Đừng lấy cái sai để trị cái sai!

Phan Hoài Hương |

Một buổi chiều muộn đi đón con ở bể bơi, tôi vô tình chứng kiến cảnh một thanh niên hành hung em học sinh THPT khi phát hiện em này lấy trộm chiếc mũ bảo hiểm.


Hai học sinh mang đồng phục của một trường THPT trên địa bàn thành phố Đông Hà có lẽ tranh thủ giờ tan trường ghé xem đá bóng. Khi về, không hiểu vì lý do gì đã “nhặt” chiếc mũ bảo hiểm của ai đó rồi lên xe phóng đi thì bị người thanh niên kia phát hiện, đuổi theo. Bằng một cú đạp rất mạnh, chiếc xe máy điện trượt dài trên mặt đất, đè lên người hai em học sinh. Không dừng lại ở đó, người thanh niên lao đến đánh tới tấp vào em học sinh ngồi sau. Những cú đấm như trời giáng cứ trút lên cơ thể yếu ớt của cậu học sinh năm nay chừng đang học lớp 10 khiến em lả đi. Chiếc mũ bảo hiểm “nhặt được” nằm lăn lóc bên vệ đường.

Chứng kiến cảnh đó, một người phụ nữ đã lao ra, ôm trọn em học sinh vào lòng, rối rít van xin người thanh niên: “Em nó lỡ dại, xin đừng đánh”. Nhưng cơn giận chưa nguôi, người thanh niên vừa giằng em học sinh, vừa nói: “Thứ ăn trộm này, đánh cho nó chết”. Người phụ nữ nhất quyết không buông, ôm chặt đứa trẻ vào lòng, nói: “Hôm nay là ngày rằm, chú tha cho cháu đi. Hay có đánh thì cứ đánh chị, tha cho cháu kẻo tội nghiệp”. Câu nói đó khiến người thanh niên chùn tay. Lúc này, người phụ nữ mới buông em học sinh ra, lau những vết máu nơi khóe miệng và những giọt nước mắt ướt đẫm trên gương mặt tái xanh của em, nhẹ nhàng nói: “Con đã biết lỗi chưa? Mau xin lỗi chú đi. Con nên biết trong khu phố này và rất nhiều khu phố khác, camera an ninh có ở khắp nơi nên bất cứ một hành động sai trái nào cũng đều bị phát hiện. Nếu không có mũ bảo hiểm, các con phải nói ba mẹ mua cho chứ không nên có hành động như vừa rồi”. Em học sinh vừa khóc, vừa nói: “Con cảm ơn dì, nếu không có dì, chắc con không sống được. Con hứa từ nay sẽ không bao giờ vi phạm”. Nói rồi, cả hai run lẩy bẩy lên xe về nhà. Giờ này, chắc gia đình các em cũng đang đợi con đi học về, rồi cùng nhau sum họp bên mâm cơm tối.

Câu chuyện này khiến tôi nhớ lại vụ một nữ sinh ở Thanh Hóa trộm chiếc váy ngắn trị giá 160.000 đồng ở một shop quần áo, bị chủ cửa hàng bắt quả tang, hành hạ và đăng tải trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục và cưỡng đoạt tài sản người khác đối với chủ shop quần áo nói trên. Vụ việc này khiến dư luận một thời xôn xao. Đành rằng, việc ăn trộm đồ của nữ sinh là hoàn toàn sai nhưng hành vi bạo hành, đánh đập của vợ chồng người chủ shop rất đáng lên án. Lẽ ra khi phát hiện cô bé có hành vi trộm cắp tài sản, vợ chồng họ nên “giữ nguyên hiện trường” rồi trình báo sự việc cho cơ quan chức năng. Hành xử như vậy, hẳn vợ chồng chủ shop sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhưng vụ trẻ ăn cắp rồi bị phát hiện, làm nhục như trên không phải là lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Trước đó cũng có một số vụ việc trẻ em bị bạo lực, làm nhục giữa chốn đông người vì ăn trộm. Dư luận trong nước từng phẫn nộ khi thấy hình ảnh một bé gái ở Bố Trạch, Quảng Bình bị người thân trói đằng sau xe tải với tấm biển “phạt trộm” rêu ngoài đường. Hay vụ một nữ sinh THCS đã bị nhân viên siêu thị trói tay và treo tờ giấy ghi "tôi là người ăn trộm" lên cổ rồi chụp ảnh tung lên mạng khi phát hiện em này lấy trộm hai cuốn sách…

Trở lại câu chuyện ăn trộm mũ bảo hiểm của hai em học sinh, may mắn là vòng tay và những lời nói từ đáy lòng của người phụ nữ hôm đó đã che chở cho các em. Người thanh niên đã kịp dừng tay, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Vậy trong câu chuyện này, sức mạnh nằm ở những cú đấm như trời giáng hay ở vòng tay nhỏ bé của người phụ nữ đó? Thực ra, chúng ta không bao giờ cổ vũ cho hành vi trộm cắp của trẻ con. Vì lâu dần, thói quen này sẽ hủy hoại tâm hồn các em, khiến không ít đứa trẻ dần sa vào thói xấu hoặc tệ nạn xã hội. Nhưng hành động thế nào để vừa ngăn chặn được hành vi này, vừa giúp các em rút ra được bài học cho bản thân để lần sau không tái phạm mới là điều khó. Ăn trộm là sai, nhưng cái sai đó cần được giáo dục và bảo ban chứ không thể dùng một hành vi sai trái khác để phạt. Suy cho cùng, sự tử tế và lòng vị tha mới làm nên những giá trị tốt đẹp trong cách hành xử giữa con người với con người, chứ không phải vũ lực.

Theo các chuyên gia tâm lý, hầu hết những trường hợp ăn cắp vặt ở trẻ đều xuất phát từ tâm lý, nhận thức cá nhân, các thói quen và cả tác động của yếu tố văn hóa gia đình, xã hội. Vì vậy, việc người lớn, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô khi phát hiện ra hành vi ăn cắp vặt ở trẻ, có thể ngồi lại trò chuyện, hỏi để giúp trẻ kịp thời thay đổi nhận thức và hành vi cho đúng là điều cần làm. Ngay từ khi trẻ 3 tuổi trở lên, ba mẹ cần chỉ rõ giới hạn rõ ràng cho con hiểu cái gì của mình, cái gì của bạn. Cần cương quyết và dứt khoát để trẻ hiểu hành vi lấy đồ của người khác là không thể chấp nhận trong bất cứ tình huống nào. Vì hành vi đó nếu lặp đi lặp lại sẽ là mầm mống của hành vi ăn cắp vặt sau này.

Trong cuộc sống, hầu như ai trưởng thành cũng có những lần mắc lỗi. Ở góc độ gia đình, với hành vi ăn cắp ở trẻ em, nếu người lớn chỉ biết phán xét, lên án, dọa dẫm, nhiều khả năng con trẻ cũng sẽ lặp lại cách hành xử này với người có hành vi sai khác. Ở góc độ xã hội, khi phát hiện ra các vụ việc trẻ em có hành vi trộm cắp, người lớn nên bình tĩnh, giữ nguyên hiện trạng để mời cơ quan chức năng làm việc. Đừng nên “giận quá mất khôn”, để rồi dùng cái sai này trị cái sai khác. Khi phát hiện trẻ ăn cắp vặt, hãy coi đó là “cơ hội” để giúp trẻ nhận thức và điều chỉnh hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)