Cả 3 trường học ở Ba Nang đều muốn giữ tên Pa Nang: Tránh rắc rối về thủ tục

Quang Hải |

Sau khi quyết định đổi tên Đảng ủy xã Pa Nang thành Ba Nang, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo UBND huyện, các đơn vị trong xã có tên Pa Nang đổi thành Ba Nang để đảm bảo thống nhất và theo thẩm quyền. Nếu như các hội, đoàn thể chuyển đổi tên thuận lợi thì 3 trường mầm non, tiểu học và phổ thông dân tộc bán trú THCS (PTDTBT THCS) ở Ba Nang lại gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Vì thế, dù chấp hành theo chủ trương nhưng ban giám hiệu các trường vẫn mong muốn được giữ lại tên Pa Nang.


Rắc rối thủ tục hành chính

Chủ trương của huyện là đổi tên tất cả các hội, đoàn thể và 3 trường mầm non Pa Nang, tiểu học Pa Nang, PTDTBT THCS Pa Nang thành Ba Nang là để đồng nhất với tên gọi hành chính của xã Ba Nang. Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã có quyết định đổi tên Đảng bộ xã Pa Nang thành Đảng bộ xã Ba Nang cũng để cho đồng nhất và phù hợp.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang Hồ Văn My, hiện nay, chỉ còn Hội Người cao tuổi xã chưa xong thủ tục đổi tên để có con dấu mới. Riêng đối với 3 trường học trên địa bàn, ông My cho biết đang làm hồ sơ và thừa nhận khó khăn hơn về thủ tục vì liên quan đến ngành giáo dục.

Trực tiếp cùng đồng nghiệp xây dựng đề án chuyển đổi tên trường, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Pa Nang Lê Thanh Tùng chia sẻ, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện thủ tục đổi tên trường thành Ba Nang là chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. “Chúng tôi chỉ có thể dựa trên cơ sở đề án thành lập trường để xây dựng đề án đổi tên trường. Cái khó nữa là khi có tên trường mới phải có quyết định điều chuyển cán bộ, giáo viên từ trường này sang trường kia (Pa Nang sang Ba Nang - PV)”, ông Tùng nói.

Các trường học trên địa bàn xã Ba Nang đều mong muốn giữ lại tên Pa Nang -Ảnh: Q.H
Các trường học trên địa bàn xã Ba Nang đều mong muốn giữ lại tên Pa Nang -Ảnh: Q.H

Chấp hành theo chủ trương, nhà trường đã xây dựng được đề án gửi UBND huyện Đakrông để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng bản thân thầy Tùng và các cán bộ, giáo viên rất muốn giữ lại tên cũ. “Nhà trường mong muốn giữ lại tên cũ, vì bên cạnh liên quan đến các thủ tục chuyển đổi, cái tên Pa Nang giữ được tính bản sắc, truyền thống của xã”, ông Tùng bày tỏ.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Nang Lê Minh Tịnh cho hay, nhà trường đã gửi tờ trình lên Huyện ủy Đakrông xin giữ lại tên cũ. Ông Tịnh cho rằng, cái tên Pa Nang hay Ba Nang thì cũng thuộc xã Ba Nang. Trong khi đó, thủ tục chuyển đổi tên trường rất phức tạp, liên quan đến các quyết định, hồ sơ tài chính và cơ sở dữ liệu của 423 học sinh nhà trường.

Trường Mầm non Pa Nang cũng có chung nguyện vọng. Cô Lê Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho hay đã có văn bản tham mưu Đảng ủy xã xin giữ lại tên trường cũ. “Khi thực hiện chuyển đổi tên sẽ liên quan đến rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, cũng liên quan đến kinh phí vì thay đổi tên trường là phải thay đổi toàn bộ. Hơn nữa, việc giữ lại tên Pa Nang đã phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường, cô Hải chia sẻ.

Có nhất thiết phải đổi tên?

Theo Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đakrông Nguyễn Sỹ Huấn, chủ trương thống nhất một cái tên Ba Nang là hợp lý. Tuy nhiên, về tên trường thì theo điều lệ không phải là vấn đề lớn. “Ví dụ, người ta đặt tên trường mầm non Sơn Ca, Hoa Huệ hay Hoa Hồng... đóng trên địa bàn là chuyện bình thường. Cho nên theo quan điểm của tôi, trường mầm non hay tiểu học Pa Nang thuộc xã Ba Nang cũng là chuyện bình thường”, ông Huấn đưa ra quan điểm.

Ông Huấn thông tin thêm, đổi tên trường phải làm bộ hồ sơ thành lập trường, sau đó phải xây dựng quy chế hoạt động, thay đổi con dấu, bổ nhiệm lại, điều chuyển giáo viên sang trường mới. Về cơ bản, việc chuyển đổi rắc rối và mất thời gian, phải có bộ thủ tục hành chính theo quy định của ngành giáo dục, trong vòng 45 ngày sẽ hoàn thành.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đakrông Nguyễn Văn Đạt cho hay, sau khi quyết định đổi tên Đảng ủy xã Pa Nang thành Ba Nang, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các đơn vị trong xã có tên Pa Nang đổi thành Ba Nang để đảm bảo thống nhất và theo thẩm quyền. Cụ thể, đổi tên trường học thuộc thẩm quyền của UBND huyện Đakrông.

Cũng theo ông Đạt, thông thường những xã sau khi sáp nhập sẽ đổi tên trường theo tên đơn vị hành chính mới, trừ các trường mang tên địa danh, danh nhân... Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của 3 trường trên địa bàn xã Ba Nang về việc xin giữ lại tên cũ Pa Nang.

“Ban Thường vụ huyện ủy đã có văn bản ý kiến cho UBND huyện, tuy nhiên việc đổi tên các trường không phải là bắt buộc cứng. Nếu UBND huyện có giải trình việc đổi tên các trường ở Ba Nang gặp khó khăn và không cần thiết, Ban Thường vụ sẽ xem xét và thấy hợp lý thì sẽ đồng ý. Vấn đề hiện nay Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa tham mưu UBND huyện ra văn bản báo cáo vướng mắc trong quá trình đổi tên”, ông Đạt thông tin.

Như vậy, câu chuyện đổi tên 3 trường mầm non, tiểu học và PTDTBT THCS Pa Nang thành Ba Nang không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện. Vấn đề ở chỗ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cần sớm có tham mưu để UBND huyện báo cáo, giải trình lên Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông để đi đến thống nhất.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hành trình xanh vì môi trường của PGS.TS. Lê Thị Nhi Công

Chu Ngân |

Với lòng nhiệt huyết và tinh thần cống hiến, PGS.TS. Lê Thị Nhi Công không ngừng tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm xử lý ô nhiễm môi trường.

Chắp cánh ước mơ đến trường cho học sinh, sinh viên

Tú Linh |

Được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Linh, hàng trăm học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thêm an tâm đến trường vì đã có nguồn chi phí trang trải học tập, sinh hoạt. Nhờ vốn vay này nhiều HSSV được học hành đến nơi, đến chốn, trở thành những lao động có tri thức, đóng góp tích cực cho xã hội.

Xe VinFast bán chạy nhất thị trường Việt Nam

Chấn Hưng |

VinFast công bố đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9, cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9.

Lợi ích kép từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hà Trang |

Tăng tỉ lệ che phủ rừng, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân-đó là những lợi ích kép khi triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.