Camera “chạy bằng cơm” và ý thức của người dân

Thiên Phong |

 Chỉ trong chưa đầy nửa tháng, lực lượng chức năng đã liên tiếp lập biên bản xử phạt ba trường hợp vi phạm giao thông từ clip của người đi đường cung cấp. Điều này cho thấy ý thức giám sát hành vi của người khác khi tham gia giao thông đang dần trở thành thói quen. Và đây cũng là lời cảnh báo mỗi người khi ra đường phải ý thức hơn nhiều lần để không chỉ đảm bảo an toàn cho mình mà còn cho người khác.

Khoảng hơn 5 năm trước, văn hóa giao thông của người dân còn ở mức sơ khai. Thời điểm đó, các giải pháp giám sát hành vi trên đường gần như không có gì ngoài mắt thường của lực lượng cảnh sát giao thông trong các cuộc tuần tra.

Sau đó, khi hệ thống giám sát bằng camera được lắp đặt trên các tuyến đường, hành vi của người tham gia giao thông có thêm một phương tiện giám sát. Ý thức của người dân được nâng lên đáng kể, đặc biệt là khi đi qua những đoạn đường có lắp camera. Nhưng nguồn lực của tỉnh có hạn, hệ thống camera không thể phủ khắp mọi ngã đường. Nên vẫn còn đó tình trạng “né” camera để tránh bị phạt nguội hoặc chỉ có ý thức ở những đoạn đường có camera, còn qua những đoạn không có thì tái diễn việc chạy ẩu, vượt đèn đỏ, lạng lách.

Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển như vũ bão, cùng với sự ảnh hưởng của mạng xã hội thì mỗi người dân tham gia giao thông đã trở thành một camera di động, hay gọi theo cách dân dã là camera “chạy bằng cơm”. Điều đặc biệt là những camera chạy bằng cơm này cũng có thể khiến tài xế chạy ẩu, lạng lách hay vượt đèn đỏ phải ký vào biên bản xử phạt hành chính không khác gì camera phạt nguội của cơ quan chức năng.

Việc người dân giám sát việc thực hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của nhau cũng là một bước tiến mới trong việc thiết lập xã hội công bằng, minh bạch. Đầu tháng 4/2025, Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Quảng Trị vừa lập biên bản xử phạt đối với 3 thanh thiếu niên tại huyện Hướng Hóa vì hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ba người này không phải bị đội tuần tra của cảnh sát giao thông phát hiện, cũng không phải bị hệ thống camera phạt nguội ghi hình. Án phạt này bắt nguồn từ đoạn clip do một tài xế ô tô quay bằng điện thoại khi lưu thông trên tuyến Quốc lộ 9.

Đoạn clip này sau đó được tài xế ô tô đăng lên mạng xã hội facebook. Từ những hình ảnh trong đoạn clip này, phòng cảnh sát giao thông đã ngay lập tức truy xuất dữ liệu biển đăng ký xe và mời những người liên quan đến làm việc. Ba thanh thiếu niên đã không thể chối cãi trước hình ảnh của mình trong đoạn clip, thừa nhận vi phạm và ký vào biên bản xử phạt với tổng mức phạt hơn một triệu đồng cho hành vi không đội mũ bảo hiểm và chở người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Hay mới đây nhất, một vụ việc khiến dư luận vô cùng bức xúc khi nhóm 3 thanh niên đi xe máy chở ba chặn đầu một xe taxi Xanh SM trên đường Đại Cồ Việt (phường Đông Lương, TP. Đông Hà). Một trong ba thanh niên liên tục đe dọa và dùng mũ bảo hiểm, dùng dép đập phá xe taxi. Những hình ảnh này vừa vi phạm luật giao thông, vừa vi phạm pháp luật về trật tự xã hội đã bị chính tài xế taxi ngồi trong xe dùng điện thoại ghi lại. Đoạn clip này sau đó cũng được đăng lên mạng xã hội. Và chỉ đúng một ngày sau đó, nhóm 3 thanh niên “hổ báo” đã bị triệu tập đến công an phường làm việc.

Ngoài mức phạt 500 ngàn đồng mỗi người cho hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, người cầm đầu nhóm thanh niên này còn bị phạt 2,5 triệu đồng vì lăng mạ, khiêu khích người khác. Ngoài ra, cũng từ hình ảnh trong clip trên mạng xã hội, cơ quan công an xác định được chiếc xe máy nhóm này sử dụng lắp biển số giả. Và hành vi này bị phạt 5 triệu đồng. Tổng mức tiền phạt cho tất cả các hành vi của nhóm này là gần 9 triệu đồng.

Công nghệ và mạng xã hội không phải sinh ra để giám sát xã hội mà để phục vụ sự phát triển của xã hội. Nhưng công nghệ cũng đang từng ngày góp phần vào việc quản lý xã hội, kể cả việc tham gia giao thông. Việc mỗi người dân sử dụng công nghệ và mạng xã hội để hỗ trợ chính quyền đưa các hoạt động xã hội vào nền nếp là tín hiệu tích cực. Điều này góp phần nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Với xã hội công nghệ như hiện tại thì không chỉ cảnh sát giao thông hay camera phạt nguội mà mỗi hành vi trên đường còn đang được giám sát bởi từng người dân. Khi đó, mỗi người dân phải tự giám sát bản thân với từng cú nhấn ga, từng cái bật đèn rẽ làn, hay từng cử chỉ trước vạch dừng đèn đỏ.

An toàn là tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất khi tham gia giao thông. An toàn sẽ không chỉ đến từ sự giám sát mà phải đến từ sự tự ý thức của mỗi người. Với hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu, thiếu như tỉnh ta thì việc mỗi người tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông càng quan trọng và cần thiết hơn.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn

Thanh Lê |

Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí khác trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện tiêu chí thu nhập, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Cần đầu tư công trình thủy lợi cho người dân xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa

Nam Phương |

Hàng chục hộ dân tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đang lo lắng trước tình trạng ruộng lúa dần cằn khô do thiếu nước sản xuất, nguy cơ mất trắng vụ lúa đông xuân. Điều đáng quan tâm, đây không phải là năm đầu tiên tình trạng thiếu nước cho sản xuất xảy ra ở địa phương này.

Để người dân tự nguyện... mua bảo hiểm bắt buộc

Anh Thư |

Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy phải mua bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ khoảng 9% xe máy ở Việt Nam tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và tỉ lệ các vụ được bồi thường khi xảy ra tai nạn rất thấp, chỉ khoảng 4% vào năm 2024. Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự 11 tháng của năm 2024 là 736,9 tỉ đồng, chi phí bồi thường là 28,5 tỉ đồng.

Hơn 1,9 tỉ đồng thực hiện dự án cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng khó

Minh Long |

Ngày 1/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam ký ban hành quyết định phê duyệt văn kiện dự án “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng chính quyền số tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Lìa, Thuận thuộc huyện Hướng Hóa và xã A Vao, Ba Nang thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị” do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ. Tổng ngân sách thực hiện dự án hơn 1,9 tỉ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại hơn 1,6 tỉ đồng, vốn đối ứng 300 triệu đồng (UBND huyện Hướng Hóa 200 triệu đồng; UBND huyện Đakrông 100 triệu đồng). Thời gian thực hiện dự án 12 tháng kể từ thời điểm khoản viện trợ được phê duyệt.