Nhiều ngày qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện thông tin người điều khiển phương tiện “không chính chủ” khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt. Để người dân hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi cung cấp quy định liên quan xe “không chính chủ” và các trường hợp sẽ bị xử lý.
Luật Giao thông đường bộ quy định đối với các phương tiện lưu thông trên đường phải có các loại giấy tờ như Giấy phép lái xe (GPLX phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển); Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực (với ô tô); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực (hoặc bản điện tử).
Luật Giao thông đường bộ không có quy định người điều khiển phương tiện chỉ được đi xe chính chủ tham gia giao thông (CSGT không dừng phương tiện đang di chuyển trên đường để xử phạt lỗi “không chính chủ”). Đồng thời, không có quy định nào xử phạt người điều khiển “xe mượn, xe thuê…”. Trong một gia đình vợ, chồng, con, anh em đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần có đăng ký xe đi là được.
Theo quy định tại Thông tư 58/2020 ngày 16/6/2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.
Tuy nhiên, những xe “không chính chủ” sẽ bị xử phạt trong 2 trường hợp: Một là khi đăng ký, đăng kiểm xe, cơ quan chức năng phát hiện xe đã quá thời hạn chuyển nhượng (quy định sau 30 ngày mua bán chuyển nhượng phải sang tên chủ phương tiện) sẽ bị phạt theo lỗi không sang tên đổi chủ. Hai là khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông, cần phải có chính chủ xe đến giải quyết, nếu phương tiện “không chính chủ” sẽ bị xử phạt.
Việc xử lý đối với “không chính chủ” được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 và đối với hành vi “Không làm thủ tục sang tên khi mua tài sản là…”. Trường hợp là mô tô, xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400 nghìn đến 600 nghìn đồng với xe cá nhân, từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng với tổ chức; xe ô tô sẽ bị phạt tiền là 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 triệu đến 8 triệu đồng đối với tổ chức.
Vậy nên, các chủ phương tiện cần thực hiện đúng quy định pháp luật về sang tên đổi chủ khi mua bán, chuyển nhượng để tránh các rắc rối pháp lý phát sinh khi phương tiện bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông; khi gây tai nạn giao thông; các vấn đề pháp lý hình sự như xe liên quan đến trộm cắp, cướp giật, án mạng, cơ quan công an sẽ truy tìm theo đăng ký xe. Chủ phương tiện sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm liên đới về mặt hành chính cũng như hình sự nếu như xe sau khi đã bán, cho, tặng không sang tên chủ mới mà chiếc xe nằm trong diện tranh chấp, khởi tố hoặc điều tra vụ việc liên quan. Với những phương tiện bị tạm giữ, theo quy định hiện chỉ có chủ phương tiện đứng tên trên giấy tờ mới có quyền nhận. Sẽ rất rắc rối đối với người sử dụng phương tiện nếu chủ phương tiện ở xa hoặc phương tiện sau mua, bán, cho, tặng mà không thể liên lạc được với chủ phương tiện.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)