Mục tiêu trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết 105/NQCP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu tối đa số DN, HTX, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh. Đây là chủ trương kịp thời, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trong nền kinh tế của đất nước, khu vực DN, HTX, hộ kinh doanh có vai trò, vị trí hết sức quan trọng; có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng cộng đồng DN, HTX, hộ kinh doanh vẫn quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động; nêu cao trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành với các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, những tháng gần đây, tình hình COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp do biến chủng mới của vi rút có tốc độ lây lan rất nhanh, làm cho các DN, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề; rất nhiều DN tạm ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng; nhiều doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể. Trong khi đó DN phải chi lương, trả tiền thuê kho bãi, lãi suất, nhà xưởng, tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu...
Đây là những khó khăn đè nặng lên vai DN mà nếu không có giải pháp kịp thời hỗ trợ DN thì hàng triệu lao động sẽ mất hoặc giảm việc làm, dẫn đến giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, dẫn đến những bất ổn trong xã hội. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một số DN bị ngừng hoạt động có thời hạn để phòng, chống COVID-19 do DN có người tiếp xúc với các ca lây nhiễm SARS-CoV-2; một số DN thiếu nhân lực sản xuất do công nhân có nhà ở các địa phương khác không vào được thành phố Đông Hà để làm việc trong những ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ…Từ những khó khăn trên, việc Chính phủ chủ trương mở cửa lại nền kinh tế trong thời gian tới là vấn đề cấp thiết, vì không thể mãi kéo dài phong tỏa, giãn cách xã hội. Tuy nhiên không phải vì áp lực xã hội mà các địa phương cùng lúc mở lại tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong mọi thời điểm, cần tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, nóng vội; phải thận trọng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh với lộ trình rõ ràng, có kế hoạch cụ thể. Để thực hiện được điều này, vấn đề mấu chốt vẫn là khả năng kiểm soát dịch bệnh và tiến độ tiếp cận, phổ biến vắc xin. Tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết. Đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch; có an toàn mới sản xuất, đã sản xuất thì phải an toàn.
Đồng thời các bộ, ngành, địa phương bố trí đầu mối chuyên trách để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, HTX, hộ kinh doanh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; đánh giá đầy đủ khả năng của DN, HTX, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “Ba tại chỗ” và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương. Các tổ chức, hiệp hội DN, liên minh HTX đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo nhân lực, tư vấn, hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định.
Mặt khác, tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của trung ương; không tạo ra các loại giấy phép “con” cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của DN, HTX, hộ kinh doanh. Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản. Chính quyền các cấp kịp thời hỗ trợ cho các DN tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động và trật tự an toàn xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)