Hiệu quả từ việc trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng

Nguyễn Đình Phục |

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện Hướng Hóa, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây (HTX Chân Mây) đang đem lại hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng.

 
 Các hộ dân chăm sóc vườn nấm linh chi đỏ -Ảnh: N.Đ.P
      

Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân

Năm 2023, Tổ hợp tác của HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Chân Mây đã liên kết với Công ty TNHH Minh Khánh, tỉnh Gia Lai trồng và tiêu thụ sản phẩm nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng (keo lai) và rừng tự nhiên tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Theo đó, các đơn vị đã trồng thử nghiệm 4.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1.000 m2. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhựa của lá keo rụng xuống tiết ra một lượng đạm, tạo môi trường cho đất nuôi phôi, do đó nấm linh chi đỏ sinh trưởng nhanh, kích thước, trọng lượng tương đối lớn.

Là một trong 7 hộ dân trực tiếp tham gia mô hình trồng nấm linh chi đỏ, ông Phan Văn Tự, ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi mô hình trồng nấm linh chi đỏ đầu tiên của HTX đã bước đầu thành công. Việc chăm sóc phôi nấm linh chi đỏ khá đơn giản, phôi sinh trưởng tốt dưới tán rừng keo, đem lại giá trị kinh tế cao. Với 2.000 phôi của tổ hợp tác chúng tôi trồng đã cho thu hoạch 3 đợt được 3,6 tạ, công ty thu mua với giá tươi 600.000 đồng/kg, số tiền thu được hơn 200 triệu đồng”.

Ông Hồ Chiến, người dân tộc Vân Kiều, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là một trong 9 hộ dân tham gia trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Chân Mây cho biết, nấm linh chi rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Sau khi xuống giống, người trồng chỉ cần kiểm tra độ ẩm của đất, không cần bón phân vì ban đầu cây mô đã cấy dưỡng chất, nếu mùa khô thì phải tưới nước phù hợp để giữ ẩm.

Phôi nấm linh chi trồng một lần nhưng cho thu hoạch cả năm. Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng rất phù hợp để phát triển kinh tế, nhất là tạo sinh kế gắn bó với mô hình nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng của bà con dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng và tăng thu nhập cho bà con dân bản.

Nhân rộng mô hình

Nấm linh chi đỏ từ xưa đã được biết đến là một trong những loại dược liệu quý với nhiều công dụng như: ổn định huyết áp; cân bằng chỉ số cholesterol; hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch; giảm căng thẳng, mệt mỏi; tăng cường chức năng cho thận, gan, tạo hệ thống miễn dịch... Loại nấm này có thể sử dụng tươi, khô hoặc có thể nghiền để làm thức ăn hoặc dược liệu.

Ngoài việc mang lại nguồn cây dược liệu quí, giá trị kinh tế cao, sau khi khai thác nấm linh chi đỏ thì rễ cây tự hoại trong đất trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng hữu cơ tốt, góp phần bảo vệ đất, nguồn nước và môi trường.

Mặt khác, theo các chuyên gia, trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng (keo lai) làm gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc nấm làm tăng độ ẩm, hỗ trợ cây keo phát triển nhanh hơn, tăng khối lượng. Giá bán keo tới tuổi khai thác khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha, cộng thêm tiền bán nấm linh chi thì thu nhập sẽ tăng cao hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Phước Hiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát cho biết: “Để trồng thành công mô hình nấm linh chi đỏ, chúng tôi đã nhiều lần tiến hành khảo sát, kiểm tra kỹ các điều kiện từ nước, thời tiết, khí hậu, đất đai... Quá trình trồng nấm không quá phức tạp, chỉ cần tưới đủ nước, làm cỏ thường xuyên. Trồng nấm linh chi đỏ không những giúp tái tạo môi trường đất, bảo vệ rừng mà quan trọng hơn cả là đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là đồng bào Vân Kiều ở các thôn bản”.

Tuy quá trình chăm sóc nấm đơn giản song điều kiện đặt ra là những địa điểm trồng phải phù hợp cho sự sinh trưởng của nấm linh chi đỏ với độ che phủ rừng 80% trở lên, nhiệt độ không khí 15 - 20 độ C. Ông Lê Phước Hiệp cho biết thêm, hiện nay, HTX đang tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị cung cấp giống chất lượng, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo cho các hộ dân có nhu cầu trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng.

“Chúng tôi nhận thấy loại dược liệu quý này mang lại lợi nhuận cao, nhu cầu thị trường cũng rất lớn. Năm nay, HTX sẽ tiếp tục trồng 5.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 600 m2 dưới tán rừng trồng (keo lai). Qua đó sẽ góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đồng bào Vân Kiều ở các thôn bản”, ông Hiệp cho hay.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chân Mây Lê Đình Phức cho biết, năm nay HTX trồng 5.000 phôi nấm linh chi đỏ (phôi giống HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Minh Khánh, tỉnh Gia Lai cung ứng) trên diện tích 600 m2 dưới tán rừng trồng (keo lai) tại thôn Chênh Vênh và dưới tán cà phê mít tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng. Hiện nay, các hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều đã hoàn tất khâu làm đất và đã xuống giống vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Hiệu quả công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hải Lệ

Minh Anh |

Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), UBND xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng xã Hải Lệ đạt chuẩn NTM nâng cao” giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 3 năm thực hiện, xã Hải Lệ đã có những thay đổi tích cực, nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của người dân. Đến nay, xã Hải Lệ đã đạt 19 tiêu chí NTM nâng cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp phải bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả

B.T |

Hôm nay 14/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp lần thứ 3 để thảo luận, thông qua kế hoạch của Ban Chỉ đạo về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, gần dân, hoạt động hiệu quả

Phương Minh |

Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc vào ngày 10/4/2025 đã thảo luận, cho ý kiến đối với 15 nội dung, trong đó tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển kinh tế nông nghiệp

Minh Long |

 Để kinh tế nông nghiệp ở địa phương phát triển hiệu quả, bền vững, những năm qua, tỉnh Quảng Trị triển khai đồng bộ các chính sách của trung ương trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống người dân nông thôn.