Các cơ sở này, cùng với đại học quốc gia và một số đại học vùng, sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh việc tập trung phát triển 5 trường đại học công lập thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực.
Năm cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn bao gồm:
1. Đại học Bách khoa Hà Nội
2. Đại học Xây dựng Hà Nội
3. Đại học Giao thông vận tải
4. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
5. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Theo quy hoạch, Đại học Bách khoa Hà Nội được định hướng phát triển để trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Các cơ sở này, cùng với các đại học quốc gia và một số đại học vùng, sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, phục vụ cho sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược và chuyển đổi số quốc gia.
Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM dự kiến đạt quy mô hơn 1 triệu người học, trong đó khoảng 7% trình độ thạc sĩ và 1% trình độ tiến sĩ. Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh nghiên cứu, đào tạo các ngành, lĩnh vực STEM gắn với định hướng phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của các vùng.
Ngoài ra, quy hoạch cũng tiếp tục phát triển 3 trường đại học được thành lập theo hiệp định liên chính phủ (Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Việt - Nhật) thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với mức độ quốc tế hóa cao. Đồng thời, đầu tư xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường trọng điểm quốc gia, đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực về các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển.
Nguồn tin: Phụ Nữ Mới