Gìn giữ và phát huy trò chơi dân gian, thể thao truyền thống trong trường học

Hoài Diễm Chi |

Thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Trị chú trọng tổ chức nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống cho học sinh. Những trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống mang lại niềm vui, sức hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh tham gia thi đấu và cổ vũ. Thông qua sân chơi lành mạnh này, học sinh được rèn luyện sức khỏe và góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

 
 Một tiết mục trong cuộc thi nhảy dân vũ của Đoàn Trường THPT Gio Linh - Ảnh: T.N 

Nỗ lực giữ gìn

Dịp 26/3 vừa qua, học sinh Trường TH&THCS Phường 3, TP. Đông Hà, được hòa mình vào không khí sôi nổi của ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3 (1931 - 2025).

Tại ngày hội, nhà trường đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động thể thao bổ ích cho học sinh. Theo anh Hoàng Ánh Thùy, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường TH&THCS Phường 3, việc tham gia các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống không chỉ là niềm vui tuổi thơ mà còn là cầu nối giữa thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa truyền thống.

Vì vậy, liên đội luôn quan tâm tổ chức các sân chơi, hoạt động văn hóa dân gian kết hợp môn thể thao truyền thống. Dịp 26/3/2025, nhà trường tổ chức thi đấu các môn kéo co, nhảy bao bố tiếp sức cùng với trò chơi đổ nước vào chai. Để tạo khí thế thi đua sôi nổi, tăng thêm tinh thần quyết tâm giành chiến thắng cho học sinh, nhà trường đã tổ chức trò chơi bài bản, đúng luật như một giải đấu thực sự. Những hoạt động này cũng góp phần giúp học sinh rèn luyện tinh thần đồng đội, sự khéo léo, tăng cường kỹ năng sống và nâng cao sức khỏe thể chất.

Trên toàn tỉnh, trò chơi dân gian và môn thể thao truyền thống được nhiều trường học tích cực tổ chức trong các giờ ra chơi, sinh hoạt ngoại khóa và tích hợp trong các tiết học... Trong không gian học đường, những trò chơi như nhảy dây, kéo co, ô ăn quan, nhảy bao bố, chơi chuyền... không chỉ giúp học sinh rèn luyện thể lực, phát triển năng khiếu thể thao mà còn khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều trường đã nghiên cứu và lựa chọn đưa một số môn vào các giải thể thao học đường. Thông qua những hoạt động này, giáo viên cũng dễ dàng quản lý, đảm bảo học sinh được giải trí, vui chơi một cách an toàn, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, hạnh phúc.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thành, huyện Triệu Phong Võ Nguyên Hồng cho biết, trường hiện có 3 điểm trường, với 636 học sinh. Những năm qua, nhà trường luôn quan tâm đến việc tổ chức các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống trong trường học.

Hiện nhà trường đã phổ biến sâu rộng các trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy bao bố, rồng rắn lên mây, dung dăng dung dẻ và các môn thể thao truyền thống như kéo co, nhảy dây, nhảy bao bố... cho học sinh. Trên sân Trường Tiểu học Triệu Thành giờ ra chơi, nhiều em tập trung chơi các trò chơi dân gian rất hào hứng và thích thú. Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm tổ chức nhiều sân chơi, thi đấu, tạo thêm không khí hứng thú cho các em.

 
Trường TH&THCS Phường 3, TP. Đông Hà tổ chức thi đấu nhảy bao bố tiếp sức trong ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” - Ảnh: A.T 
      

Em Lê Nguyễn Hoài An, học sinh lớp 5C vui vẻ nói: “Mỗi giờ ra chơi, em rất vui vì được ra sân trường tham gia các trò chơi dân gian cùng các bạn. Em chơi được các trò như ô ăn quan, nhảy dây, rồng rắn lên mây, dung dăng dung dẻ, kéo co, chơi chuyền, nhảy bao bố... Các trò chơi này đã giúp em rèn sự khéo léo, hiểu biết thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống”.

Cần bảo tồn và phát huy

Mặc dù đã được phổ biến, gìn giữ thông qua nhiều hoạt động đa dạng về hình thức, song các trò chơi dân gian và môn thể thao truyền thống hiện nay vẫn có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian và môn thể thao truyền thống là nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, ngành, trong đó có ngành giáo dục quan tâm.

Anh Lê Ngọc Thạnh, chuyên viên chính Phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT cho biết, sở luôn quan tâm đến việc phát triển thể thao trong học đường, trong đó có việc tổ chức đa dạng, phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống. Đây là hình thức vận động phù hợp với mọi lứa tuổi, từ bậc mầm non đến THPT nên mỗi trẻ em, học sinh đều có thể dễ dàng tham gia vui chơi, thi đấu.

Các hoạt động này cũng đã trở thành điểm nhấn trong thể thao học đường vào những dịp quan trọng. Có nhiều môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố đã được đưa vào thi đấu trong các giải thể thao học đường. Hiện nay, Hội khỏe Phù Đổng các cấp đã đưa môn đẩy gậy vào nội dung thi đấu chính thức.

“Các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống có đặc điểm chung là dễ chơi, dễ tập luyện và không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, chiến thuật. Dụng cụ thể thao phục vụ thi đấu cũng rất đơn giản, dễ kiếm, chi phí thấp nên tạo thuận lợi cho các nhà trường tổ chức thành giải đấu cho học sinh. Các trò chơi dân gian cũng vừa là môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố... với sự đa dạng, tính tương tác cao được gìn giữ và phát huy trong trường học không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng tư duy mà còn là một cách để học sinh gần gũi và yêu thích hơn văn hóa dân tộc”, anh Thạnh cho biết.

Thực tế cho thấy, thể thao học đường đã đào tạo nên nhiều vận động viên có thể tham gia thi đấu các môn thể thao truyền thống từ phong trào đến thành tích cao như kéo co, đẩy gậy... Vì thế, cần quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì phát triển trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống trong học đường.

Đối với các em học sinh ở cấp THPT, một số trò chơi dân gian không còn phù hợp, vì thế các trường cần nghiên cứu bổ sung, lồng ghép tổ chức trong hoạt động ngoại khóa, hội trại hoặc buổi sinh hoạt đoàn. Trong đó nên chú trọng tổ chức cho học sinh cấp THPT các trò chơi dân gian như nhảy sạp, thi nhảy dân vũ, thi hát dân ca hoặc nâng tầm lên thành giải đấu cấp trường các môn kéo co, đẩy gậy...

Một số trường trên địa bàn tỉnh như: TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các huyện Gio Linh và Đakrông... đã lồng ghép các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống trong các hoạt động ngoại khóa.

Việc tham gia các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, giúp học sinh có những phút giây thư giãn, có cơ hội phát triển toàn diện hơn và tiếp thêm nguồn năng lượng để các em học tập đạt nhiều thành tích cao.

Nguồn tin: Báo Quảng trị

Huyện Gio Linh quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thư viện trường học và phát triển phong trào đọc sách

Hoài An |

5 năm qua, huyện Gio Linh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thiện hệ thống thư viện và phát triển phong trào đọc sách trong trường học, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng mới, nâng cấp thư viện, lan tỏa tình yêu và cảm hứng đọc sách cho học sinh... Với hệ thống thư viện ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại, đạt chuẩn, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện và các trường học đã phát huy tối đa vai trò thư viện, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm phát triển bền vững phong trào đọc sách; góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn huyện Gio Linh.

Phát triển mạnh phong trào hiến máu nhân đạo trong cán bộ, giáo viên trường học

Nam Phương |

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ “trồng người” cao cả, ngày càng có nhiều cán bộ, giáo viên đã hăng hái tham gia và làm lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN). Điều này thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, góp phần mang lại cơ hội sống cho người bệnh trong lúc nguy nan.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong trường học

Bảo Bình |

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của các cơ sở giáo dục mà còn của toàn xã hội. Tại tỉnh Quảng Trị, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu KHCN và ĐMST cho học sinh trung học và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Tuệ Linh |

Những năm qua, hoạt động dạy và học bằng ngoại ngữ được áp dụng ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là một trong những yêu cầu đặt ra của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trước yêu cầu hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, muốn dạy học bằng ngoại ngữ, giáo viên cần phải được trang bị vốn kiến thức ngoại ngữ chuyên sâu về môn học và cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên. Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng làm tốt hoạt động dạy, học bằng ngoại ngữ, vì nhiều lý do khác nhau.