Tăng tương tác trong truyền thông về chăm sóc sức khỏe vị thành niên

Anh Thư |

Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành y tế, dân số tăng cường truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh. Hình thức truyền thông về nội dung này cũng dần được thay đổi, từ “độc diễn” sang tương tác giữa các bên để đi sâu vào nội dung cần chuyển tải.

 
Một buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản tại trường học ở huyện Cam Lộ -Ảnh: T.B 
      

Một buổi truyền thông về chăm sóc SKSS do Trường Phổ thông liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Đông Hà tổ chức tại trường vào tháng 2/2025. Không khí của buổi truyền thông sôi nổi khi có sự tương tác giữa học sinh và cán bộ y tế.

Học sinh mạnh dạn đặt các câu hỏi liên quan đến SKSS của lứa tuổi mình còn cán bộ truyền thông thì say sưa truyền các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Không còn là sự “độc diễn” của bên truyền thông như trước đây, học sinh nay đã ý thức hơn rất nhiều về các nội dung liên quan đến bản thân.

Gia Bảo, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị chia sẻ: “Chương trình giao lưu, đối thoại về SKSS tuổi vị thành niên rất bổ ích. Trước đây, em có nhiều thắc mắc và e ngại về các vấn đề liên quan đến SKSS nhưng sau khi tham gia các buổi đối thoại, em đã hiểu rõ hơn về những thay đổi của cơ thể cũng như những nguy cơ tiềm ẩn nếu không có kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân”.

Theo bà Lê Thị Hải Lộc, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế TP. Đông Hà, trước đây báo cáo viên thường “độc diễn”, ít học sinh chịu tương tác hoặc rất e ngại khi nói đến các vấn đề về giới, các bộ phận trên cơ thể và biện pháp tránh thai...

Tuy nhiên, hiện nay không khí tại buổi truyền thông diễn ra sôi nổi, học sinh hào hứng trao đổi, tương tác. Nhiều em mạnh dạn đặt câu hỏi và trao đổi về những thay đổi trong cơ thể khi dậy thì, các mối quan hệ tình cảm với bạn khác giới, tình dục an toàn, mang thai và bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Liên quan đến nội dung này, hằng năm Chi cục Dân số Quảng Trị phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức SKSS vị thành niên cho học sinh. Để buổi truyền thông đạt hiệu quả, cán bộ được phân công phụ trách thường nắm bắt tình hình, đặc điểm và nội dung cần tuyên truyền của từng trường.

Tùy vào độ tuổi của học sinh ở các cơ sở giáo dục, cán bộ dân số sẽ chuẩn bị nội dung tuyên truyền phù hợp.

Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên thường chia sẻ những kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS ở độ tuổi vị thành niên, đặc biệt chú trọng đến các biện pháp phòng tránh xâm hại tình dục và mang thai ngoài ý muốn. Những thông tin này giúp học sinh chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng ngừa các hành vi tiêu cực.

Trong chương trình hoạt động hằng năm, Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường hoạt động truyền thông nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn cho người dân nói chung, trong đó có lứa tuổi vị thành niên. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về SKSS nhằm lan tỏa thông tin đến đông đảo người dân, đặc biệt là tuổi vị thành niên.

Hoạt động này giúp học sinh nhận thức rõ hơn về SKSS, có kỹ năng để chăm sóc bản thân, từ đó xây dựng cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần. Nói về ý nghĩa của hoạt động truyền thông này, thầy Đỗ Thiên Trung, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học và THCS xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, cho hay: Việc nhà trường phối hợp với ngành y tế, dân số tổ chức truyền thông trực tiếp về SKSS cho học sinh rất quan trọng.

Trong thời gian 90 phút, học sinh được mở rộng được nhiều kiến thức, từ đó nắm kỹ hơn, sâu hơn các thông tin liên quan đến SKSS để hướng tới lối sống lành mạnh, an toàn. “Về giáo dục SKSS cho học sinh, nhà trường tiến hành thường xuyên thông qua các hoạt động tích hợp trong giảng dạy, ngoại khóa.

Cùng với công tác phối hợp, hoạt động tuyên truyền về nội dung này sẽ có chiều sâu hơn. Điều đáng mừng là học sinh nhà trường ngày càng mạnh dạn chia sẻ những điều mình thắc mắc về giới tính, sức khỏe... để được giải đáp kịp thời. Nhờ đó, các buổi tuyên truyền về nội dung này luôn được các em đón nhận”, thầy Trung chia sẻ.

Trên thực tế, hoạt động giáo dục giới tính chủ yếu vẫn được tổ chức triển khai ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt đầu tuần... nên thường giới hạn thời gian và nội dung thông tin. Nhiều trường chưa có sự hợp tác với cán bộ dân số để đẩy mạnh công tác tuyên truyền SKSS cho học sinh.

Ở gia đình, không ít cha mẹ vẫn giữ quan niệm rằng việc chủ động nói chuyện về giới tính với con trước tuổi trưởng thành là “không cần thiết”, cho rằng “con lớn sẽ tự biết”.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, giới trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau về SKSS, trong đó có nhiều thông tin không được kiểm chứng, không phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các em, gia đình, nhà trường và xã hội cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tư vấn về giáo dục giới tính, SKSS cho học sinh một cách đúng đắn.

Thời gian tới, Chi cục Dân số tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc tăng cường giáo dục giới tính cho lứa tuổi vị thành niên. Một trong những nội dung quan trọng mà ngành hướng tới là truyền thông trực tiếp, nhất là tổ chức hoạt động truyền thông ngoại khóa cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn.

Việc truyền thông về SKSS tại trường học hướng đến đa dạng hóa về sản phẩm, đổi mới cách tiếp cận và nội dung, thông điệp tuyên truyền. Hình thức truyền thông phù hợp đối tượng học sinh trong thời đại công nghệ số, trong đó cần chú trọng đến hình thức sân khấu hóa.

Thay vì những bài giảng khô khan, học sinh được tự mình trải nghiệm, hóa thân vào các nhân vật, từ đó hiểu sâu sắc hơn về hậu quả của việc thiếu kiến thức giới tính. Đây là một hình thức truyền thông rất hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần gần gũi, quan tâm, giáo dục con biết cách tự bảo vệ, chăm sóc bản thân. Các bậc cha mẹ không nên né tránh mà khéo léo để đồng hành với nhà trường và xã hội trong việc hướng cho trẻ có những nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu và SKSS, nhất là đối với học sinh nữ.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Đảng bộ xã Triệu Thành tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng

Trần Tuyền |

Thời gian qua, Đảng ủy xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã kịp thời quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy, nội dung cam kết của Đảng ủy và người đứng đầu cấp ủy với Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể tích cực, chủ động chỉ đạo, điều hành, vận động Nhân dân ra sức thi đua thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN đã đề ra.

Triển khai Chương trình GDPT 2018: Tăng cường hiệu quả dạy học phân hóa

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) |

Dạy học phân hóa là định hướng quan trọng trong Chương trình GDPT 2018.

Tăng cường sự tham gia của người có uy tín trong thực hiện Dự án 8

Trần Anh Minh |

Với hơn 96.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại các huyện và các xã vùng núi của tỉnh, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, phát huy tốt vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới (BĐG) vùng DTTS, góp phần thực hiện tốt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN).

Tăng cường phòng, chống bệnh sởi không để lây lan ra cộng đồng

Hải Phi |

Trước tình hình nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốt phát ban nghi sởi diễn biến rất phức tạp trên địa bàn, UBND TP. Đông Hà chỉ đạo ngành y tế, giáo dục, cơ quan truyền thông, UBND các phường và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, diễn biến, phát hiện sớm các ổ dịch, khoanh vùng và xử lý triệt để, không để dịch lan rộng.