Mưu sinh với nghề “vặt lông” gia cầm

Nam Phương |

 Khi trời rạng sáng, những cơ sở mổ gà, vịt nằm sâu trong mỗi góc chợ đã sáng đèn. Dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, việc nhổ lông gà, vịt không còn vất vả như trước, giúp nhiều người có thêm thu nhập để chăm lo cuộc sống gia đình.

 
Gà, vịt được làm sạch lông bằng máy trong vòng 2 - 5 phút - Ảnh: T.P 
      

Chợ Ngô Đồng, huyện Cam Lộ có 3 cơ sở mổ gà, vịt thường xuyên hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Bên trong mỗi lò bao giờ cũng có 1 - 2 nồi nước sôi nghi ngút khói; máy vặt lông gà, vịt; máy nhổ lông bằng tay cùng lỉnh kỉnh những thau, chậu, dao, kéo...

Vào vai khách hàng, phóng viên đã dừng chân trước một cơ sở mổ đang có vài người đứng đợi để lấy gà, vịt sau khi mổ xong. Nhận gà từ một vị khách, chị Phan Thị Thanh Huyền, chủ cơ sở mổ đon đả: “Chị cứ để gà ở đây, em làm khoảng 5 phút là xong. Chị có bận gì thì cứ đi, chốc nữa quay lại lấy nhé!”.

Theo quan sát của chúng tôi, gà sau khi được cắt tiết, trụng nước sôi được chị Huyền cho vào máy vặt lông và khởi động nguồn điện. Máy được thiết kế với chiếc lồng bằng inox, bên trong có nhiều núm cao su được gắn chặt xung quanh lồng máy. Khi máy hoạt động, các núm cao su sẽ cọ xát vào thân gia cầm, giúp loại bỏ lông nhanh chóng mà không gây vết thâm tím, rách da. Sau 1 - 2 phút, chị Huyền lấy gà ra, nhanh chóng mổ bụng và làm sạch lòng, mề trước khi giao cho khách. Cơ sở của gia đình chị hiện có 3 lao động. Dù là ngày bình thường nhưng mọi người gần như phải làm việc luôn tay, mỗi người mỗi việc để khách không phải đợi lâu.

Làm công việc này đã hơn 5 năm nay, theo chị Huyền, nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên không quá vất vả, thời gian làm mỗi con gà, vịt lại được rút ngắn đi rất nhiều. Tuy nhiên, vào những hôm đơn hàng nhiều, chị sẽ khởi động lò từ sớm.

“Trung bình mỗi ngày, chúng tôi làm từ 20 - 30 con gà, vịt các loại với giá 10.000 đồng/con gà; 15.000 đồng/con vịt. Vào ngày tết, giá có thể cao hơn bởi nhu cầu của khách hàng tăng cao”, vừa tranh thủ dọn dẹp mớ lông gà, vịt vừa làm ra, chị Huyền vừa cho hay. Dù không phải là nghề chính song công việc này giúp chị kiếm thêm được nguồn thu khá. Ngoài mổ gia cầm thuê, chị còn kinh doanh gà, vịt làm sẵn và có thêm một khoản nhỏ từ tiền bán lông vịt. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Vân, một khách hàng chia sẻ: “Gia đình tôi thích ăn vịt nhưng rất ngại công đoạn vặt lông. Từ ngày biết đến dịch vụ mổ gà, vịt như thế này, tôi đỡ vất vả hẳn. Chỉ chờ khoảng 5 - 7 phút là tôi đã có con vịt sạch sẽ, về chỉ cần chế biến các món ngon”.

 
Một cơ sở mổ gia cầm ở thị trấn Cam Lộ - Ảnh: T.P 
 

So với chị Huyền, chị Trần Thị Luận có cơ sở mổ gia cầm tại khu chợ nhỏ trên địa bàn thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh gắn bó với công việc này gần 15 năm qua. Nhớ lại những ngày đầu, chị kể: Trước đây, tôi phải làm việc này hoàn toàn bằng tay. Mỗi tối về nhà, mười đầu ngón tay gần như trợt hết da do ngâm nước nhiều và số gà, vịt mỗi ngày làm không nhiều. “Sau này, thấy nhu cầu của khách đông nên tôi quyết định đầu tư gần 8 triệu mua máy vặt lông gia cầm rồi lần lượt sắm sửa thêm các thiết bị khác như máy nhổ lông tơ bằng tay. Nhờ vậy, tôi đỡ vất vả hơn, số gà, vịt nhận mỗi ngày cũng nhiều hơn”, chị Luận chia sẻ.

Theo chị Luận, gọi là “nghề” cho “oai” vậy thôi nhưng đây đơn thuần là công việc lao động chân tay, nếu chịu khó thì ai cũng có thể làm được. Ngày bình thường không mệt lắm nhưng dịp tết thì làm quần quật từ sáng đến chiều tối. Có những ngày, khách đặt nhiều, chị làm không hết việc, phải huy động cả gia đình cùng làm mới kịp hàng giao cho khách.

“Tuy hơi vất vả, suốt ngày loay hoay trong cơ sở mổ chật hẹp, nặng mùi hôi nhưng bù lại, nghề này có thu nhập ngang ngày công lao động bình thường. Nay làm có máy móc hết rồi, đưa gà vào máy quay chừng 2,3 phút sạch trên 95% lông”, chị Luận bộc bạch. Dù không tiết lộ tổng thu nhập hằng tháng có được từ công việc này song người phụ nữ nay cho hay, nhờ đó chị có điều kiện để nuôi dưỡng các con ăn học đến nơi, đến chốn, không để thua kém bạn bè.

Không riêng chị Huyền, chị Luận mà ngày nay, công việc nhổ lông và mổ gà, vịt thuê dần trở thành nghề chính của nhiều người lao động. Bởi vì nhu cầu của khách hàng nhiều, công việc không quá nặng nhọc và có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những lò mổ uy tín, sạch sẽ thì hiện nay, trên thị trường vẫn còn tràn lan các cơ sở mổ gia cầm bẩn, không đảm bảo vệ sinh, an toàn. Một số người chỉ chăm chăm vào lợi nhuận mà lén lút sử dụng các loại hóa chất làm sạch gia cầm “siêu tốc”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng. Do đó, để có được lượng khách ổn định và lâu dài, mỗi cơ sở mổ gia cầm thuê cần phải quan tâm, ưu tiên đến vấn đề an toàn, sạch sẽ, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết.

Chị Trương Thị Ngọc, một người tiêu dùng chia sẻ: “Có các cơ sở mổ gà, vịt, những bà nội trợ như chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian để làm việc khác. Điều khiến người tiêu dùng quan tâm nhất không chỉ giá cả mà phải đảm bảo được độ sạch sẽ, an toàn”.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Cần thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế trường học

Thanh Trúc |

 Y tế trường học (YTTH) đóng vai trò quan trọng trong các nhà trường. Đội ngũ nhân viên YTTH hiện nay kiêm nhiệm khối lượng công việc tương đối nhiều, tuy nhiên, mức lương và phụ cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, từ tháng 1/2024 đến nay, các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã dừng thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhân viên YTTH theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (Nghị định số 56) đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhân viên phụ trách YTTH.

Phấn đấu giai đoạn 2026 - 2030 đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 15.000 học viên

Ngọc Trang |

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cho biết, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở nhu cầu của các địa phương đề xuất hàng năm, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 15.000 học viên và đào tạo sơ cấp nghề cho khoảng 500 giám đốc hợp tác xã.