Những người mẹ sinh con trong vô thức

Hoàng Hải Lâm |

“Hồi trước chưa bị hãm hiếp, con L tâm lý có phần ổn định hơn. Từ sau ngày có thai rồi sinh con, hắn trở nên điên loạn, la hét mỗi đêm. Có lần hắn kêu tên ai đó và bảo đừng làm hắn đau. Tôi và cha hắn hai người ôm con khóc hết nước mắt. Đã chịu cái số trời hành, cái thằng vô lương tâm mô đó còn hành, quá đáng mà”. Tiếng khóc hòa lẫn trong tiếng mưa trong căn nhà nhỏ của bà Trần Thị X tại miền biển Triệu Phong (Quảng Trị).

Mang thai nhưng không hề hay biết

Hầu hết những người tâm thần mang thai mà không hề hay biết. Trường hợp của H. (ở Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) là một ví dụ. Năm hơn 22 tuổi H. không hề mặc áo quần cho đến khi bị cưỡng hiếp dẫn đến mang thai. Ông M. bố H. cho chúng tôi hay: “Khó khăn lắm chúng tôi mới bảo H. mặc được áo quần, cứ mua đồ mới rồi khen đẹp mãi cho nên H. mặc. Nhưng rồi cũng lắm lúc nổi cơn, cháu xé hết quần áo”.

Chuyện H. mang thai, đó là sự khiếp đảm đối với gia đình này, mẹ H. nhớ lại: “Lúc thấy bụng cháu to lên, tôi cứ nghĩ do béo, sau đứa con trong bụng quẫy đạp, cháu la hét đấm vô bụng, đấm chán rồi mang bụng tới cột bêtông táng mạnh vào. Thấy lạ quá nên tôi đem cháu lên trạm y tế khám. Bác sĩ nói cháu đã mang thai, tôi đứng sững người mà khóc, cháu nhìn tôi cười bao nhiêu tôi tủi bấy nhiêu. Về cực nhọc sức lực thì gắng nổi, riêng tinh thần tôi bị suy sụp hẳn, đoạn đó cứ nghĩ nếu đẻ ra đứa con như mạ hắn tôi biết làm răng”.

HHL  Chú thích ảnh:  Ảnh 5-8: Truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị.
Truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị. 

Bệnh nhân tâm thần mặc nhiên họ là gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là đối với gia đình có một người tâm thần đã hết sức khốn đốn. Chưa kể đến sự chăm bẵm cực nhọc lúc nhỏ, hơn 20 năm bà Trần Thị X. cứ lẽo đẽo theo con, bà X. đi đâu đứa con gái đi theo. Và ngược lại, lắm lúc Ch. (con gái bà X.) không nghe lời đi lung tung không cản được, bà X. phải đi theo. Rào đón, coi sóc như thế nhưng sổng ra đôi chút là đi. Và Ch. mang về cái bào thai giờ đẻ ra đứa có tên là Trần Văn V. Bé Trần Văn V. đã lên 4 và có những biểu hiện không bình thường! “Tôi đã đi khám cho cháu V., họ nói là bị ảnh hưởng não...”, thêm một lần nữa bà X khóc.

Nhìn ra biển, cát trắng mênh mông và biển rộng thênh thang. “Có nhiều lần tôi muốn lao ra biển, chết đi cho khuất mắt chơ sống như ri cực đời thủa nhưng nghĩ đến con cháu tôi không đành, tôi chết nhưng chắc chắn hắn không chết theo mà tiếp tục sống. Và khi không có tôi thì mọi việc sẽ rất tệ hại...”. Bà X. chia sẻ thêm. “Con Ch. có mang mà có biết mô, tui không biết, hắn càng không biết. Và nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, nếu biết thì mần răng? Chắc chắn là phải đi phá thai, và tội lỗi ni lại trút lên đầu chúng tôi thêm lần nữa. Đúng là khốn nạn thiệt mà”.

Những lần đem con đi đẻ

Bố của Lương Thị Th. (phường 4, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) là “cuốn sách sống” ghi lại những niềm đau. Đó là đoạn trường gian truân của con gái mình. Ông kể: “Lúc có mang 7 tháng, Th. bị tai nạn giao thông gãy mất 1 chân phải nằm viện 2 tháng. Tiền viện phí và thuốc ngoài đơn lúc đó lên tới 38 triệu, nghe số tiền ni là tui xây xẩm mặt mày. Nằm viện hết hai tháng tiếp luôn ngày sinh đẻ, từ khoa ngoại chuyển xuống khoa sản luôn. Thú thiệt nhìn sản phụ như con gái tôi bác sĩ mô cũng thấy ái ngại bởi Th. rất hung hăng. Lúc đó tôi còn nhớ gia đình huy động người để dự phòng trong trường hợp Th. quấy phá. Và bác sĩ quyết định mổ đẻ”. Nghe bố kể chuyện, Th. dự phần vào câu chuyện của chúng tôi bằng những động tác rất trẻ con, Th. khoe vết sẹo mổ đẻ đã lành, khoe đứa con gái một tháng tuổi đang nằm trong nôi, khoe mình nhiều sữa nhưng lại không cho con bú. Lúc hỏi tại sao không cho con bú, Th. phản ứng dữ bằng cách gằm mặt vào chúng tôi và bắt đầu chửi tục.

Mẹ của H. (Cam Tuyền, Cam Lộ) nhớ lại cái đêm đem con mình đi đẻ: “Tôi nói ơi cha là sợ, nhà nghèo không thuê được xe taxi, bỏ lên xe máy thì sợ con H. nhảy xuống. Hắn lên cơn đau đẻ càng hung dữ hơn, xé nát quần áo, đấm vô bụng, lăn ra sân gào thét. Lúc đó chỉ còn cách bỏ lên vọng cáng đi, hai vợ chồng tôi cáng hai đầu, có mấy người bà con theo để thay phiên nhau. Ra đến bệnh viện cứ nghĩ là đẻ khó, cũng ơn trời H. nằm yên ắng và đẻ nhanh. Nhưng mới đẻ xong là H. mất tích, trốn đi mô giữa đêm, cả bệnh viện với người trong nhà nháo nhào tìm kiếm. Đến 2 giờ sáng thì người làng báo cho là H. đã về nhà, người ta nghe tiếng la ó nên cả làng thức giấc”.

Những đứa bé bên cạnh những người mẹ thực sự đặc biệt. H. hay đi hái trái cây mang về cho con và hái hoa rừng cài lên tóc con. Đó là cử chỉ của người bạn hơn là người mẹ. Còn Th. hay tranh sữa của con, Th. bảo rằng: “Uống sữa cho có sữa để cho con bú”. Nhưng Th. chưa cho con bú bất cứ ngày nào trong suốt 30 ngày vừa qua. Mẹ của Th. bảo rằng: “Tôi cũng thử như mấy nhà khác là giữ con Th. lại cho con hắn bú nhưng hắn không chịu, lại đánh tôi nên đầu hàng”. Ông bà ngoại của các cháu M. (con Th), K.O (con H.)... sẽ còn dặm đường trước mắt còn rất đỗi gian nan vì các cháu còn quá nhỏ. Cũng yên tâm về hầu hết các cháu sinh ra lành lặn, mẹ các cháu sau sinh đã được đặt vòng tránh thai hoặc triệt sản. Một lần mang con đi đẻ cũng là lần nhớ đời, nhớ hơn cái ngày mình đi đẻ, đau hơn lúc mình đẻ. Bà Trần Thị X. bảo rằng: “Con đẻ mà miềng đau, đau cả thể xác lẫn tinh thần, chỉ có ông trời mới thấu”

 
Truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở trường PTDTBT THCS Tà Long (Đakrong).

Cần quan tâm hơn đến người tâm thần

Nếu bảo rằng việc bệnh nhân tâm thần bị hãm hiếp dẫn đến mang thai, sinh con gây nhiều hậu quả nặng nề cho chính bản thân nạn nhân, gia đình và xã hội là lỗi lầm phần lớn thuộc về cha mẹ không có ý thức trông nom bảo vệ con cái mình đó là cách nhìn chưa thấu đáo. Gặp gần 10 nạn nhân tâm thần bị xâm hại tình dục, tiếp xúc với họ, trò chuyện với gia đình họ, nhìn thấy gia cảnh họ chúng tôi thực sự thấy đau lòng. Đa số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần lớn là hộ nghèo. Mà trên hết, không kể đến vật chất thì gia đình có người tâm thần bị ảnh hưởng tâm lý đến mức khủng hoảng.

Ông D. (Cam Tuyền, Cam Lộ) cho chúng tôi hay: “Gia đình tôi có con trai bị tâm thần gần 40 năm nay, kinh tế gia đình không đến nỗi nào nhưng nhìn con chúng tôi thấy đau lòng lắm. Giá như đổi lại cảnh nghèo nàn cho đứa con lành lặn thì chúng tôi cũng cam lòng. Cũng may là con trai, nếu con gái thì chúng tôi cực hơn vì sợ cháu bị lạm dụng tình dục. Sống trong cảnh này, chúng tôi bị ảnh hưởng theo. Đôi lúc bạn bè trêu, ông D. chơi với thằng con hoài giờ trông điên điên thế nào ấy”.

Nhiều gia đình, nhất là người làm cha làm mẹ khi có con tâm thần họ đã gắng hết sức lo cho con cái. Lo ăn, lo mặc, lo vệ sinh... khi chúng đã đến tuổi với người bình thường đã dựng vợ gả chồng và chăm sóc cha mẹ. Ngược lại, cái khốn khổ nhất của người làm cha, làm mẹ có con tâm thần là phải giữ con. “Giữ người khó lắm mấy chú à, giữ người tâm thần lại càng khó hơn. Vô bệnh viện tâm thần khổ đằng vô viện, ở nhà khổ đằng ở nhà. Đôi lúc chúng tôi hết sức muốn buông tay nhưng thương con và trách nhiệm làm cha mẹ buộc chúng tôi gồng mình lên để sống, mặc kệ mọi thứ để sống và tự an ủi mình để sống”, bà Trần Thị X. chia sẻ với chúng tôi.

Cần quan tâm hơn nữa đối với người tâm thần, không phải chỉ có gia đình, người thân mà trách nhiệm đó có toàn xã hội. Và vấn đề quyết định tùy thuộc và hai yếu tố cơ bản đó là thể chế luật pháp và đạo đức con người. Những người tâm thần bị xâm hại tình dục dẫn đến hậu quả vô cùng đau đớn cho chính họ, gia đình họ nhưng tuyệt nhiên, hầu hết những trường hợp như thế không được đưa ra luật pháp do cả nể nhau, do thủ phận, do không đủ căn cứ để đi đến phán xét. Nhiều người làm cha, làm mẹ lắc đầu khi chúng tôi đề cập đến việc trình báo công an khi con cái họ là người tâm thần bị xâm hại tình dục, họ bảo rằng biết ai mà báo bây giờ, mà có biết thì con mình đã điên đảo thế. Họ xem đó là vấn đề không may đối với gia đình mình chứ không hề có động thái nào phản ứng, cũng không trình báo đến cơ quan chức năng.

Thiết nghĩ, gia đình và cộng đồng cần phải lên án và có biện pháp ngăn chặn, xử lí hành vi xâm hại, lạm dụng người tâm thần. Để làm được như vậy, các ban, ngành liên quan cần vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ người tâm thần và gia đình họ; vận động, tuyên truyền người dân không kì thị, xâm hại người tâm thần. Đặc biệt, chính quyền địa phương là cấp quản lý sát nhất với gia đình người tâm thần nên cần phải có sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình những người bị tâm thần cũng cần phải nâng cao kiến thức chăm sóc, bảo vệ và trình báo cơ quan chức năng khi người tâm thần bị xâm hại, lạm dụng.

 


TAGS

Thương những mùa trăng

Diệu Ái |

Khi ánh trăng chưa tròn, tiếng trống lân đã vang lên khắp xóm. Đám trẻ con bắt đầu háo hức nôn nao đợi trung thu về.

Như lòng bông hoa xanh thắm

Đông Hà |

Những ngày nhân loại đang tự đứng im trong cõi sống, mình cũng ráng gìn giữ cuộc đời bé nhỏ theo cách riêng của mình. Buổi sáng, mình dậy sớm, học thêm cái gì đó, đọc vài trang sách. Mỗi ngày đều như vậy. Sau đó sẽ mở máy cho những lớp học online, rồi làm những thứ linh tinh trong nhà. Những ngày cuối tuần thì dành cho khu vườn nhỏ.

Cách sơ cứu và phòng tránh say nắng

Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính |

Nếu gặp một người bị say nắng, hãy đưa họ vào nơi râm mát hoặc có điều hòa, phủ khăn ẩm hay vẩy nước mát lên người họ.

Bị ung thư vì làm việc quá nhiều, ăn mì tôm thay cơm

Thanh Mai |

Thói quen làm việc điên cuồng, ăn uống thất thường trong thời gian dài là nguyên nhân khiến cô gái này gặp vấn đề về sức khỏe.