Một nghiên cứu cho thấy cơ chế "tái chế" protein nhằm chống lại vi khuẩn của cơ thể.
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann (WIS) vừa phát hiện một cơ chế phòng thủ miễn dịch mới của proteasome – một cấu trúc tế bào vốn được biết đến với chức năng phân hủy và tái chế protein.
Nghiên cứu cho thấy proteasome không chỉ giúp cơ thể loại bỏ các protein cũ mà còn liên tục giải phóng các peptide kháng khuẩn, đóng vai trò như một tuyến phòng thủ quan trọng chống lại vi khuẩn gây hại.

Các thí nghiệm chỉ ra rằng ở những tế bào người có proteasome hoạt động hiệu quả, sự phát triển của vi khuẩn bị kiểm soát đáng kể. Trong khi đó, khi proteasome bị ức chế lại khiến vi khuẩn có cơ hội lây lan mạnh mẽ hơn.
Trên mô hình chuột thí nghiệm, các peptide do proteasome tạo ra đã giúp giảm đáng kể số lượng vi khuẩn, hạn chế tổn thương mô và thậm chí cải thiện tỷ lệ sống sót. Hiệu quả này được đánh giá tương đương với các loại kháng sinh mạnh hiện đang sử dụng trong lâm sàng.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã xác định hơn 270.000 peptide kháng khuẩn tiềm năng có trong 92% protein của con người. Phát hiện này mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt hữu ích cho những bệnh nhân có nguy cơ cao như người mắc ung thư hoặc suy giảm miễn dịch.
Phát hiện này không chỉ mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh mà còn mở ra cơ hội nghiên cứu các phương pháp điều trị mới dựa trên cơ chế tự nhiên của cơ thể.
Nguồn tin: Phụ Nữ Mới