Cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Quảng Trị đang thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý dạy thêm, học thêm. Theo nhiều phụ huynh và học sinh, quy định này mang đến cơ hội để học sinh nâng cao kỹ năng tự học, tự rèn luyện. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển thì việc tự học, tự rèn luyện có nhiều thuận lợi.

Em L.V.M. hiện là học sinh lớp 11 của một trường THPT tại TP. Đông Hà. Từ sau tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, M. dừng việc học thêm môn Toán. M. có nguyện vọng thi đại học khối A01 với 3 môn thi Toán, Vật lý và Tiếng Anh. Ngoài môn Toán, em cũng học thêm 2 môn còn lại. Khi phải dừng học thêm, cả gia đình ai cũng lo lắng. Mọi người động viên M. cố gắng tự ôn luyện, chờ tìm được trung tâm tiếp tục học. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tuần nhưng chưa tìm được chỗ học mới phù hợp.
Khắc phục khó khăn, trong thời gian này M. cố gắng tự học, làm bài tập rèn kỹ năng để khỏi bị hổng kiến thức. “Lúc đầu tự học, em thấy rất khó khăn. Sau một thời gian, em đã bắt nhịp được việc này và chủ động hơn trong việc tự học, ghi nhớ kiến thức sâu hơn. Nhờ có mạng internet nên khi thắc mắc về nội dung gì, chỉ cần tra cứu là em sẽ tìm được đáp án”, M. cho hay.
Là một phụ huynh có 2 con đang học phổ thông, cháu lớn học lớp 10 và cháu nhỏ học lớp 6, chị T.K.T. ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong cho biết, do đặc thù công việc nên phụ huynh khá bận rộn, không thể theo dõi việc học tập của các con. Nhiều năm nay, kể từ khi các con bắt đầu vào học lớp 1, chị đã cho đi học thêm, luyện Toán, Tiếng Việt, tập viết. Rồi cứ thế, lên lớp nào các con cũng học thêm. Vì thế, thời điểm nhận được thông báo các con phải nghỉ học thêm chờ hướng dẫn mới do có quy định về quản lý dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, chị rất lo lắng. Nếu không học thêm thì các con của chị khó mà theo được bài vở trên lớp. Tìm một trung tâm cho hai con học cả môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh không phải dễ, làm sao vừa đảm bảo việc học của con, vừa tiện đưa đón.
Trước tình hình này, chị quyết định động viên các con tự học. Ban đầu việc tự học này rất khó vì các con không hợp tác, không quen tự học một mình. Chị động viên các con nếu chưa hiểu bài có thể hỏi giáo viên vào giờ ra chơi, về nhà thì tra cứu thêm trên internet. Chỉ có chủ động tìm tòi tiếp thu thì kiến thức mới ghi nhớ được lâu. Với sự quyết tâm của phụ huynh, cuối cùng sau hai tuần các con chị dần thay đổi thói quen. “Tuy ban đầu vất vả nhưng tôi nghĩ rồi sẽ ổn. Không học thêm tại lớp, tại các trung tâm, chủ động thời gian tự học, các con có nhiều thời gian hơn để vui chơi, tham gia các hoạt động thể thao”, chị T. bộc bạch.
Theo các chuyên gia giáo dục, rèn luyện khả năng tự học ngay khi còn nhỏ rất quan trọng, giúp trẻ chủ động trong việc tích lũy kiến thức về sau. Học thêm nhiều nhưng nếu chỉ tiếp thu thụ động, các em sẽ không thể đảm đương được các dạng bài mới và mất đi sự linh hoạt khi giải quyết vấn đề. Phụ huynh cần kiên nhẫn, tạo thói quen, tăng cường rèn luyện khả năng tự học cho trẻ ngay từ những năm đầu cấp.
Có thể nói, kỹ năng tự học là nền tảng quan trọng để học sinh có thể tự bồi dưỡng kiến thức trong suốt cuộc đời. Trong xã hội hiện đại, kiến thức luôn thay đổi và cập nhật, khả năng tự học giúp học sinh thích ứng với những thay đổi này. Thêm vào đó, trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển thì việc tự học rất thuận lợi. AI giúp dễ dàng tiếp cận với vô số tài liệu học tập, từ sách giáo trình, bài giảng trực tuyến đến các bài tập, trò chơi tương tác giúp người học hứng thú hơn và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị