Đồng chí Lê Duẩn với quan điểm “Lao động, tình thương và lẽ phải”

Lê Thị Thanh Nhạn |

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng XHCN, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn coi việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng yếu.

Ước mong của đồng chí là xây dựng thành công một xã hội XHCN giàu mạnh, dân no đủ, hạnh phúc, trong đó có giàu tình thương yêu. Quan điểm đó được đồng chí Lê Duẩn khái quát trong bài viết có tựa đề “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế” trình bày tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Khóa V: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”. Quan điểm mà Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu lên ở đây, cô đúc lại là “Lao động, tình thương và lẽ phải”.

Đối với “lao động”, đồng chí khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lao động trong việc tạo ra con người và văn hóa: “Có lao động mới có con người và có con người là có văn hóa”. Trong xây dựng chế độ mới, nhấn mạnh vai trò tích lũy của lao động để đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Vào những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX, giữa lúc cả nước tập trung mọi trí tuệ, sức lực, của cải để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN và đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã sớm quan tâm đến nguồn lực con người.

Công nhân trang trí tại Công viên Lê Duẩn nhân dịp đón năm mới - Ảnh: H.V.A
Công nhân trang trí tại Công viên Lê Duẩn nhân dịp đón năm mới - Ảnh: H.V.A

Theo đồng chí, con người mới XHCN là con người lao động làm chủ tập thể: Tức là làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân mình. Đó là con người kết tinh những gì cao đẹp nhất trong truyền thống văn hóa Việt Nam, là con người lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, con người yêu lao động, quý trọng và bảo vệ của công, tôn trọng các quy tắc của đời sống cộng đồng; là con người có tình thương yêu sâu sắc đối đối với Nhân dân lao động.

Về “tình thương”, đồng chí Lê Duẩn cho rằng, cái tinh túy nhất của đạo lý Việt Nam là lòng nhân ái, lòng trắc ẩn được xây dựng và phát triển qua học tập, rèn luyện để làm người. Nói đến rèn luyện con người trước hết là giáo dục lòng nhân ái của con người, vì lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người. Biểu hiện của đạo lý làm người đó là phải biết sống “một cuộc sống đẹp nhất”. Tình yêu nước, thương dân của người Việt Nam nghìn đời chung đúc được nâng lên thành tình cảm cách mạng trong thời đại mới.

Tình cảm cao đẹp đó theo đồng chí Lê Duẩn phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể không thể là lời nói suông, chung chung: “Người cán bộ nhìn một em bé ăn mặc rách rưới mà không thấy động lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy đã “cạn đi” rồi đấy”. Tình thương ở đây không chỉ là tình cảm gia đình mà còn tình cảm đồng bào, đồng chí, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Trước lúc chia tay vợ, con để ở lại miền Nam, đồng chí Lê Duẩn nói với vợ: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với đồng bào, đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”.

Về “lẽ phải”, theo đồng chí Lê Duẩn, so sánh mạnh, yếu giữa ta và địch là phải so sánh lực lượng một cách tổng hợp, chứ không chỉ so sánh thuần về quân sự hoặc kinh tế. Đồng chí chỉ rõ nguyên nhân chúng ta đánh thắng đối phương do chúng ta đã tạo được sức mạnh tổng hợp lớn hơn đối phương: “Đó là sức mạnh tổng hợp về quân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, sức mạnh của cả nước và của toàn dân đánh giặc, cả ở tiền tuyến và hậu phương, phát huy cao độ các yếu tố tư tưởng, ý chí và vật chất, kỹ thuật”.

Với sức mạnh tổng hợp đó, sức mạnh kết tinh từ lẽ phải Việt Nam, chân lý Việt Nam. Cũng xuất phát từ tình cảm yêu thương con người, yêu đất nước mà đồng chí luôn đấu tranh cho công bằng, lẽ phải. Thể hiện rõ nhất là ý thức không cam chịu ách thống trị của thực dân, không chịu cảnh nước lớn ức hiếp nước nhỏ. “Lẽ phải” ở đây còn là lý tưởng cách mạng, khát vọng đấu tranh để mang lại tự do, cuộc sống ấm no, bình đẳng cho người dân.

Theo đồng chí Lê Duẩn, chỉ có thông qua lao động mới xây dựng được tình thương cao đẹp, rộng lớn của con người: “Chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương rộng lớn, một phẩm chất cao đẹp vốn có của con người Việt Nam. Thương nước - thương nhà, thương người - thương mình là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hoá Việt Nam. Tình thương lớn ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể”.

Tình thương là một sức mạnh tinh thần kiên cố và mãnh liệt của dân tộc ta để tồn tại và phát triển. Nhưng tình thương ấy lại phải gắn liền với lẽ phải, nghĩa là phải gắn liền với sự suy tư, sáng suốt của con người. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, những phẩm chất cơ bản của con người làm chủ tập thể là con người mới yêu lao động, giàu tình thương, biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Để làm chủ tiến trình xây dựng xã hội mới, người lao động không những phải thiết tha gắn bó với sự nghiệp, mà phải biết quy luật phát triển của nó… để con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Một xã hội phát triển cả ba mặt “lao động” “tình thương” và “lẽ phải” là một xã hội phát triển hài hòa, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người và sức mạnh của văn hóa, của con người phải được hiện thực hóa trong sức mạnh kinh tế”.

Năm 2022, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2022), trong điều kiện cả nước chung tay kiểm soát đại dịch COVID-19, trước những thách thức của đại dịch, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta lại được khơi dậy mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, tinh thần “lá lành đùm lá lách”, thực hiện “mục tiêu kép” với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” đang lan tỏa rộng khắp trong Nhân dân, để minh chứng rằng tinh thần “Lao động, tình thương, lẽ phải” của Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng và Nhân dân ghi nhận và vận dụng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chương trình “Yêu lẽ phải - Trọng tình thương” thể hiện sự trân trọng, biết ơn Tổng Bí thư Lê Duẩn

Nguyễn Vinh |

Ngày 1/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị làm việc với tác giả kịch bản, tổng đạo diễn Chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt “Yêu lẽ phải - Trọng tình thương” và các cơ quan liên quan để thống nhất nội dung Chương trình kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2022). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam dự buổi làm việc. 

Phê duyệt đầu tư 45 tỉ đồng xây dựng, nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Mai Lâm |

Ngày 11/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thành phần 1 “Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn” thuộc Dự án “Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng trọng điểm tỉnh Quảng Trị”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng

Nguyễn Hoàn |

Đường dây 500 KV Bắc - Nam sải cánh vững chãi lượn qua núi, vượt trùng mây. Chiếc xe chở tôi vào Tây Nguyên này đâu biết rằng tôi thầm cám ơn nó, vì nó không chỉ chở tôi trong hiện tại mà còn chở tôi ngược về quá khứ, được sống với dư vang của một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, được cảm và nghĩ tới mối liên hệ kỳ thú giữa hai tên tuổi lẫy lừng từng ôm con đường mòn Hồ Chí Minh vào trong trái tim thương nước nồng nàn của mình: Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng.

Phê duyệt 45 tỉ đồng tôn tạo Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Thanh Hằng |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (giai đoạn 2) tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong.