Bộ Y tế cho biết trong tuần qua (tuần 31), cả nước ghi nhận gần 8.800 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc giảm hơn 12%, trong đó số nhập viện là gần 6.600 ca, giảm 17,1% so với tuần trước đó.
So với các tuần trước đó, số mắc của tuần 31 có dấu hiệu chững lại, tuy vẫn ở mức cao. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,3 lần, tử vong tăng 39 trường hợp.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 145.536 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 53 trường hợp tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất, mỗi địa phương 10 ca, tiếp đến là Đồng Nai và Bình Thuận đều ghi nhận 5 ca/tỉnh, Tây Ninh (4 ca), Bình Phước (4 ca), số còn lại rải rác tại một số tỉnh, thành khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Một số tỉnh/thành phố ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết:
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.
Các đơn vị y tế đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết để nhận định các đặc điểm, đưa ra các giải pháp để giảm tử vong. Qua đó ghi nhận 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì. Tỉ lệ nam/nữ tử vong là 11/7 (nam tử vong chiếm nhiều hơn nữ) và trẻ trên 6 tuổi chiếm 77,8%. Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%; chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dành 10 phút mỗi tuần để vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc và thực hiện các biện pháp để không có lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết; Không cho muỗi tiếp xúc với nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa nước bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.
Người dân nên thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng. Cho các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực dọng nước để tiêu diệt lăng quăng.
Trong công tác vệ sinh môi trường, các gia đình cần lật úp vật chứa, phá bỏ, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn không để các vật chứa nước bị đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
(Nguồn: Ngày Nay)