Mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội

Trần Thanh |

Hiện nay, việc sử dụng internet và mạng xã hội (MXH) đang trở thành xu thế chung của thế giới. Theo thống kê của We Are Social (công ty chuyên phân tích MXH toàn cầu), Việt Nam hiện có gần 78 triệu người sử dụng internet, với thời gian truy cập trung bình trên 6 giờ mỗi ngày. Các nền tảng được sử dụng nhiều ở Việt Nam là: facebook, zalo, tiktok, youtube... Với đặc thù dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy và đa dạng, MXH đang là một kênh tin tức được đông đảo công chúng lựa chọn. Trong tình hình hiện nay, báo chí và MXH có mối quan hệ đa chiều.


Với việc ra đời báo điện tử, thông tin báo chí giờ đây được đẩy lên internet không phải hằng ngày mà hằng giờ, hằng phút. Công nghệ hiện đại cộng với những tiện ích của internet đã khiến việc xuất bản báo trở nên nhanh chóng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của MXH đã tạo ra những điều kiện thuận lợi và thách thức đối với báo chí. Mối quan hệ giữa báo chí và MXH thể hiện sự tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết, báo chí và MXH cùng là nguồn đề tài, nguồn tư liệu cho nhau.

Nếu như các bài báo mang tính thời sự, có nội dung hay được bạn đọc quan tâm nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận và chia sẻ trên MXH thì ngược lại, những thông tin, tư liệu phong phú trên MXH cũng là nguồn tham khảo phong phú đối với người làm báo.

Phóng viên Báo Quảng Trị nắm bắt, khai thác thông tin trên mạng xã hội để triển khai những bài viết mang tính thời sự, góp phần định hướng dư luận kịp thời - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Phóng viên Báo Quảng Trị nắm bắt, khai thác thông tin trên mạng xã hội để triển khai những bài viết mang tính thời sự, góp phần định hướng dư luận kịp thời - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Báo chí sử dụng, thẩm định, phát triển nguồn thông tin từ MXH và MXH chia sẻ, quảng bá, bàn luận các tác phẩm báo chí đã được đăng tải.

Các làn sóng tin tức trong quá trình tương tác đã tạo ra những phản hồi mạnh mẽ về thông tin mà những bài báo đưa ra. Việc này giúp cho bài báo trở nên có sức ảnh hưởng lớn, tăng hiệu ứng truyền thông rõ nét.

Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của MXH có thể giúp đỡ được những người gặp khó khăn hay ảnh hưởng đến sự quyết định của các cơ quan chức năng về một vấn đề nào đó. Nhưng đôi lúc, dư luận trên MXH tạo ra những làn sóng tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhân vật trong bài báo.

Thông tin từ MXH mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng và nhìn chung là được lan truyền theo kiểu “thổi phồng”. Chỉ khi báo chí tiếp nhận, xử lý, kiểm chứng và tổ chức lại thông tin thì thông tin từ MXH mới trở nên đáng tin cậy.

Và như vậy, công chúng một mặt tiếp nhận thông tin từ MXH như một nguồn tin nhanh nhạy, đa chiều, thoải mái trong tiếp nhận thì cũng đồng thời dựa vào báo chí để kiểm chứng độ chính xác của thông tin.

Do vậy, trong quá trình tương tác, báo chí còn thực hiện việc định hướng, điều chỉnh thông tin trên MXH, hình thành dư luận xã hội đúng đắn, kịp thời. Điều này cũng tác động đến cách thức tổ chức thông tin của báo chí.

Thực tế cho thấy, nhiều người sau khi lướt thông tin trên MXH nhận thấy có một sự kiện hay vấn đề gì đó cần quan tâm thì họ thường tìm kiếm thông tin từ báo chí để tìm hiểu, xác minh về tính chân thực của sự kiện, vấn đề đó.

Tờ báo nào nhanh nhạy đáp ứng được sự tìm kiếm này sẽ có khả năng thu hút một lượng lớn độc giả. Cùng với đó, việc đăng tải các bài báo lên MXH sẽ giúp người đọc nắm bắt và tìm đến trang báo đó để tìm hiểu. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí thường xuyên đăng tải bài viết của mình lên MXH để tăng tương tác với công chúng.

Có thể nói, sự có mặt của MXH đã góp phần làm cho nhà báo, tờ báo gần gũi hơn với độc giả. Đây chính là nét đổi mới so với phương thức làm báo truyền thống. Trước đây, tờ báo và nhà báo chủ động cung cấp thông tin cho độc giả một chiều, thì nay nhờ những tính năng của MXH mà nhà báo, tòa soạn báo có thể dễ dàng theo dõi được các ý kiến góp ý, các quan điểm, nhận xét của họ về vấn đề được nói đến trong bài báo thông qua phần bình luận.

Từ đó, nhà báo, cơ quan báo chí đó có thể viết bài, đăng tải các tin tức sao cho phù hợp với nhu cầu của độc giả. Như vậy, việc cung cấp thông tin và cả bình luận về thông tin không còn là độc quyền của nhà báo. Điều này góp phần tạo mối quan hệ bình đẳng giữa nhà báo và công chúng.

Bên cạnh mặt tương tác, hỗ trợ, báo chí và MXH còn cạnh tranh lẫn nhau nhằm thu hút sự chú ý và cố gắng phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng.

Trước hết, MXH và báo chí cạnh tranh về thông tin thời sự, đều nỗ lực phản ánh nhanh nhất những sự kiện mới xảy ra trong đời sống. Trước sự linh hoạt, nhạy bén của MXH, báo chí đã gặp phải sức ép về cạnh tranh thông tin.

Facebook, twitter, youtube... thu hút hàng tỉ người sử dụng, tạo ra một cộng đồng cực kỳ lớn, với tốc độ lan tỏa thông tin chóng mặt. Khi một sự kiện quan trọng vừa mới xảy ra thì ngay tức khắc trên MXH đã có thông tin. Ngay cả những tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử chuyên nghiệp đôi khi cũng thua kém MXH trong việc lan tỏa thông tin về góc độ thời gian.

Tiếp theo là sự cạnh tranh về tính công khai, nhiều chiều. MXH là môi trường mở, có thế mạnh về việc giao lưu, chia sẻ, thể hiện cảm xúc nên các thành viên có thể thoải mái trình bày quan điểm của mình.

Cùng với đó, việc trao đổi ý kiến trên MXH cũng thẳng thắn, nhiều chiều hơn trên báo chí. Mặc dù tính tương tác là một trong những thế mạnh của báo chí, đặc biệt là báo điện tử, tuy nhiên báo điện tử cũng bị cạnh tranh bởi MXH ở thế mạnh này.

Trong sự cạnh tranh này, báo chí vừa nâng cao tính công khai, nhiều chiều, vừa thực hiện chức năng định hướng, hướng dẫn nhận thức phù hợp hơn đối với các cuộc thảo luận trên mạng. Điều này thể hiện sức mạnh của báo chí trong bối cảnh MXH ngày càng trở nên phổ biến.

Thực tế hiện nay, người làm báo cũng là thành viên tham gia MXH. Vì vậy, họ có điều kiện nắm bắt dư luận, cập nhật thông tin.

Nhiều vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang MXH chính là nguồn tư liệu mà báo chí có thể nắm bắt, triển khai những bài viết, giải đáp được những bức xúc, nhu cầu thông tin của độc giả một cách nhanh chóng. Báo chí đã sử dụng MXH như công cụ phục vụ đắc lực.

Như vậy, có thể thấy MXH và báo chí có mối quan hệ mật thiết. Mặc dù, báo chí bị MXH cạnh tranh gay gắt nhưng khi biết tận dụng mối quan hệ này thì báo chí sẽ có thêm một nguồn thông tin, một môi trường tương tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển; việc khai thác thông tin dần dễ dàng hơn, nội dung thông tin đa dạng, phong phú, hấp dẫn bạn đọc.

Hiện nay, sự tương tác giữa báo chí và công chúng không còn là vấn đề khó khăn nữa, đặc biệt là lượng độc giả vô cùng lớn từ MXH sẽ có nhiều điều kiện tiếp xúc với báo chí, với các tờ báo để trở thành những độc giả quen thuộc của báo chí.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

23 tác phẩm đoạt Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị lần thứ 7 năm 2023

PV |

Ngày 14/6/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam ký Quyết định số 1398/QĐ - UBND tỉnh về việc công nhận các tác phẩm đoạt Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị lần thứ 7 năm 2023.

Thể lệ cuộc thi báo chí viết về “Những tấm gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị”

PV |

 

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tại các văn bản: số 2302/UBND-KT ngày 17/5/2024, số 2518/UBND-KT ngày 31/5/2024 về việc tổ chức cuộc thi viết trên báo Quảng Trị hướng đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ IV năm 2024, Ban Tổ chức cuộc thi: Báo Quảng Trị, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị - ban hành thể lệ cuộc thi như sau:

Gần 50 vận động viên thi đấu Giải Cầu lông Hội Nhà báo Quảng Trị

Minh Đức |

Ngày 8/6, tại TP. Đông Hà, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Giải Cầu lông mở rộng năm 2024.

23 tác phẩm đoạt Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị lần thứ 7 - năm 2023

Kăn Sương |

Ngày 6/6, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải báo chí tỉnh Trương Đức Minh Tứ chủ trì cuộc họp chấm điểm các tác phẩm báo chí vào vòng chung khảo; triển khai một số công việc chuẩn bị tổng kết và trao Giải Báo chí Quảng Trị lần thứ 7 – 2023.