Bão số 5 gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua khiến nhiều nhà dân bị ảnh hưởng, một số ngầm tràn thuộc các tuyến giao thông ở huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Tri) nước dâng cao, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa ở các địa phương bị đổ rạp do chưa kịp gặt trước bão.
Tại huyện Đakrông, từ trưa 12/9/2021 có mưa to, lũ trên các sông, suối lên nhanh gây chia cắt cục bộ một số vùng, nhất là những địa phương phải đi qua ngầm, tràn. Nhiều ngầm, tràn ngập sâu không đi lại được như: Cầu tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng); ngầm A La, khe Ra Lay (xã Ba Nang); các điểm cầu tràn thôn Ly Tôn đi các thôn Xi, Pa, Chai, Pa Ngày và Ngược (xã Tà Long).
Ngoài ra, tại các xã Húc Nghì, Tà Rụt, A Vao nước cũng bắt đầu lên nhanh, chia cắt cục bộ nhiều nơi. Tại công trình Thủy điện Đakrông 1, nước vượt tràn trên 2,5 m. Một số điểm trên Quốc lộ 9 đi qua địa bàn huyện như km 52, km 53 bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết, trước tình hình nước lũ lên nhanh, địa phương đã triển khai các phương án phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng, công an chốt chặn, đặt biển cảnh báo tại các điểm nguy hiểm, không cho người dân qua lại. Đồng thời, tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến 16 giờ 30 phút ngày 12/9/2021 đã sơ tán gần 250 hộ dân vùng ngập lụt ở thôn Trại Cá (xã Tà Long) và thôn Đá Nổi (xã Ba Lòng) đến nơi an toàn, đồng thời khẩn trương sơ tán gần 1.000 hộ dân vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ ống, lũ quét.
Tại huyện Hướng Hóa, ngầm, tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa bị gãy và cuốn trôi. Mưa lớn đã làm sạt lở một số khu vực bờ sông như tại sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang với chiều dài 40 m; tại sông Ái Tử đoạn qua thôn Trà Liên Tây (thượng, hạ lưu cầu Bến Lội), xã Triệu Giang với chiều dài 70 m; tại sông Vĩnh Định đoạn qua thôn Đồng Tâm 2, xã Triệu Tài với chiều dài 1,5 km, trong đó đoạn nguy hiểm 500 m. Đồng thời gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường nội thị (thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị) và một số khu vực dân cư như Khu phố 1, 3, Phường 2, thị xã Quảng Trị; 10 hộ dân tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ.
Các địa phương, đơn vị đã tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở, bố trí lực lượng hỗ trợ triển khai công tác thu dọn, khôi phục lại nhà ở kịp thời cho Nhân dân. Chỉ đạo triển khai khắc phục tạm thời hư hỏng các công trình giao thông để đảm bảo lưu thông đi lại; kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông và chủ động triển khai di dời dân tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn, gia cố tạm thời để hạn chế sạt lở, bố trí lực lượng trực canh, theo dõi thường xuyên tình hình sạt lở. Tính đến ngày 11/9/2021 có 2.312 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh với 7.163 người đã nhận được thông tin về diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới và đã di chuyển vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn.
Tỉnh cũng đã kêu gọi 80 tàu thuyền ngoại tỉnh với 524 người vào neo đậu tránh, trú trên địa bàn tỉnh. Đến sáng 12/9/2021, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 18.706 ha/22.410 ha lúa, đạt khoảng 83,5% diện tích gieo cấy, còn khoảng 3.704 ha lúa và 220 lồng bè nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch.
Có gần 300 ha lúa bị ngập úng, gãy đổ, 6 ha sắn bị ngập úng. Trước diễn biến về đường đi của bão có sự thay đổi và suy giảm cấp độ, vì vậy về cơ bản các địa phương chưa tổ chức sơ tán, di dời dân, đồng thời đã chủ triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó tại chỗ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)