Trời dần chuyển hạ, nắng sớm chiếu loang. Mở toang cửa sổ, pha ấm trà nhài, mặc tình thư thái. Ngoài vườn, tiếng chim lách chách vạch sâu, gà mái tục tác kéo rề, thỉnh thoảng xen tiếng lục cục gọi bọn gà con chíu chít. Hương nhài thoang thoảng trong gió mai, nhẹ nhàng ngan ngát. Lần giở từng trang sách Tây Du tiền truyện, mới hay rằng, cái sở học gần 40 năm, chẳng qua chỉ là một giọt nước trong mênh mông đại dương.
Có người bạn nói đùa: “Chú mày đọc sách nhiều, để khi chết rồi, lại kể chuyện cho giun dế nghe sao?”. Nghe sơ hữu lý, chẳng đặng bền lâu. Giả sử mỗi ngày không đọc lấy một trang sách, chắc chắn sẽ mãi mãi chìm nổi trong lục trần, chẳng thể thoát li.
Sách chính là tinh hoa của mỗi người viết nên nó. Những người viết sách, đa phần có trí tuệ, tâm tình tao nhã, ngôn ngữ thượng thừa. Đọc sách chính là một cách tu dưỡng tính tình, rèn luyện đạo đức và phát dương trí huệ.
Từ những ngày ban sơ, mua vài quyển “Hạt giống tâm hồn”, có những khi đã để nhòe ướt nét chữ, mới hay rằng, từ trong khô cằn trái tim, vẫn âm thầm một dòng máu thiện lương. Từ đó, ngày ngày đọc sách, khi thì tiểu thuyết kinh điển dành cho thiếu nhi, lúc thâm trầm trong mưu lược Đông Chu, Hán Sở, Tam Quốc, lại hùng hồn theo bước đoàn quân Đông A chống Nguyên Mông, hay cùng Trần Quang Diệu, Nguyễn Huệ xách đoản côn đánh nam dẹp bắc. Cái tự tôn dân tộc cũng nhờ thế mà được nâng lên.
Và rồi mới biết, rốt cuộc nhân sinh chỉ là cõi tạm, dù là triều đại trăm năm rực rỡ, hay anh hùng một thuở giang sơn, chung quy lại sẽ tàn theo năm tháng, đổ vỡ trước gió mưa. Từ đó, tìm về với bổn tâm, trau dồi đức hạnh, dẫu không thành Phật, nguyện thiện lương, thoát tục như sen thắm, tao nhã như nhài đêm.
Việc đọc sách cũng cần có thuận thời. Mùa đông chính là lúc cùng Oliver Twist lăn lộn trên các hẻm tối của thành phố, theo chân Remi và Vitalis Không Gia Đình, rong ruổi tuyết lạnh, hay cùng Sara - Công Chúa Nhỏ quấn tạp dề ngủ trên gác xép suốt mùa đông. Những lúc như vậy, toàn trái tim, gân cốt đều run lẩy bẩy vì lạnh, vì đói, như thể chính mình đang trải qua những bất hạnh trong cuộc đời ấy vậy.
Đọc sách mang lại những sự thật mà đôi khi lịch sử ngộ nhận. Ta sẽ giải được hàm oan của họ nhờ chính cuộc sống hôm nay làm minh chứng. Chẳng cần nói xa xôi đến Tào Tháo ở bên Tàu, mỗi ngày tay cầm chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân, mới hay cụ Hồ Quý Ly đã có tầm nhìn vượt xa thời đại phong kiến cuối triều Trần.
Có những điều lịch sử được ghi lại qua những trang tiểu thuyết, mang lại cho người đọc cảm khoái. Nhưng có những quyển, dẫu ngôn ngữ tuyệt đỉnh, thực chẳng muốn đọc và truyền lại cho con cháu. Như Hồng Lâu Mộng, danh tác của Trung Hoa, với hàng triệu đọc giả trên thế giới, đến nỗi xuất hiện môn Hồng Học được nghiên cứu tại các nước Hoa ngữ. Các nhân vật đều là con nhà quan lại, tư tưởng hưởng thụ, ăn bám cha mẹ và triều đình, học không lo học, mười lăm mười sáu đã đàn, trà, tửu, gái; ngâm thơ vịnh cảnh, rảnh rỗi đến chôn hoa, khóc than... Đến khi mưa gió thay đổi, tường đổ vách xiêu, thì hoặc tự tận, hoặc nương bám cửa Phật, oán trời trách phận, chẳng biết vun đất trồng khoai mà ăn. Rủi cho lũ trẻ đọc vào, nhiễm thói phong lưu, thì e rằng, chẳng những nghiệp tổ tông tạo dựng, chẳng bao lâu sẽ tan thành mây khói, mà chính bản thân chúng cũng thiếu hẳn kỹ năng sống còn.
Kẻ làm cha mẹ phải biết chọn sách cho con. Kẻ làm thầy phụ phải nên hướng sách cho trò thì mới mong không làm hư hỏng hậu thế. Vài năm trở lại, sách viết rất nhiều mà lời lẽ hời hợt, thậm chí dâm dục, không đáng trân trọng để trên kệ sách.
Tu tâm dưỡng tánh, không chi bằng Kinh Phật! Đạo làm người, phương xử thế, sống hòa ái, gặt hạnh phúc...là những điều con người, tận cùng sâu thẳm muốn đạt đến. Nhưng vì không rõ con đường, nên loay hoay mãi trong vòng sân si. Đọc Kinh Phật sẽ biết rằng thờ cha kính mẹ chính là đạo. Là từ bỏ cái tôi, chủ động yêu thương người, dẫu nhận lại đắng cay, không ôm giận dỗi... cũng chính là đạo.
Người đọc sách nhiều, ngôn ngữ lưu loát, truyền tải sâu sắc, phong thái tao nhã, lục trần dẫn rời bỏ.
Thầm mơ một ngày, có một Thiền phòng, ngày đêm lui tới. Thắp nén nhang trầm lên bàn thờ Phật, tụng một thời Kinh; pha chén trà thơm, cùng lũ con cháu, giở từng trang sách, nghiền ngẫm thế nhân. Dẫu biết rằng, thân xác rồi cũng về đất, nhưng lại có cơ hội, kể chuyện Kinh sách, độ lũ giun dế. Biết đâu có ngày, nghe mãi thành Phật, chẳng phải lợi lạc lắm sao?
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)