Thư Vancouver: Coi tivi, chỉ coi hình, không nghe tiếng

NGUYỄN DUY TÂM |

Nỗi lòng của những người xa quê,là một chút gì đó khắc khoải nhớ nhung, là nỗi buồn, là sự sợ hãi, là sự cô đơn... những trò chuyện chớp nhoáng có thể tìm được sự đồng cảm, vơi bớt nỗi niềm. Những phố xá chen chúc, những dòng xe khói bụi, những hàng quán đầu ngõ, những nụ cười thân quen, những dáng hình thân thuộc giờ chỉ còn trong ký ức khi đã lưu lạc nơi xứ người...

Gặp những người Việt xa xứ

Anh em đang đứng ở bờ sông Seine đợi thuyền, người đàn ông tuổi gần 60 ”nhào” vô bắt chuyện. Ông qua đây mười năm, cố lắm cũng được mấy tiếng Merci, bonjour, Désolé (cám ơn, xin chào, lấy làm tiếc ) ông kể: Quê ông ở Nha Trang, vợ chồng ông theo con gái lấy chồng người Pháp. Ông qua chỉ vui được vài hôm, về sau chàng rể Tây khó chịu ra mặt. Không trách được, vì xứ người ta cha mẹ không ở chung con cháu. Hai vợ chồng nhờ con gái tìm việc, nhưng tiếng không biết khó lắm. Ơn trời, vợ ông có việc giữ con nhỏ cho một gia đình người Việt, ông thì theo phụ một người Việt đi làm vườn. Cuộc sống bắt đầu kiếm được tiền tự lập và cũng có ít nhiều gửi về giúp đứa con ở VN, vợ chồng ông như được hồi sinh trở lại.

Với một người Việt xa xứ
Với một người Việt xa xứ
 Chuyện ở Đức, ông là chủ một tiệm phở đến khách sạn thăm người quen đi cùng đoàn, tiện ông mời tôi uống ly bia. Ông tâm sự: gia đình ông được người em bảo lãnh. Khi mới qua, người em cho ở nhờ mấy tháng. Vợ chồng, con cái phải đi học tiếng, ông lớn tuổi học chậm nhưng cũng đủ để giao tiếp. Một năm sau, theo người em tập tành ở tiệm phở rồi “ra riêng” tự bươn chải, khi mới mở hàng vắng khách vợ chồng ông nản lắm, muốn quay lại về quê. Trước đây, ở VN ông kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng có của ăn, của để. Nghĩ đến tương lại con cái, phải cố gắng cũng như thuyền đã ra giữa biển. Qua đây, cuộc sống trẻ con nó nhanh thích nghi, bắt nhịp kịp thời, người lớn thì chậm lại có lắm chuyện đau. Buồn nhất là con cái nó không còn “ngoan” như ở VN. Đứa con gái 19 tuổi, vào đại học nó thuê nhà ở với bạn trai, giận con nhưng vẫn phải nói nhẹ với chúng. Vui thì nó nghe không thì nó bảo, quyền tự do của nó!

Vancouver- Canada. Sau bữa ở tiệm cơm trên đường Sài Gòn ( tp Vancouver có một con đường được đặt tên Sài Gòn) vài anh em ra sân hút thuốc, ông trung niên đến cũng hút thuốc bắt chuyện. - Các anh từ VN qua? Nhà tôi ở đằng kia, hút thuốc cũng ra ngoài, nghe mấy anh nói tiếng Việt mừng quá ghé vào nói dăm câu cho đỡ nhớ nhà. 

Nhà ông ở Gò Vấp- Sài Gòn, bán căn nhà hơn ba tỷ đem qua góp với con mua chung căn nhà. Ông nói chuyện với tâm trạng buồn tênh. Nghe lời con, theo chúng qua đây đã hơn mười năm, con gái và rể đi làm có khi 8,9 giờ tối mới về đến nhà. Cả tuần không thấy mặt con, khi nó về thì mình đã ngủ. Công việc hằng ngày của ông buổi sáng đưa cháu ra xe buýt đến trường, chiều ra xe buýt đón cháu về. Vợ ông dọn dẹp nhà cửa lo ngày ba bữa cơm. Thời gian còn lại loanh quanh trong nhà, xem tivi thì không biết tiếng chỉ xem hình cho vui mắt. Cuối tuần con nó vui thì chở cho đi một vòng siêu thị hay nhà hàng ăn uống. Trời mùa hè còn thấy chút nắng ấm áp, Khi tiết trời bắt đầu chuyển đông, những cơn gió bắt đầu thổi, lòng tôi lại mơn man nhớ cái nắng ấm nơi quê nhà. Mùa đông ở Canada khắc nghiệt, có hôm bão tuyết trắng xoá cả một vùng, tiết trời xuống dưới độ âm. Suốt mùa đông, ông ít đi ra ngoài như con gấu giấu mình vùng Bắc Cực. Đôi khi nhớ cái nắng Sài Gòn, nhiều đêm nằm mơ thấy mình đang tắm nước mát ở quê nhà. Tuổi lớn đi xa, càng nhớ quê, nhiều buổi sáng thèm cái không khí ngồi uống ly cà- phê với bạn bè tán ngẫu. Hơn mười năm, ông về VN mấy dạo. Ông nói, về đi ngang nhìn thấy căn nhà đã bán đau lòng lắm. Căn nhà đó giờ có giá hơn 10 tỷ. Bán nhà ở chung với con là một sai lầm lớn hơn nữa tuổi già cần có nơi chốn để về giờ không còn. Về VN vẫn còn bà con thân ruột, nhưng phải ở khách sạn, về “nhà mình” mà như khách du lịch buồn lắm! Ông về con cái mua vé, cho dăm ba đồng bỏ túi nhưng mang tiếng là Việt kiều đi thăm bà con cũng phải có chút quà. Về dưới quê thắp cho cha mẹ cây nhang, ghé chào hỏi bà con nhiều khi vợ chồng ông cũng thấy áy náy trong lòng.

Phở Việt Nam tại các nước Châu Âu
Phở Việt Nam tại các nước Châu Âu
 Mấy anh có đi du lịch, đi cho biết cuộc sống văn minh hiện đại xứ người ta chứ lớn tuổi rồi qua đây ở lâu buồn lắm. Không có đâu vui, tình cảm bằng quê mình! Ông tâm sự.

Nỗi lòng của những người xa quê,là một chút gì đó khắc khoải nhớ nhung, là nỗi buồn, là sự sợ hãi, là sự cô đơn... những trò chuyện chớp nhoáng có thể tìm được sự đồng cảm, vơi bớt nỗi niềm. Những phố xá chen chúc, những dòng xe khói bụi, những hàng quán đầu ngõ, những nụ cười thân quen, những dáng hình thân thuộc giờ chỉ còn trong ký ức khi đã lưu lạc nơi xứ người...