11 quyển sách hay về Phượt dẫn dắt những trái tim đam mê phiêu lưu vào những vùng đất mới, để thấy thế gian này rộng lớn và đẹp đẽ biết bao. Đánh thức trong mỗi người bản năng yêu, đi và sống hết mình.
1. Gái PhượtGái phượt là cô gái yêu đương mộng mơ khắc khoải theo những cung đường, mà ngay cả khi tiễn biệt một mối tình cũng phải đi một chuyến để chia tay. Là người mẹ tự tin một mình xách con lên đường, coi con là bạn đồng hành, để con có thể học từ thiên nhiên, học từ cuộc sống…
“Đọc Gái phượt, qua những trang viết hấp dẫn, khi hài hước, lúc rưng rưng, tôi như thấy thấp thoáng chính mình trong đó khi bỏ lại sau lưng cuộc sống an toàn để lên đường tìm kiếm những chuyến phiêu lưu. Tôi yêu những người con gái đi phượt bởi sự mạnh mẽ của họ, cả trên đường và cả trong cuộc sống. Thêm nữa, những trang viết về các thế hệ phượt đầu tiên cũng rất thú vị đối với tôi.” – Nguyễn Thị Kim Ngân, tác giả Nào, mình cùng đạp xe đến Paris cho biết.
2. Ta Ba Lô Trên Đất ÁTa ba lô trên đất Á không chỉ là cẩm nang du lịch bụi dành cho những ai yêu thích khám phá Đông Nam Á, mà còn là dấu ấn rất riêng của Rosie Nguyễn khi một mình đeo ba lô, tay cầm bản đồ ngược xuôi khắp các nước láng giềng để đi tìm chính mình và theo đuổi đam mê.
3. Nước Mỹ Lại Đi Và ViếtNăm 2017, du học sinh Phạm Nguyễn Linh Đan (sinh năm 1999) đã có chuyến nghỉ đông với 10 ngày lang thang ở vùng Đông Bắc nước Mỹ và tác giả đã kể lại trong cuốn Ký sự đường xa “18 tuổi & chuyến phượt solo đầu đời trên đất Mỹ”. Với niềm đam mê xê dịch và khám phá, vào mùa hè năm 2018, Linh Đan tiếp tục hành trình “phượt” qua 6 thành phố lớn của 5 bang (bang Pennsylvania, Michigan, Illinois, Indiana và Ohio) gồm các thành phố: Pittsburgh, Detroit, Chicago, Indianapolis, Cincinaity và Columbus trong khoảng thời gian 2 tuần. Toàn bộ hành trình được tái hiện trong “Nước Mỹ, lại đi và viết”-Ký sự đường xa, năm 19 tuổi.
4. Yếm Đào Du KýYếm Đào Du Ký là cuốn nhật ký nhỏ của một người phụ nữ dành hơn 10 năm tung tẩy trên những cung đường, những miền đất lạ mà quen.
Yếm là dân phượt thế hệ đầu, khi mà động từ này chưa được “chỉ mặt, gọi tên”. Yếm bắt đầu hành trình của mình khi đã gần 30. Yếm đi như kẻ cuồng chân, đi hết tận cùng mọi ngóc ngách trên dải đất hình chữ S. Yếm đã chinh phục hết bốn cực: cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Nam mũi Cà Mau, cực Đông Đại Lãnh. Yếm đã chạy xuyên Việt đến vài lần, từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, xuyên Tây Nguyên, chinh phục cả những cung đường khó như Chế Tạo – Mường La, Hà Giang, Điện Biên Đông… Yếm chạy xe máy xuyên Lào – Cam – Thái. Cuốn hộ chiếu của Yếm đóng dấu hết đủ tất cả các cửa khẩu Lào – Việt từ Tây Trang của Điện Biên cho đến Bờ Y của Kon Tum.
5. Vắt Qua Những Ngàn MâyVắt qua những ngàn mây tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước. Ẩn sau những mất mát hiện thực là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất của quê hương mình.
6. Bước Chân Việt Nam 4 Cực 1 ĐỉnhMấy năm gần đây, cái thú đi “phượt” đã trở nên phổ biến. Xếp ba lô, nhảy lên xe đi khám phá những vùng đất xa xôi, trầm mình lắng nghe tổ quốc “bốn bề lên tiếng hát” trên những cung đường đất mẹ đã trở thành một thứ gia vị đậm đà trong cuộc sống của không ít bạn trẻ. Không phụ thuộc vào công ty du lịch, bạn có thể bất thần dừng chân giữa đường nếu muốn. Để ngả lưng một chút, hay để lưu lại những khoảnh khắc đẹp miên man trên đường. Đi du lịch bụi cho bạn cảm giác tự do mãnh liệt, những cảm nhận thật và gần gũi hơn với đất và người. Bạn được hoà mình trọn vẹn vào cảnh quan xung quanh, để cho mùi mưa, nắng, gió ngấm cả vào hồn. Đó là chất men của loại hình du lịch này vậy.
Khác với du lịch theo tour, khi đi “phượt”, bạn phải tự mình tìm hiểu tuyến đường, lên lịch trình cho phù hợp, tự tìm thông tin về những địa điểm đáng lưu tâm và tự chuẩn bị nơi ăn chốn ở,… Vì bạn sẽ đi bằng phương tiện của mình, nên việc chuẩn bị lại càng phải chu đáo. Đi phượt không bao giờ dễ dàng, bạn sẽ phải đối mặt với đủ loại tình huống: đường quá xấu, xe hỏng, xăm thủng, lạc đường, kiệt sức,… Đây là những điều khó và cũng chính là một nét hấp dẫn khó cưỡng lại nổi với những kẻ trót say cảm giác phiêu lưu. Nó thử thách những giới hạn của bạn, nó làm bộc lộ trong bạn những con người mà trong hoàn cảnh bình thường bạn chẳng bao giờ biết đến. Vậy nên, đi “phượt” là để khám phá những vùng đất mới, và cũng là để khám phá chính mình.
7. Chân Đi Không Mỏi – Hành Trình Đông Nam ÁChân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á là những trải nghiệm tinh tế, giàu cảm xúc và tràn đầy sức sống của một tâm hồn tự do trên khắp các vùng đất Đông Nam Á. Từng trang sách sẽ “mê hoặc” người đọc trong cảm giác tưởng chừng như cái nắng cháy da trên đảo Koh Samui (Thái Lan) đang đốt trên cánh tay, bình minh trên đỉnh Ramelau (Đông Timor) đang chiếu ngời khuôn mặt, những ánh tàn cuối ngày của Kuta (Bali, Indonesia) vẫn còn nhuộm vàng mặt biển, hay tưởng như những đàn cá mập dưới đáy biển Sipadan (Sabah, Malaysia) vẫn đang kiêu kỳ rẽ nước ngay trên bình dưỡng khí lặn, rồi còn những khi lái thuyền lao thẳng vào một ghềnh nước trên sông Nam Tha (Luang Nam Tha, Lào), rồi những đêm uống bia trên bãi biển El Nido (Philippines,)…
8. Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước MỹQuá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả – một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.
Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới – của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó.
9. Cẩm Nang Sinh Tồn: Hướng Dẫn Của Phượt Thủ Về Cách Sống Sót Nơi Hoang DãMọi kịch bản có thể xảy ra. Từ các kỹ năng sinh tồn cơ bản đến hiểu biết sâu sắc về việc sống sót trong điều kiện thù địch, đây là cuốn cẩm nang không thể thiếu không chỉ dành cho phượt thủ, mà cho bất cứ ai ưa thích các hoạt động ngoài trời.
10. Từ Rừng Thẳm Amazon Đến Quê Hương BoleroCuốn sách này như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả. Như trong lời mở sách (Tại sao Nam Mỹ?), tác giả viết đại ý, Nam Mỹ với những cô hoa hậu tuyệt đẹp, với những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ, tài năng như Maradona từng hấp dẫn anh từ ngày thơ ấu. Nhưng giấc mơ chinh phục Nam Mỹ lại bùng lên khi anh xem cuốn phim Motocycle Diaries kể về chuyến du hành xuyên Mỹ Latinh của chàng sinh viên y khoa năm cuối Che Guevara.
Vậy là vác balô lên đường cho những chuyến đi dài ngày: năm 2008, Nguyễn Tập có 2 tháng ăn dầm nằm dề ở xứ sở của người Quechua – hậu duệ dân Inca; 2009, lại có hai chuyến đi Mexico; cuối năm 2011, anh dành 4 tháng thâm nhập vào những bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Peru và Bolivia. Và gần đây nhất, anh trở lại đó với những ngày làm cư dân Cuba. Chuyến khám phá Cuba – quê hương xì gà và Bolero kết thúc chỉ trước khi ông Fidel Castro qua đời vài ba hôm..
11. Uống Cà Phê Trên Đường Của Vũ“Chàng thi sĩ nhiều mơ mộng vừa cởi áo lính, hạnh phúc tan vỡ, thất nghiệp, lại đang lúc bị quy về “bệnh tư tưởng” thơ viết không đăng…
Ly cà phê đen một mình nơi quán cóc bao giờ cũng nhỏ vào đáy cốc những giọt buồn lặng lặng không tan. Người cô độc thường tìm tới ly cà phê một mình chứ không phải rượu. Vũ lại không phải là một người hay rượu. Ly cà phê cô độc ám ảnh suốt thơ anh. Quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ … Quán cà phê ngoại ô Căn nhà gỗ bộ ghế bàn thấp nhỏ Mảnh vuờn tối với những pho tượng cổ Bức sơn dầu…” Trích Uống cafe trên đường của Vũ – Trần Tuấn.
Cuốn sách tựa những hành trình dài của tác giả Trần Tuấn trên mọi miền đất nước, và cả nước ngoài. Ấy là những miền đất mà ông đã đi qua, đã cảm, đã ngấm cái chất của vùng. Con người nơi miền đất ấy, câu chuyện nơi những mảnh đất ấy ngấm vào lời văn của ông một cách tự nhiên, bình dị. Và rồi chúng trở thành những miền tâm tưởng. Một chuyến hành trình tưởng như bất tận. Để rồi đến cuối cùng Trần Tuấn, hay thậm chí cả người đọc mới vỡ ra. “Bởi tôi là tín đồ của đạo trần gian…”.
(Nguồn: Heidegger)