Tiêm vắc xin là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân

Phương Minh |

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 755/CĐTTg gửi Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19. Công điện 755/CĐ-TTg được ban hành trong bối cảnh nhiều địa phương tốc độ tiêm vắc xin chậm, người dân còn chủ quan. Trong các biện pháp chống COVID-19, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Thực tiễn cho thấy vắc xin vẫn là “vũ khí” quyết định. Tiêm vắc xin là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay, tình hình COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát COVID-19. Trong nước, COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của vi rút với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng...

Tiêm vắc xin là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân
Tiêm vắc xin là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân

Việt Nam đã tăng nhanh tỉ lệ bao phủ vắc xin, song tại một số nơi, việc tiêm vắc xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.

Theo Bộ Y tế, biến thể BA.5 của chủng Omicron đã xuất hiện tại nhiều nước, nhất là Châu Âu; đánh giá tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở nước ta hiện nay còn chậm, có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin tại trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới. Nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vắc xin nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại.

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu khác về tiêm chủng của tỉnh đang thấp hơn so với mức trung bình toàn quốc.

Tính đến ngày 25/8/2022, tỉ lệ tiêm mũi 3 cho nhóm người từ 12 đến 17 tuổi chỉ mới đạt 34,6%; tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên chỉ đạt 49,6%; tỉ lệ tiêm liều 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chỉ đạt 58,3% và liều 2 là 38,5%. Nguyên nhân là do nhận thấy tình hình COVID-19 trong nước cơ bản đã giảm nên nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là.

Mặt khác một số người dân lo lắng, ngần ngại tiêm khi nghe thông tin các lô vắc xin gia hạn được đưa vào tiêm chủng; một số địa phương công tác chỉ đạo tiêm chủng chưa quyết liệt, sâu sát…

Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc xin, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sử dụng kịp thời, hiệu quả số vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ, tránh lãng phí.

Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động tại vùng có tỉ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Mặt khác cần rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Chính quyền các cấp và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tích cực tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trong bối cảnh các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành y tế cần tập trung làm tốt công tác truyền thông để giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng, xem đây là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân; ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về công tác tiêm chủng cho các địa phương; đảm bảo việc phân bổ, cung ứng vắc xin đầy đủ, khoa học, tuyệt đối không để vắc xin quá hạn.

Các huyện, thị xã, thành phố khởi động lại chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương, quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng, đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, để mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội diễn ra bình thường, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tiêm miễn phí vaccine phòng cúm, tiêu chảy, ung thư cổ tử cung

Thanh Mai |

Chính phủ đồng ý lộ trình tăng thêm bốn loại vaccine phòng rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa...

Các địa phương khẩn trương cập nhật, 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19

PV |

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế; y tế bộ, ngành nhằm đôn đốc thực hiện cập nhật, "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19.

Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi

PV |

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 năm 2023 và tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?

Phương Minh |

Đó là câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm “Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 1/7/2022. Đặt ra vấn đề này bởi SARS-CoV-2 vẫn rất khó lường. Tiêm vắc xin mũi nhắc lại là cách phòng bệnh tốt nhất. Bản chất của vi rút SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường. Đã có nhiều biến thể mới và có thể có nhiều biến thể hơn trong tương lai, thậm chí có thể trở thành biến chủng mới. Tức là vi rút SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện. Một khi còn chủng vi rút lưu hành thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Do đó, điều tốt nhất là phải tiêm phòng vắc xin để bảo vệ tất cả.