Mấy mùa quả ngọt trên đất Tân Long

Sỹ Hoàng |

Trong sâu thẳm ký ức của các di dân xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) vẫn còn khắc sâu những ngày đầu khốn khó khi “họ gánh theo tên xã, tên làng” lên phía Tây tỉnh Quảng Trị, rồi chọn đất Tân Long (huyện Hướng Hóa) để “bén rễ, xanh cây”. Cái tên Tân Long có nghĩa là “con rồng mới”, cũng là “Long” lấy trong tên xã Triệu Long để nhớ về nguồn cội, còn “Tân” là khát vọng đổi mới, phát triển không ngừng trên quê hương mới.

 
 Mô hình trồng chuối cấy mô ở xã Tân Long -Ảnh: S.H 

Trong suốt gần một tháng (từ ngày 4 - 28/9/1975) những chuyến xe lấm lem dầu mỡ, bùn đất đã đưa 415 hộ dân của thôn Bích Khê, Tân Định, An Mô, Bích La Thượng, Đại Lộc, Đâu Kênh, Phù Lưu, Vệ Nghĩa, Phương Ngạn (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) lên vùng đất mới Tân Long. Mảnh đất Tân Long lúc bấy giờ chỉ là hoang vu rừng núi. Lác đác vài ngôi nhà sàn nghèo khó của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ảo mờ trong làn sương chiều buốt lạnh miền biên viễn. Người dân bắt đầu phát quang lau lách, sim mua để dựng lán trại. Cứ đêm ngủ, ngày lên đồi phát cây cối, khai hoang từng tấc đất giữa chằng chịt hố bom. Đã có nhiều cái chết thương tâm do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Lúc ấy, nỗi lo sợ của những người dân lên vùng kinh tế mới lập nghiệp không phải là đói khổ hay nguy hiểm rình rập từ bom, mìn... mà là sốt rét rừng. Nhiều người bị sốt rét hành hạ, không chịu nổi đành từ bỏ giấc mơ sinh sống ở miền quê mới để trở về quê cũ hoặc đi nơi khác sinh cơ lập nghiệp. Và đã có gần 1/3 dân số của xã Tân Long (130 hộ dân) đã không thể tiếp tục gắn bó với miền quê mới.

Và rồi, mảnh đất Tân Long lại tiếp tục đón hàng trăm hộ dân từ mọi miền lên phát triển kinh tế. Những người dân bám trụ với mảnh đất Tân Long từ ngày đầu lập nghiệp đến bây giờ vẫn còn nhắc nhớ câu chuyện “đất không phụ người”. Đó là bài học về việc chọn loại cây trên đất nông nghiệp, chỉ cần chọn đúng cây trồng thì ngày thu quả ngọt sẽ không xa. Hành trình tìm ra loại cây phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này phải mất hàng chục năm ròng rã. Nhiều người trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả nhưng đều thất bại, vòng nghèo túng cứ thế lẩn quẩn. Cho đến khi người dân nơi đây phát hiện ra cây chuối mật mốc khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã. Cây chuối mật mốc trồng ở đây sinh trưởng nhanh, cho quả to tròn, có vị ngọt thơm, để lâu ngày không bị thâm đen.

“Tiếng lành đồn xa”, tiểu thương nhiều nơi lặn lội tìm đến xã Tân Long để vào tận vườn nhà mua chuối. Không lâu sau đó, chuối Tân Long trở thành mặt hàng xuất khẩu. Đến năm 2005, toàn xã Tân Long đã có 410 ha chuối. Sản phẩm chuối đã cung cấp thị trường trong tỉnh và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Bên cạnh trồng chuối truyền thống, người dân địa phương còn tìm hiểu, học tập đưa về áp dụng phương pháp trồng chuối mới cho giá trị kinh tế cao hơn. Anh Nguyễn Văn Quân ở xã Tân Long là một trong những người tiên phong trồng chuối cấy mô ở huyện Hướng Hóa. Tháng 10/2023, anh bắt đầu xây dựng mô hình trồng chuối cấy mô, đến nay vườn chuối này đã cho thu hoạch.

Lúc bấy giờ, nhận thấy nhiều vườn chuối trên địa bàn xã Tân Long do trồng lâu năm nên năng suất, sản lượng ngày càng sụt giảm. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân chủ yếu trồng chuối trên đất rẫy, đất gò đồi, phụ thuộc hoàn toàn vào chất đất, khí hậu và hầu như không đầu tư bón phân, tưới nước.

Rồi việc tiêu thụ chuối tươi bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan nên có thời điểm giá chuối giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg vào ngày thường, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg vào các dịp lễ, tết nên nhiều người trồng chuối không còn mặn mà với việc chăm sóc vườn chuối.

Anh Quân đã tìm hiểu và trồng gần 6.000 cây chuối cấy mô trên diện tích gần 4 ha. Để thực hiện mô hình, anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Quá trình chăm sóc vườn chuối nuôi cấy mô được anh Quân triển khai đúng quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ. Sau đó anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối cấy mô lên 7 ha. Đến nay, khoảng 2/3 diện tích bắt đầu cho thu hoạch với nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Mô hình sẽ tạo tiền đề để người dân địa phương học tập, thay đổi phương thức phương thức trồng chuối để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế loại cây trồng này ở Tân Long.

Chủ tịch UBND xã Tân Long Võ Văn Cương cho biết, xã Tân Long có diện tích trồng chuối mật mốc 750 ha, chiếm gần 40% diện tích chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa. Thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã tích cực hỗ trợ người trồng chuối của xã Tân Long cũng như trên địa bàn huyện trong việc tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị cây chuối. Tìm các nguồn lực để hỗ trợ người dân từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chuối. Khuyến khích người trồng chuối ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.

Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư, duy trì ổn định diện tích chuối hiện có, xây dựng, quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP cũng như đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống hạ tầng trong nông nghiệp để phát triển kinh tế ở địa phương.

Hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế thuê mặt bằng, nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm chế biến từ quả chuối. Bên cạnh đó, hiện nay người dân xã Tân Long đang chuyển hướng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc.

Đến nay, toàn xã Tân Long có 392 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 128 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò; 249 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; 15 trại chăn nuôi gia cầm. Chăn nuôi bò vỗ béo cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến bây giờ, tháng ngày vất vả, gian khổ khi mới lên vùng đất mới lập nghiệp chỉ còn lại trong ký ức của người dân xã Tân Long.

Và trên chính miền quê ngày xưa nghèo khó ấy bây giờ là màu xanh bạt ngàn của cây chuối đang mang lại sự trù phú, ấm no, hạnh phúc... Đất Tân Long xanh tươi cây chuối giờ đây đã thực sự “hóa rồng”.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Làm sao để vượt qua mùa thi nhẹ nhàng, hiệu quả?

Trần Thanh |

Mỗi mùa thi đến, áp lực thi cử trở thành nỗi bận tâm thường trực không chỉ của học sinh mà còn của phụ huynh và thầy cô giáo. Trước thực trạng ấy, việc đồng hành đúng cách, tạo dựng tâm thế vững vàng và môi trường học tập tích cực là điều hết sức cần thiết, giúp các em vượt qua mùa thi nhẹ nhàng, tự tin và hiệu quả hơn.

Phóng sự ảnh: “Mùa vàng” trên rẻo cao

Nhơn Bốn – Lê Tú |

Những năm trở lại đây, nhờ tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây lúa nước trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đem lại năng suất, sản lượng khá cao. Tháng 5, mùa lúa nước chín rộ như một tấm thảm vàng óng ả trải dài tít tắp trên những triền đồi xanh mướt, dệt nên bức tranh thơ mộng, hữu tình. Khác với sự thẳng tắp, đều đặn, vuông vắn ở vùng đồng bằng, ruộng lúa nước ở miền rẻo cao cứ gập ghềnh, cheo leo, ôm trọn lấy những đường cong mềm mại của đất, tạo nên một vẻ đẹp tự do, phóng khoáng.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng

Lê An |

Hiện tại đang bắt đầu vào đợt cao điểm mùa nắng nóng năm 2025, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Do vậy, các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao khả năng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), bảo vệ rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Nhiều công trình thủy lợi trọng điểm xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn trong mùa mưa lũ

Thanh Trúc |

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tỉnh vừa có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường về tình hình xuống cấp nghiêm trọng của nhiều hạng mục công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị quản lý. Tình trạng này cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2025, đồng thời đe dọa đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào năm 2026.