Mặc dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, cảnh báo mức độ “nguy hiểm chết người” từ việc sử dụng cá nóc làm thực phẩm, nhưng nhiều người dân ở các làng biển của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn mua bán cũng như chế biến thành món ăn từ loài cá “tử thần” này.
Buổi chiều, có mặt tại bờ biển Thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong), chúng tôi gặp ngư dân T.M. P. (59 tuổi) đang chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. Khi tôi hỏi về việc nhiều người dân vùng biển bỏ qua cảnh báo của các cơ quan chức năng để chế biến cá nóc thành món ăn, ông P. cho biết: “Mỗi lần đi biển vào, nếu đánh bắt được cá nóc, tôi đều giữ lại một ít để chế biến thành món ăn hoặc phơi khô dùng dần.
Ngư dân vùng biển luôn biết phân biệt loại cá nóc nào ăn được và chỉ tự tay mình chế biến thì mới dám ăn. Ở vùng biển Thôn 6, lượng cá nóc đánh bắt được chủ yếu là bị mắc vào lưới hai, lưới ba… khi ngư dân đánh bắt thủy, hải sản gần bờ. Còn hiện tại, một số làng biển ở huyện Hải Lăng, ngư dân đã tự chế ra ngư cụ chuyên dùng để đánh bắt cá nóc là chùm lưỡi câu (lưỡi câu làm bằng nan hoa xe đạp) hình tròn được móc mồi là các loại cá, mực hoặc con nhái đồng.
Bằng loại ngư cụ này, mỗi ngày ngư dân có thể đánh bắt được 50 - 70 kg cá nóc. Thời điểm ngư dân đánh bắt cá nóc nhiều nhất là vào buổi sáng sớm hoặc gần chiều tối”.
Ngư dân H.N.H. ở Thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) góp chuyện, cá nóc có nhiều loại, có loại độc tố ít, có loại độc tố nhiều. Cá nóc độc tố nhiều là loại cá nóc hòm, cá nóc gai, cá nóc hoa ở ngoài khơi xa, thường có phần gân và đuôi màu đen.
Loại cá nóc này ngư dân thường bỏ đi sau khi đánh bắt được. Còn cá nóc độc tố ít mà ngư dân thường chế biến thành món ăn là loại cá nóc cơm, thường có gân và đuôi màu vàng.
“Hầu hết ngư dân đều biết là cá nóc có độc tố nếu ăn có thể gây ngộ độc chết người, nhưng biết cách làm thì cá nóc vẫn là món ăn khoái khẩu của người dân vùng biển. Cá nóc sau khi đánh bắt, tôi thường mang về nhà và chế biến thành nhiều món ăn như cá nóc kho sả, nấu canh chua, um…”, anh H. chia sẻ.
Chúng tôi gặp chị L.T.B. ở xã Hải An đang bày bán mớ cá nóc bên đường. Thoăn thoắt mổ nội tạng, lột da cá nóc cho khách hàng, chị B. cho biết, sáng sớm nay chồng chị ra biển đánh bắt được khoảng 10 kg cá nóc. “Ở vùng biển bãi ngang nhiều người “nghiện” món ăn chế biến từ cá nóc.
Cá nóc đánh bắt từ biển vào, chỉ cần mang ra ven đường ngồi bán khoảng vài chục phút là hết. Cá nóc tươi được bán với giá giao động từ 30 - 40 nghìn đồng/kg. Còn cá nóc khô được bán với giá cao gấp nhiều lần, bởi bình quân khoảng 10 - 15 kg cá nóc tươi mới được 1 kg cá nóc khô. Hiện tại, muốn mua cá nóc để ăn không khó. Ngoài những người bán cá nóc tươi, khô tại các thôn, xóm ven biển, thì chỉ cần lên facebook đặt hàng là có người đáp ứng nhu cầu ngay”, chị B. cho biết.
Được biết, độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, chất này tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 - 7). Thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi ăn.
Độc tố trong loài cá này độc tới mức chỉ cần ăn khoảng 10 gram thịt cá nóc chứa độc tố là bị ngộ độc. Trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100o C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200o C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3 - 4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu.
Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong…
Trước mối nguy hiểm từ việc chế biến cá nóc làm thức ăn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Trị có Văn bản số 322/ QLNLTS - QLCL, ngày 6/6/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc cá nóc gửi UBND các xã, thị trấn ven biển.
Theo đó, yêu cầu tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về sự nguy hại của cá nóc đối với sức khỏe và tính mạng, để mọi người tự giác không đánh bắt, thu gom, vận chuyển, mua bán, chế biến, tiêu dùng cá nóc. Nghiêm cấm các hành vi thu gom, vận chuyển, bảo quản, chế biến, kinh doanh cá nóc hoặc sản phẩm chế biến từ cá nóc dưới mọi hình thức.
Phải loại bỏ số cá nóc bị lẫn trong hải sản khai thác, việc loại bỏ cá nóc không được gây ô nhiễm môi trường. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 6, Điều 11 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Mức phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Giám sát việc đánh bắt, vận chuyển, thu mua, kinh doanh thủy, hải sản tại các bến cá, chợ cá trên địa bàn; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)