UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 347/TB-VPCP, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phươngtiếp tụcrà soát, rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nguyên lý, 3 trụ cột phòng chống dịch (cách ly -xét nghiệm -điều trị) và công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”...; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cần bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu: người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy...; vắc xin là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn đối với công tác phòng, chống dịch; bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc, động viên tinh thần cho người bệnh, kết hợp Đông y và Tây y trong điều trị.
Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào địa bàn tỉnh; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao; đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp. Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Chậm nhất ngày 31/12/2021, phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022.
Giao Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên để triển khai tiêm vào đầu tháng 1/2022 và phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, xây dựng các quy định chi tiết trong việc phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm các trường hợp F0 tại cơ sở, tại nhà cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; chỉ đạo thành lập trạm y tế lưu động, bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết, đồng thời điều động lực lượng hỗ trợ từ nơi khác đối với địa phương phát hiện nhiều ca nhiễm, dịch diễn biến phức tạp; huy động nhân viên y tế đã nghỉ hưu, hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm Covid-19, nhất là tại cơ sở.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc tổ chức thực hiện tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Sở Y tế, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin khi được phân bổ; xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể khi không hoàn thành nhiệm vụ; tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vắc xin. Xem xét chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vắc xin (trừ người chống chỉ định tiêm).
Đồng thời tiếp tục tham khảo, lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp và bảo đảm sản xuất kinh doanh an toàn; tiếp tục quan tâm công tác bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)