Giá nhiên liệu tăng, người dân và doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Lâm Thanh |

Qua các lần điều chỉnh giá xăng, dầu trong năm 2021, đến nay giá nhiên liệu đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây (kể từ tháng 9/2014). Xăng, dầu liên tục tăng giá cộng với ảnh hưởng COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân ngày càng khó khăn.


Áp lực chi phí sản xuất

Theo mức giá nhiên liệu điều chỉnh lần mới nhất của Petrolimex vào ngày 10/11/2021, xăng RON 95-IV có giá 25.590 đồng/lít; xăng RON 95-III có giá 25.480 đồng/lít; xăng sinh học E5 RON92-II có giá 24.130 đồng/lít; dầu diezen có giá 19.440 đồng/lít… Như vậy, so với đầu năm, mỗi lít nhiên liệu đã tăng thêm từ 6.000 đồng đến trên 8.000 đồng tùy loại.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc chi nhánh Xí nghiệp xây dựng công trình, Công ty Cổ phần Thiên Tân cho biết, Công ty Cổ phần Thiên Tân có hơn 80 đầu xe, máy các loại sử dụng nhiên liệu chủ yếu là dầu. Chi phí nhiên liệu chiếm 40% giá thành vận tải nên việc giá nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp Quý IV tăng gần 20% so với Quý I/2021. Trong khi đó, do tình hình dịch bệnh, thời tiết những tháng cuối năm khối lượng công việc giảm nên đơn vị không thể tăng đơn giá bán hàng để giữ chân khách hàng. Để đảm bảo nguồn thu nhập của người lao động theo mức khoán đã xây dựng từ đầu năm cũng như các chế độ bảo vệ quyền lợi người lao động theo quy định, doanh nghiệp phải “tiết kiệm chi, bù thu”, giảm lợi nhuận hết mức để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xăng, dầu tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân - Ảnh: L.T
Xăng, dầu tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân - Ảnh: L.T

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Nội vụ, Công ty TNHH MTV Mai Linh Quảng Trị, COVID-19 khiến nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân giảm mạnh. Tính đến thời điểm này, doanh thu của công ty giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh thì qua các lần điều chỉnh giá nhiên liệu đã tăng thêm 21%. Trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao, Tập đoàn Mai Linh đã có văn bản cho điều chỉnh mức giá vận tải hành khách trong toàn hệ thống lên mức cao nhất là 20.000 đồng/km. Tuy nhiên, chia sẻ với khó khăn chung của người dân, Mai Linh Quảng Trị có điều chỉnh mức giá tăng thêm 1.000 đồng/km, cụ thể xe 4 chỗ từ 12.000 đồng/km tăng lên 13.000 đồng/km; xe 7 chỗ từ 16.000 đồng/km lên 17.000 đồng/km. Tuy nhiên, thực tế nguồn tăng này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí. Hiện đơn vị chịu nhiều áp lực về tài chính khi hằng tháng vẫn phải chi trả tiền lương, các chế độ bảo hiểm cho người lao động cùng hàng loạt chi phí bến bãi, sửa chữa, duy tu, bảo hiểm phương tiện...

Giá nhiên liệu tăng quá cao trong thời gian gần đây nhưng sản phẩm hải sản đánh bắt được lại giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến ông Võ Văn Thới, ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) tạm ngừng đi biển hơn 1 tháng nay. Ông Thới phân tích: “Với tàu cá 850 CV mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 12 - 14 ngày, tiêu hao khoảng 7.000 - 8.000 lít dầu. Nhiên liệu chiếm 70 - 80% chi phí mỗi chuyến biển nên giá dầu tăng tác động rất lớn đến hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân. Trong khi đó, giá hải sản khai thác được lại giảm mạnh kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát khiến chúng tôi càng khó khăn. Trung bình những năm trước, tàu tôi thực hiện khoảng 12 chuyến biển/năm. Riêng năm nay được 7 chuyến, sau khi trừ chi phí, khấu hao tài sản và chia cho bạn biển thì tính ra nhiều chuyến biển thu không đủ bù đắp trang trải chi phí. Chưa bao giờ chúng tôi lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay.”

Người tiêu dùng lo lắng

Giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, trong đó rõ rệt nhất là giá cả các loại hàng hóa trên thị trường. Sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, giá nhiều loại mặt hàng cũng thừa cơ tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu sinh hoạt và cuộc sống của người dân.

Chị Lê Thị Túy, ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà chia sẻ: “Hiện nay, một bình gas Petrolimex 12 kg đã có giá 468 ngàn đồng, tăng 142 ngàn đồng/ bình so với đầu năm. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm, nhất là rau củ quả tươi sống đều đồng loạt tăng giá rất cao gấp 2 - 3 lần so với trước nên chỉ riêng việc tính toán cân đối chi tiêu sinh hoạt phục vụ đời sống hằng ngày của gia đình cũng khiến người nội trợ phải đau đầu. Với gia đình tôi, suốt thời gian qua, ảnh hưởng COVID-19 khiến công việc buôn bán thực phẩm chế biến của vợ chồng tôi khó khăn, hoạt động cầm chừng. Chúng tôi chờ thời điểm cuối năm để bắt đầu nhận các đơn hàng đặt lễ, tết hy vọng bù lại thời gian trước nhưng bây giờ lại đối mặt với chi phí đầu vào nguyên liệu tăng cao nên cảm thấy rất lo lắng”.

Giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua là do chịu ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên liệu thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia trong đó có nước ta bắt đầu thích ứng với tình hình COVID-19, kinh tế dần mở cửa trở lại và hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, theo đó, nhu cầu sản xuất tăng lên trong khi nguồn cung không tăng tương ứng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá nguyên, nhiên liệu tăng mạnh. Tuy nhiên, trước tình hình giá nhiên liệu tăng mạnh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, mới đây Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng, dầu thế giới, đồng thời tính toán mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong dịp mua sắm trước, trong và sau tết Nguyên đán, tạo đà kiểm soát giá năm 2022.

Có thể thấy, giá nhiên liệu biến động phụ thuộc thị trường vĩ mô. Tuy nhiên, việc giá xăng, dầu tăng mạnh đúng dịp cuối năm như hiện nay rất dễ kéo theo sự tăng giá đột biến của các mặt hàng thiết yếu khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Vì vậy, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần có kế hoạch thực hiện kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa; ngành công thương cần chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá cần tiếp tục giữ ổn định giá, động viên hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bán hàng bình ổn giá để ổn định thị trường bán lẻ dịp cuối năm, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, kích cầu tiêu dùng nội tỉnh và nội địa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Từ năm 2022, điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần

T.L |

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng, dầu tăng gần 1.000 đồng/lít

PT |

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố giá bán lẻ xăng, dầu trong 15 ngày tới trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới đang tăng mạnh.

Sau 2 lần điều chỉnh, giá xăng RON95-III lên sát 22.000 đồng mỗi lít

Đức Duy |

Từ 15 giờ ngày 25/9, xăng E5 RON92 tăng 573 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 548 đồng/lít, dầu diesel tăng 564 đồng/lít, dầu hỏa tăng 561 đồng/lít và dầu mazút tăng 628 đồng/kg.

Giá xăng tiếp đà tăng vào ngày mai?

Văn Hưng |

Giá xăng ngày 25/9 dự kiến tăng theo xu hướng giá thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 380 đồng/lít.