Đừng để hình ảnh bạo lực lọt vào mắt trẻ

Thủy Ba |

Gần đây, mạng xã hội lan truyền nhiều video clip đánh ghen hay bạo lực gia đình, trong đó có hình ảnh những đứa trẻ với khuôn mặt sợ hãi khi cố ngăn người lớn đánh nhau. Trong cơn giận giữ cực điểm, người trong cuộc chẳng mấy chú ý đến bọn trẻ, thậm chí có người còn dí sát camera vào mặt để quay lại cảnh kêu cứu của chúng. Việc để trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực do người lớn gây ra rất đáng lên án.


Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều clip đánh ghen được cho là xảy ra tại địa bàn TP. Đông Hà được tung lên mạng xã hội. Xung quanh câu chuyện này có nhiều ý kiến khác nhau, người thì đồng thuận, cho rằng người trong cuộc phải làm như vậy mới đủ sức “răn đe” đối phương; người thì phản đối, cho rằng những câu chuyện như vậy nên giải quyết kín đáo, không nên phô bày cho bàn dân thiên hạ biết.

Riêng câu chuyện về hình ảnh những đứa trẻ lọt vào khung hình của các clip này thì nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đó là không nên để trẻ con chứng kiến cảnh đánh đập, chửi bới tàn nhẫn của người lớn.

Trong một clip mới đây, khi chứng kiến cảnh ba mình bị một nhóm người đánh đập, quay phim, hai đứa trẻ cầu xin mọi người hãy dừng tay nhưng tiếng kêu của chúng không khiến những người có mặt mảy may quan tâm. Có người khi thấy những đứa trẻ kêu khóc như vậy còn dí sát camera để quay, trong khi luôn miệng “trấn an”: không sao đâu (!?). Tiếng kêu yếu ớt và cử chỉ bất lực của hai đứa trẻ khiến nhiều người phẫn nộ, từ đó không đồng tình với cách giải quyết mâu thuẫn của nhóm người này.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chia sẻ quan điểm cá nhân về cách kiềm chế cảm xúc nóng giận - Ảnh: H.N
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chia sẻ quan điểm cá nhân về cách kiềm chế cảm xúc nóng giận - Ảnh: H.N

Cách đây không lâu, một clip ghi lại hình ảnh hai đứa trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học ở Thanh Hóa chứng kiến cảnh người bố đánh đập mẹ tàn nhẫn cũng khiến dư luận bất bình. Hai đứa trẻ sợ hãi, rối rít van xin bố đừng đánh mẹ nhưng không thể, vì cơn nóng giận đã lấn át lý trí của người đàn ông. Hình ảnh này chắc chắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong ký ức tuổi thơ của hai đứa trẻ.

Việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bạo lực và hành vi bạo lực để lại hậu quả rất nặng nề. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Huy Tuyến, giảng viên Trường Phổ thông liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, hậu quả của việc trẻ tiếp xúc với môi trường và hành vi bạo lực sẽ dẫn đến tâm lý sợ sệt, co cụm, thậm chí ám ảnh bởi những hành vi đó.

Cũng có em sẽ bắt chước một cách có ý thức thái độ, hành vi bạo lực của người lớn và sẵn sàng sử dụng trong những tình huống xung đột. Hoặc có những đứa trẻ coi hành vi bạo lực như là cách ứng xử thông thường (điều này rất dễ xảy ra với trẻ tuổi dậy thì) nên dễ dẫn đến các hành vi bạo lực trong học đường.

“Tùy vào các độ tuổi khác nhau mà mỗi đứa trẻ có sự ảnh hưởng khác nhau. Với trẻ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, có thể hiện tại những thái độ, hành vi hung tính đó chưa xuất hiện nhưng do được chứng kiến nên bộ não của các em đã “chụp lại” và lưu giữ một cách vô thức trong tiềm thức. Khi gặp những tình huống, điều kiện nhất định nào đó thì thái độ, hành vi bạo lực này lập tức xuất hiện”, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Huy Tiến chia sẻ.

Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường gia tăng là do trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường và hình ảnh bạo lực. Không ít em là “nạn nhân” của bạo lực trong quá khứ nhưng lại là “thủ phạm” của các vụ bạo lực ở hiện tại. Ngày càng nhiều trẻ em có xu hướng bạo lực khiến cha mẹ và những người xung quanh cảm thấy lo ngại.

Lý do gì dẫn đến tình trạng này và cha mẹ cần có giải pháp như thế nào để con thay đổi là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Môi trường bạo lực không chỉ giới hạn trong việc chứng kiến cảnh người lớn đập đánh, chửi bới lẫn nhau mà “bao vây” trẻ từ nhiều phía, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay. Rất nhiều bộ phim, dù dành cho lứa tuổi học sinh, lại nhuốm đầy cảnh bạo lực.

Điều đáng nói là một số phụ huynh hoặc chính bản thân trẻ xem đây chỉ là kênh “giải trí”, không ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống sinh hoạt. Nhưng theo cách giải thích của Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Huy Tiến, não bộ của trẻ đã chụp lại toàn bộ những gì chúng được xem, được thấy, được nghe và sẽ vận dụng khi cần. Trẻ em có thể bị tác động bởi các hình ảnh, video và nội dung bạo lực trên mạng, như cảnh đánh nhau, chém giết hay bạo lực gia đình.

Những hình ảnh này có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, căng thẳng và lo lắng về sự an toàn của mình hoặc dẫn đến hành vi của trẻ có xu hướng bạo lực, bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, người lớn không nên để trẻ chứng kiến cảnh bạo lực do mình gây ra. Ba mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nội dung bạo lực trên mạng và tạo môi trường an toàn, đầy đủ tình yêu thương cho trẻ.

Dạy cho trẻ biết cách nhận biết và quản lý cảm xúc của mình là một trong những giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ các em giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, từ đó tránh xa bạo lực. Liên quan đến nội dung giáo dục trẻ về quản lý cảm xúc, nhiều trường học đã đưa nội dung này vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa.

Thạc sĩ Bùi Thị Hoài Thu, giáo viên tâm lý Trường Phổ thông liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho biết, thông qua chủ đề “Kiềm chế cảm xúc nóng giận”, giáo viên chia sẻ cho học sinh cách quản lý cảm xúc của bản thân, hạn chế cơn nóng giận để xử lý tình huống một cách linh hoạt.

“Nóng giận là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Vì thế, việc trang bị cho học sinh kỹ năng kiềm chế cảm xúc nóng giận của bản thân rất có ý nghĩa. Đây cũng là diễn đàn để học sinh bày tỏ quan điểm liên quan đến nội dung trên, từ đó hình thành cách hành xử khi xảy ra mâu thuẫn”, cô Hoài Thu chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế học sinh ở Vĩnh Linh

Anh Khoa |

Xác định bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cho tất cả các đối tượng đang trong độ tuổi đến trường được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu, vì vậy trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nỗ lực phấn đấu tăng tỉ lệ bao phủ BHYT học sinh ở tất cả các trường học và các cấp học trên địa bàn huyện.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy, an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Văn Sáu |

Ngày 30/9/2024, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị, Công an huyện Hướng Hóa, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường THPT Lao Bảo tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy; an toàn giao thông và phòng, chống các tệ nạn xã hội cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đầu năm học mới

Vân Trang |

Từ đầu năm học 2024 - 2025, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị cùng các cấp hội cơ sở đã tăng cường vận động các nhà tài trợ, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm để tổ chức trao học bổng, tặng quà, đỡ đầu dài hạn cho học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo hiếu học. Những phần quà, suất học bổng ấy đã kịp thời chia sẻ khó khăn, khích lệ động viên các em tiếp tục vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Bộ đội biên phòng đồng hành với học sinh vùng biên

Anh Quân |

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương, phối hợp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới của tỉnh Quảng Trị còn có nhiều hoạt động thiết thực để đồng hành với học sinh.