Trong chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh giáo viên THPT hạng I hiện hành, học viên phải tìm hiểu về giáo dục nhiều nước trên thế giới và hợp tác quốc tế trong giáo dục phổ thông.
Nhiều giáo viên phổ thông phản ánh: Chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh giáo viên THPT hạng I hiện hành quá ôm đồm, mang tính vĩ mô, xa rời thực tế công việc của giáo viên.
Cụ thể, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I ban hành kèm theo Quyết định 2510/QĐ-BGDĐT ngày 22.7.2016 của Bộ GDĐT có 240 tiết, triển khai liên tục trong 6 tuần, mỗi ngày 8 tiết, gồm 10 chuyên đề.
Đó là các chuyên đề: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xu hướng quốc tế và đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam; Xu hướng đổi mới quản lý giáo dục phổ thông và quản trị trường THPT; Động lực và tạo động lực cho giáo viên; Quản lý hoạt động dạy học và phát triển chương trình giáo dục nhà trường THPT; Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I; Dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trong trường THPT; Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục trường THPT; Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng ở trường THPT; Xây dựng môi trường văn hóa, phát triển thương hiệu nhà trường và liên kết, hợp tác quốc tế.
Trong nội dung tìm hiểu về một số nền giáo dục trên thế giới, chương trình giới thiệu về giáo dục Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Phần Lan.
Đối với phần nội dung tạo động lực cho giáo viên, chương trình giới thiệu một số lý thuyết cơ bản về tạo động lực làm việc: Thuyết về nhu cầu của A.Maslow; Thuyết hai yếu tố của F. Herzberg; Thuyết xác lập mục tiêu của Edwin A. Locke.
Nhà giáo Nguyễn Đức Hải - giáo viên môn Ngữ văn, THPT tại Hà Tĩnh - cho biết: “Chương trình như trên là quá ôm đồm, xa rời thực tế công việc của giáo viên phổ thông. Là giáo viên môn Ngữ văn, điều tôi quan tâm là tại một số nền giáo dục phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... người ta giảng dạy môn Ngữ văn như thế nào, với quan niệm, phương pháp, giải pháp ra sao... lại không được học.
Các lý thuyết cao xa cùng các vấn đề vĩ mô như xây dựng thương hiệu nhà trường, hợp tác quốc tế... theo tôi, nên dành cho bộ trưởng, giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) và hiệu trưởng”.
Nhiều giáo viên khác phản ánh, trong 240 tiết theo quy định, với các nội dung mang tầm vĩ mô nói trên, giáo viên chỉ học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, không thể có sự lĩnh hội, tích lũy và vận dụng kiến thức.
Nội dung đi thực tế và viết thu hoạch cũng chỉ làm qua loa chiếu lệ, lấy chứng chỉ xong thì toàn bộ kiến thức trong chương trình cũng bị “gác lại” và đi vào lãng quên chứ không đem lại hiệu quả thực tế.
(Nguồn: Báo Lao Động)