Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại

Trường Giang |

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định, Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại.

Khi Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng, đồng thời lựa chọn những chiến sĩ trong các đội tự vệ để thành lập đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên.

Với việc xây dựng lực lượng và mở rộng các chiến khu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đóng góp công lao to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Giáo sư Phạm Hồng Tung (Ảnh: ivides.vnu)
Giáo sư Phạm Hồng Tung (Ảnh: ivides.vnu)

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại. Việt Nam chúng ta cần có Võ Nguyên Giáp của thời đại mới. Đó là những vị tướng đủ tầm vóc, trí tuệ, mưu lược và đặc biệt là đủ tâm huyết với đất nước, với dân tộc để chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, làm rạng danh non sông đất nước trên trường quốc tế.

Khả năng cầm quân và nghệ thuật chỉ huy tác chiến của Võ Nguyên Giáp

PV: Thưa Giáo sư, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội vũ trang cách mạng đầu tiên, Bác Hồ có nói, phải lấy chính trị trọng hơn quân sự. Vì sao Bác Hồ lại nhấn mạnh như vậy?

GS Phạm Hồng Tung: Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ giao nhiệm vụ lựa chọn những đồng chí tiêu biểu nhất trong các đội tự vệ để thành lập đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên. Người gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp huấn lệnh đầu tiên ghi trên vỏ bao thuốc lá: Tên đội là Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tức là chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Đây là điều mà nghiên cứu trong lịch sử quân sự thế giới chúng tôi thấy không có, chỉ có trong lịch sử quân sự Việt Nam. Qua đó có thể hiểu, sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nằm ở vận mệnh chính trị của nó, trong mối quan hệ mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Còn tài năng quân sự dù kiệt xuất đến đâu mà tách rời khỏi mối quan hệ mật thiết với nhân dân thì cũng vô nghĩa.

PV: Ngay sau khi được thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có chiến thắng trận đầu ở Phai Khắt và Nà Ngần. Chiến thắng này đã bước đầu hé lộ khả năng cầm quân và nghệ thuật chỉ huy tác chiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp?

GS Phạm Hồng Tung: Hai chiến thắng trận đầu đó thể hiện ba điều: Thứ nhất là dựa chắc vào dân; thứ hai là chọn đúng địa điểm và thứ ba là mưu lược. Lúc Bác Hồ chịu muôn vàn khó khăn, gian khổ ở hang Pác Bó, Bác làm nhiệm vụ dịch Binh pháp Tôn Tử để dùng cho đội du kích cách mạng. Một trong những điều của Binh pháp đó là bí mật, bất ngờ, tinh khôn, mưu mẹo. Hai trận thắng ở Nà Ngần, Phai Khắt chính là như thế. Chuyển thế bị động thành thế chủ động. Và khi đã chủ động rồi, ta đưa quân địch vào bẫy, phải nổ súng ít nhưng giành thắng lợi to. Đấy chính là bí quyết của hai trận Nà Ngần và Phai Khắt. Bác dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp là ra quân trận đầu phải chiến thắng và thắng bằng cách của Việt Nam là như thế.

PV: Thời điểm đó, thực dân Pháp liên tục dùng lực lượng để lùng sục nhằm tiêu diệt các đội vũ trang của ta nhưng dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, các đội vũ trang ngày càng lớn mạnh và đã khai thông được các chiến khu. Giáo sư có thể cho biết rõ hơn về dấu ấn của đồng chí Võ Nguyên Giáp với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này?

GS Phạm Hồng Tung: Khi chúng tôi về căn cứ địa cách mạng, các cụ ở đây vẫn nhớ như in cái gọi là Ngũ tự kinh Việt Minh. Đây chính là văn bản mà Võ Nguyên Giáp sáng tác dưới dạng văn vần nhằm truyền đạt tôn chỉ của Mặt trận Việt Minh để tuyên truyền cho nhân dân.

Đại ý nói Mặt trận Việt Minh là yêu nước, là chăm lo cho nhân dân và giải phóng dân tộc mà đến lúc 70, 80 tuổi người ta vẫn thuộc làu làu, có thể nói công vận động quần chúng của Võ Nguyên Giáp rất là lớn. Sau đó hai, ba chiến khu, một là Cao - Bắc - Lạng, hai là Chiến khu Bắc Sơn của Cứu quốc quân và thứ ba là khu ATK của Trung ương lãnh đạo làm sao đến một thời điểm nhất định, là đến năm 1943 – 1944, phải đánh thông với nhau để mở con đường nam tiến. Lúc đó, Việt Minh mới thực sự trở thành lực lượng mang tính chất toàn quốc. Khi đó, Võ Nguyên Giáp chính là người đã khai thông con đường nam tiến.

Việt Nam chúng ta cần có Võ Nguyên Giáp của thời đại mới

PV: Trong khi tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệnh, ta thua kém địch nhiều về vũ khí, trang bị và quân số nhưng chúng ta vẫn có thể mở được con đường Nam tiến thành công. Vậy, theo Giáo sư, điều gì đã giúp chúng ta có được thành công như vậy?

GS Phạm Hồng Tung: Quan trọng nhất là đi đến đâu phải biết vận động nhân dân đến đó. Có thể nói, Võ Nguyên Giáp là một thiên tài bẩm sinh, tiếng Tày, tiếng Nùng bác đều nói được; tiếng Dao và tiếng Mông bác không nói được, nhưng đi đến đâu, bác sẵn sàng nhập gia tùy tục, tìm hiểu phong tục và nhất là thái độ khiêm tốn, học hỏi, gần dân đã làm cho đội quân của Võ Nguyên Giáp, đội quân Nam tiến đó thực sự trở thành đội quân cách mạng của nhân dân. Điều đó giúp Võ Nguyên Giáp đã đánh thông, khai thông con đường nam tiến từ Chiến khu Cao - Bắc - Lạng xuống đến Chợ Đồn, Chợ Rã Thái Nguyên rồi xuống đến tận Hiệp Hòa, Bắc Giang, đến ATK Đông Anh, Hà Nội. Và khi diễn ra Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, việc kết nối giữa các chiến khu đã được liên thông. Đấy là công đầu của Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (ảnh tư liệu)

PV: Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh quân tiến đánh thị xã Thái Nguyên để mở đường cho Trung ương và Quân Giải phóng tiến về Hà Nội. Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong Cách mạng Tháng Tám, thưa Giáo sư?

GS Phạm Hồng Tung: Lúc đó là sau Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân cùng với các đội vũ trang khác đã sáp nhập với nhau mang tên là Việt Nam Giải phóng quân. Võ Nguyên Giáp cùng với Đàm Quang Trung và Alison Thomas chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân tấn công vào đồn của Nhật ở Thái Nguyên. Ý nghĩa của trận này rất đa diện. Thứ nhất, đây là đội vũ trang đã đứng dưới gốc đa Tân Trào tuyên thệ trước quốc dân đại hội Tân Trào, thay mặt cho toàn thể quốc dân Việt Nam, cho toàn thể chiến sĩ vũ trang Việt Nam thề sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong trận tiến công sang Thái Nguyên, lúc đầu quân Nhật chưa đầu hàng đồng minh, nên chúng ta phải giành được thắng lợi ở một vị trí chiến lược quyết định nằm ở giữa trung châu Bắc Kỳ và Trung Quốc để khi giành được thắng lợi ở một địa phương, có thể chưa thể giành được chính quyền trong phạm vi toàn quốc, chúng ta vẫn có được căn cứ địa để có thể tiến hành chiến tranh cách mạng lâu dài. Đấy chính là lí do tại sao chúng ta dành những đội quân tinh nhuệ nhất tập trung đánh vào đồn binh của Nhật ở Thái Nguyên.

PV: Giáo sư có cho rằng, tài năng, mưu lược và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền cảm hứng để chúng ta tiếp nối sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng?

GS Phạm Hồng Tung: Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại. Còn bây giờ, Việt Nam chúng ta cần có Võ Nguyên Giáp của thời đại mới. Đó là những vị đại tướng đủ tầm vóc, trí tuệ, mưu lược và đặc biệt là đủ tâm huyết với đất nước, với dân tộc để chỉ huy những đội quân, không chỉ là Quân đội nhân dân Việt Nam, mà có thể là đội quân khoa học, đội quân tin học, đội quân trí thức, đội quân nông dân… để chúng ta sánh vai với các cường quốc năm châu, làm rạng danh non sông đất nước trên trường quốc tế.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

(Nguồn: Phát thanh QĐND)

Triển lãm ảnh trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trần Trang |

Ngày 19/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển lãm ảnh chủ đề 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK (An toàn khu) Thái Nguyên' bằng hình thức trực tuyến kết nối với 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cùng bảo tàng một số tỉnh như Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Giang, Điện Biên và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm cũng được đăng tải trên các trang thông tin điện tử, trang fanpage cùng các mạng xã hội khác.

Nhìn lại sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua trưng bày trực tuyến

Minh Thu |

Triển lãm là dịp để nhìn lại truyền thống Cách mạng hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xây dựng đại đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thiếu tá, TS Trần Hữu Huy |

Quyết định tham mưu, chỉ đạo xây dựng các đại đoàn chủ lực; đồng thời trực tiếp chỉ huy các đại đoàn lập nhiều chiến công vang dội là một đóng góp xuất sắc, thể hiện rõ nét tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tinh hoa trí tuệ

Nguyễn Khắc Thái |

Đại tướng Võ Nguyên Giáp “là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh và đã để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại". Những giá trị tư tưởng, quân sự của Đại tướng hội tụ tri thức nhiều chiều, được vận dụng phù hợp với đặc điểm của chiến tranh cách mạng Việt Nam và chiến tranh hiện đại.