máu và khai tăng tuổi để được đi đánh giặc… Dòng chữ đặc biệt ấn tượng với tôi là lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được đặt trang trọng tại Bảo tàng Thành Cổ: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Nửa thế kỷ trôi qua, bản hùng ca mang tên Quảng Trị vẫn vang mãi trên mảnh đất mang đầy thương tích chiến tranh, trên hành trình đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Thông điệp lớn nhất Quảng Trị mang đến là tinh thần đi tới, là khát vọng hòa bình, là sự hồi sinh và nỗ lực phát triển xây dựng quê hương Quảng Trị cùng đất nước Việt Nam mãi cường thịnh, phồn vinh, giàu đẹp

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử dân tộc, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp, để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Trong 50 năm qua, có hơn nửa triệu bản tin, bài báo, ký sự, phóng sự của Việt Nam và thế giới viết về Thành Cổ, về 81 ngày đêm hàng trăm nhà báo trong và ngoài nước đã sống, chiến đấu và phản ánh tại mảnh đất này. Những tấm ảnh, bài báo, thước phim của họ có có giá trị vô cùng lớn…

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Quảng Trị tổ chức Trưng bày và Triển lãm Quảng Trị Bản hùng ca vang mãi diễn ra từ 28/4/ đến hết ngày 1/5/2022 tại Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị nhằm phục vụ cho du khách hành hương về Quảng Trị dịp này. Trưng bày, triển lãm gồm 2 phần chính. phần chuyên đề: Trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh của các phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Lương Nghĩa Dũng, Trọng Thanh, Văn Sắc, Hồ Sỹ Sô; của các nhà quay phim như Nguyễn Thành Thái, Lê Mai Phong; những đóng góp của các nhà báo: Thép Mới, Hữu Thọ, Trần Công Mân, Phan Quang, Phạm Thanh, Ngọc Đản, Dương Thị Ngân. Chúng tôi cũng tổ chức giới thiệu một số hình ảnh, tư liệu báo chí về Quảng Trị thời kỳ 1954 -1975 và thời kỳ đổi mới, phát triển hôm nay... Người xem chắc chắn bất ngờ khi thấy nhiều hình ảnh tư liệu quý, nhiều hiện vật có giá trị, nhiều sưu tập lần đầu ra mắt công chúng.

Một góc thành phố Đông Hà hôm nay - Ảnh: Mai Chí Vũ
Một góc thành phố Đông Hà hôm nay - Ảnh: Mai Chí Vũ

Phần không gian Triển lãm ảnh báo chí gồm 81 tác phẩm do các thành viên Câu lạc bộ Ảnh báo chí thuộc Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam phản ánh về Quảng Trị hôm nay, đang vươn lên mạnh mẽ trong xây dựng quê hương giàu đẹp để sánh bước với các tỉnh, thành trong cả nước tiến vào thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội.

Trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Báo chí Việt Nam chịu trách nhiệm và Triển lãm ảnh do Câu lạc bộ Ảnh báo chí Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, nhằm tái dựng một phần câu chuyện về Quảng Trị - mảnh đất linh thiêng nối hai miền đất nước, nơi ghi dấu nhiều trận chiến ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động tri ân lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng thân mình cho Tổ quốc của các nhà báo làm việc tại bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Trị lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027

H.N |

Ngày 12/5/2022, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Trị tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Trị lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Thu hút đầu tư vùng ven biển - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Quảng Trị

Nguyên Lý |

Hai dự án chiến lược gồm Trung tâm công nghiệp khí và Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hứa hẹn sẽ tạo đột phá về kinh tế-xã hội cho tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Giải đẩy gậy, Đại hội TDTT tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII

Minh Đức |

Ngày 11/5, tại TP. Đông Hà, Ban tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ VIII, năm 2021 - 2022 tổ chức khai mạc Giải đẩy gậy trong Chương trình thi đấu Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII.

Chỉ số PAPI Quảng Trị xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố

Mai Lâm |

Theo kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố, tỉnh Quảng Trị đạt 42.394 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, giảm 22 bậc so với năm 2020.