Câu chuyện về sự hy sinh cao cả của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy chưa kịp lắng xuống thì câu chuyện 3 chiến sĩ công an khác bị ra khỏi ngành vì có hành vi đánh đập hai thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ lại khiến dư luận râm ran. Nếu như câu chuyện đầu đọng lại trong lòng mỗi người dân về sự thán phục, tri ân trước sự hy sinh của những chiến sĩ công an thì câu chuyện sau lại mang đến sự phẫn nộ trong dư luận.
Vẫn biết hành vi không chấp hành hiệu lệnh giao thông của người chưa thành niên là vi phạm pháp luật. Vẫn biết đôi khi trong cơn giận giữ, người ta có thể không kiềm chế được bản thân. Nhưng hành vi vi phạm pháp luật thì phải được nghiêm trị bởi các quy định pháp luật chứ không thể dùng vũ lực để đối phó, nhất là khi đối tượng vi phạm là người chưa thành niên. Có rất nhiều giải pháp để vừa xử phạt theo đúng quy định pháp luật, vừa răn đe, giáo dục giúp các em lần sau không tái phạm.
Vậy nhưng rất tiếc những người này đã không lựa chọn mà chỉ biết trút hết cơn tức giận của bản thân lên những thiếu niên đó. Từ câu chuyện trên, một số người lợi dụng để “mượn gió bẻ măng”, lên án những cán bộ, chiến sĩ công an nói chung.
Cùng với một số câu chuyện tiêu cực khác, nhiều người rêu rao công an thời nay thường lợi dụng quyền hạn để “đàn áp”, “tra tấn” người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là hình ảnh “một con sâu làm rầu nồi canh”. Trên thực tế có rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an đã lặng thầm hy sinh để mang lại bình yên cho cuộc sống cần được xã hội vinh danh và tôn trọng.
Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, năm 2020, câu chuyện “muối trắng, ớt xanh” được Đại úy Mai Hoàng (hiện là Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ khiến tôi nhớ mãi. Người chiến sĩ công an này thời còn công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Mộc Châu - một “điểm nóng” về ma túy của cả nước lúc bấy giờ - đã cùng đồng đội 106 lần vào rừng phá án và đánh thành công 57 trận đánh có vũ trang. “Muối trắng và ớt xanh” là món quà được nhà báo, MC Tạ Bích Loan tặng cho anh trong buổi giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.
Vào thời điểm đó, anh là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - người vinh dự được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi tuổi đời còn trẻ. Món quà này khiến Đại úy Mai Hoàng nhớ đến những năm chiến đấu cùng đồng đội tại vùng biên giới của huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ, Sơn La. “Đánh án” tại địa bàn hiểm trở gần khu vực biên giới nên đây là món ăn thường xuyên của anh và đồng đội.
Dẫu đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, thậm chí đánh đổi bằng mạng sống, nhưng anh vẫn giữ vững quan điểm: “…mọi hoạt động nghiệp vụ hay thực thi pháp luật của lực lượng công an nhân dân tất cả đều hướng đến sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân... Xét cho cùng, chúng tôi cũng từ Nhân dân mà ra”.
Còn biết bao tấm gương chiến sĩ công an thầm lặng hy sinh vì cuộc sống bình yên của Nhân dân. Biết bao tấm gương đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Vì thế, không thể vì hình ảnh xấu của một vài cá nhân ảnh hưởng đến cả tập thể và những con người đang lặng thầm cống hiến cho sự bình yên của đất nước. Tuy nhiên, để được dân yêu, dân quý, dân tin thì mỗi một cán bộ, chiến sĩ cần nỗ lực hơn nữa trong rèn luyện và tu dưỡng đạo đức. Công an là một ngành cao quý, được xã hội tôn vinh.
Vào mỗi kỳ thi đại học, được đỗ vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân là vinh dự không của riêng thí sinh mà còn là vinh dự chung của gia đình, dòng họ. Khi lựa chọn vào học ở ngôi trường này, nhiều thí sinh đã lựa chọn cho mình một mục tiêu và lý tưởng sống của bản thân.
Chỉ mong rằng mục tiêu và lý tưởng đó ngày càng được hun đúc chứ không nhạt phai theo năm tháng, để rồi từ đó có những hành vi lệch lạc so với lý tưởng ban đầu. Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là việc làm thường xuyên, liên tục đối với bất cứ một cán bộ, đảng viên nào, không riêng gì những người đứng trong hàng ngũ công an. Tuy nhiên, trong môi trường hiểm nguy nhưng lại lắm cám dỗ này đòi hỏi mỗi một cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao hơn nữa tinh thần tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức và tác phong làm việc.
Công an nhân dân phải “trọng dân”, “tin dân”, “gần dân”, sẵn lòng giúp đỡ Nhân dân. Đó là những phẩm chất cao quý, đồng thời cũng là những tiêu chí mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hướng đến. Trở lại vụ việc xảy ra ở trên, việc xử lý kỷ luật nghiêm đối với các cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm được dư luận hoan nghênh.
Đồng thời người dân cũng mong muốn ngành công an cần hoàn thiện cơ chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác tổ chức, cán bộ và thực thi công vụ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật nghiêm minh trong toàn lực lượng để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng Nhân dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)