Cảnh giác với chiêu trò “câu view”, “câu like” để trục lợi

Minh Trí |

 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin là cơ hội để truyền thông lan tỏa nhưng không ít cá nhân lợi dụng vấn đề này để tung tin thất thiệt. Bằng cách bịa đặt các tình tiết liên quan đến các vụ việc, vụ án có thật, nhiều người đã bình luận, vu khống, xúc phạm người khác nhằm “câu view”, “câu like”... Cũng có một số người tự xưng là “nhà báo mạng”, “xông xáo tác nghiệp” ở nhiều sự kiện với nhiều bình luận thiếu chính xác, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Chân dung các “nhà báo mạng” này rất dễ nhận ra trong đám đông: túi xách trước ngực, điện thoại cầm tay chạy lăng xăng tìm điểm nóng của vụ việc. Họ sẵn sàng tranh chấp, gây sự, lu loa trên mạng xã hội bằng ngôn ngữ, hành động thiếu văn minh, bình luận bôi xấu người này, tung hô người kia mang màu sắc kích động, lôi kéo đám đông đồng quan điểm.

Câu chuyện về hành giả Thích Minh Tuệ trong những ngày gần đây là một ví dụ. Người đàn ông này “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà, đầu trần, chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Vậy nhưng các “nhà báo mạng” đã thổi ông trở thành “hiện tượng mạng”.

Việc bộ hành trên chặng đường dài khiến hành giả này khá mệt mỏi, mỗi lần dừng lại nghỉ ngơi cần có không gian và sự tĩnh lặng. Vậy nhưng ông phải trả lời các câu hỏi của “nhà báo mạng” vây quanh mỗi ngày.

Rồi từ câu trả lời của ông, qua lăng kính của các “nhà báo mạng” được “làm nóng”, suy luận, diễn giải có ý đồ nhằm gây sự chú ý trên mạng xã hội. Cũng chính vì sự xuất hiện “dày đặc” của người đàn ông này trên mạng xã hội mà lượng người biết đến ông nhiều hơn.

Trong quá trình hành giả Thích Minh Tuệ đi bộ qua các địa phương, người dân tập trung với số lượng đông, cúng dường vật phẩm, thức ăn và đi theo sau gây ách tắc giao thông cục bộ.

Nhiều “nhà báo mạng” đã lợi dụng sức nóng của vụ việc đang lan truyền từ mạng xã hội để trao đổi, phỏng vấn nhiều nhà sư khác theo kiểu cài mớm thông tin để lấy quan điểm người này phê phán người kia, tạo diễn đàn tiêu cực trên không gian mạng.

Mục đích cuối cùng của những người này rất dễ nhận thấy, đó là họ đều hướng đến việc kiếm tiền qua mạng xã hội. Lượt truy cập vào tài khoản cá nhân càng nhiều thì “thương hiệu” của họ càng mạnh, càng thu hút thêm khách hàng hoặc lượng fan đông đảo.

Cũng từ đó, các vụ mua bán hoặc cho thuê fanpage với giá cả không hề nhỏ được hình thành. Bằng chiêu trò “câu like”, những người chuyên “cày like” nuôi fanpage của mình đến khi đạt một số lượng like đủ lớn để có thể bán lại cho một công ty marketing nào đó hoặc cho thuê làm gian hàng quảng cáo sản phẩm.

Với một trang facebook cá nhân có khoảng hơn 100 nghìn bạn bè, chủ nhân của những địa chỉ này có thể kiếm từ 200-500 nghìn đồng cho mỗi tin bài quảng cáo. Xuất phát từ lợi ích hấp dẫn này, không ít trang facebook cá nhân đã sử dụng các chiêu trò “bẩn” để tăng lượng bạn bè cũng như lượt like trên địa chỉ của mình. Một trong những chiêu trò đó là đưa một sự việc bình thường trong xã hội trở thành bất thường trên mạng xã hội.

Trở lại câu chuyện ông Thích Minh Tuệ, hậu quả những chiêu trò “câu like” đã tạo nên trào lưu kích động tính hiếu kỳ của đám đông.

Vì thế, dù đã được khuyến cáo không nên tụ tập, đi theo ông để quay phim, chụp ảnh gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự nhưng nhiều người vẫn phớt lờ. Điều này hoàn toàn trái với mong muốn của ông Thích Minh Tuệ và lợi ích của xã hội.

Đáng nói đây không phải lần đầu người đàn ông này đi bộ mà trước đó đã được thực hiện vài lần từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Tuy nhiên, lần này mạng xã hội đã “thổi” sự việc này thành hiện tượng, từ đó gây ra sự hiếu kỳ của dư luận.

Nguy hiểm hơn, từ câu chuyện này, các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Chúng gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn, tranh chấp để khẳng định rằng tôn giáo và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không thể song hành.

Trong sự việc này, nếu đám đông vây quanh ông Thích Minh Tuệ gây mất trật tự an toàn giao thông khiến cơ quan chức năng phải can thiệp thì các thế lực thù địch sẽ rêu rao “công an cản trở nhà sư hành đạo”. Đồng thời chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, gây mâu thuẫn bên trong mỗi tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có thể khẳng định, hầu hết người tham gia mạng xã hội đều có thái độ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực với cộng đồng xã hội. Không những vậy, một bộ phận cộng đồng mạng rất có trách nhiệm trong phản biện, phát hiện và đấu tranh phê phán tình trạng vi phạm pháp luật; vi phạm đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục; thói hư tật xấu trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít người khi tham gia mạng xã hội có bài viết, video, hình ảnh thiếu chuẩn mực trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của cộng đồng mạng, nhiều đối tượng đã sử dụng các chiêu trò bẩn “câu view”, “câu like” để trục lợi cá nhân khiến việc sử dụng mạng xã hội trở nên thiếu lành mạnh.

Nếu tình trạng này còn kéo dài và không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì sẽ để lại hệ lụy nặng nề về sau. Vì thế, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và có hình thức xử phạt nghiêm minh hơn đối với các hành vi vi phạm nói trên.

Về phía người dân, khi đăng tải bất cứ nội dung gì lên mạng xã hội cần phải kiểm chứng nguồn tin. Theo đó, nguồn tin được đăng tải phải đúng sự thật, phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Tuyệt đối không được đăng tải nội dung bịa đặt, không đúng bản chất sự việc để “câu view”, “câu like” nhằm tăng tương tác, lượt theo dõi trên mạng xã hội hoặc trục lợi cá nhân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sức khoẻ của sư Thích Minh Tuệ thế nào sau 6 năm đi dọc Việt Nam tự tu?

PV |

Dựa vào các đặc điểm ngoại hình, thói quen sinh hoạt... , BS Phan Xuân Trung đã đưa ra một số nhận định về sức khoẻ của ông Minh Tuệ.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ - Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh qua đời

Thanh Xuân |

Phó Giáo sư-Tiến sĩ- Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh, một trí thức dâng hiến trọn đời cho nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật, đã qua đời vào hồi 12h55 ngày 24/2, hưởng thọ 91 tuổi.

Kỹ sư người Quảng Trị trong “Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út”

Tú Linh |

Anh Hồ Thanh Phương (sinh năm 1992), quê quán ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cựu học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, hiện đang công tác trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện tại Ả Rập Xê Út theo chính sách thu hút nhân tài của chính phủ nước này cho tầm nhìn 2030. Dù ở nơi đâu, anh luôn khát vọng học tập và cống hiến, vượt qua giới hạn khả năng của bản thân để luôn khám phá với cái mới, hiện đại hơn.

Xây dựng đề án thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tại Quảng Trị

Nguyễn Vinh |

Ngày 25/12, UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Đại học Huế để xây dựng đề án thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Huế tại Quảng Trị trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương chủ trì buổi làm việc.