Ngày 3/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 05-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng (gọi tắt là Chỉ thị 50). Quá trình thực hiện đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của Chỉ thị 50, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 50. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN từng bước được khẳng định, phát huy. Thể chế, pháp luật về PCTN ngày càng hoàn thiện. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, làm rõ đến đâu xử lý đến đó.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý dứt điểm, nghiêm khắc, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa. Thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền về phát hiện, xử lý tham nhũng được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ PCTN được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, tập trung mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt trong nhiều vụ án; khởi tố mới nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tăng hơn 230 vụ án, 610 bị can so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 144/384 bị can về các tội tham nhũng.
Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chuyển biến tốt hơn, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Một số địa phương chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như ở Đồng Nai, An Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác đấu tranh PCTN thì kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, việc triển khai thực hiện một số chủ trương, giải pháp trong Chỉ thị 50 trong những năm qua vẫn còn hạn chế, hiệu quả thấp. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở; tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.
Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ… Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 50 về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cũng như áp dụng đầy đủ hệ thống pháp luật về PCTN, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, kể cả các hành vi tiêu cực, mầm móng nảy sinh tham nhũng. Người đứng đầu phải luôn gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã khởi tố, điều tra. Đẩy mạnh thông tin về phát hiện và xử lý tham nhũng; chủ động cung cấp thông tin, công khai kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng và kết quả xử lý đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân, các cơ quan báo chí.
Có cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người tích cực đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng; có cơ chế khuyến khích, thu hút những cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh về công tác tại các cơ quan này.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)