Nhiều người đã không may trở thành nạn nhân của các tổ chức lừa đảo việc làm và buôn người.
Sau vụ việc một nam công dân Malaysia bỏ mạng ở Thái Lan do trở thành nạn nhân của mạng lưới lừa đảo việc làm ở nước ngoài, Chính phủ Malaysia tiếp tục đối mặt với sức ép ngày càng lớn trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người hiện ở mức cao nhất trong khối ASEAN.
Ngày 20/9, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ Malaysia đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, và nỗ lực thông qua các kênh sẵn có để đảm bảo đưa công dân Malaysia bị lừa đảo trở về nước an toàn.
“Nhưng đồng thời, tôi khuyến cáo các gia đình Malaysia luôn cảnh giác trước những lời mời làm việc ở nước ngoài. Họ nên kiểm tra để xác thực thông tin việc làm ở nước ngoài với Bộ Ngoại giao”,ông Ismail nói.
Các trung tâm lừa đảo tại các sòng bạc nổi tiếng ở Campuchia, Myanmar, Lào... đang sử dụng các chiêu trò đầu tư giả mạo, lừa tình để chiếm đoạt hàng chục triệu USD mỗi tuần. Các mạng lưới lừa đảo này do băng đảng Trung Quốc điều hành, và được những lao động trẻ người châu Á như tại Hong Kong, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan vận hành.
Các nạn nhân ban đầu bị dụ dỗ bởi những thông tin như việc nhẹ lương cao, công việc hợp pháp... Sau khi làm việc tại đây đã dần trở thành nô lệ của sòng bạc và không thể rời đi nếu không có tiền chuộc.
Vừa qua một nam công dân tên là Malaysia Goi Zhen Feng (23 tuổi) đã tử vong trong cô độc ở Thái Lan hồi tháng Năm. Người này từng đến Thái Lan gặp một bạn gái quen qua mạng nhưng đã trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo lớn ở Myanmar.
Người dân Malaysia đã lên tiếngyêu cầu chính phủ có biện pháp giải cứu những công dân bị lừa đang còn mắc kẹt ở nước ngoài. Nhóm biểu tình đã đứng bên ngoài văn phòng Thủ tướng Malaysia mang theo thông điệp hối thúc chính phủ có hành động can thiệp và hợp tác với các nước trong khối ASEAN như Campuchia, Myanmar và Lào để trấn áp những tổ chức lừa đảo. Trong đó, Campuchia hiện được xem là căn cứ chính hoạt động của các trung tâm gọi điện lừa đảo.
Theo giới chức Malaysia, cái chết của Goi một phần là do bị những kẻ bắt giữ đánh đập, nhưng đồng thời phản ánh hành vi bóc lột, buôn bán và bạo lực kinh hoàng bên trong các trung tâm gọi điện lừa đảo.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh xử lý nghiêm nạn cờ bạc bất hợp pháp, và cảnh báo những cán bộ để việc đánh bạc phát triển trên địa bàn sẽ gặp hậu quả. Ông Hun Sen cũng khẳng định không thể tiếp tục dung túng cho tình trạng hoạt động vô phép tại các sòng bạc.
Trước đó, vào tối 18/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện và bắt giữ 40 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đa phần những người này đều khai báo với cơ quan chức năng là đã xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia. Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino, do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương, nên nhóm người này bàn bạc, tìm cách vượt biên trái phép về Việt Nam.
Ngoài 40 người bị bắt giữ khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì còn một người đã mất tích trong quá trình bơi qua sông Bình Di, thi thể được tìm thấy sáng 19/8 và một người bị bảo vệ của casino bắt giữ lại.
Chiều 17/9, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh nhóm người Việt Nam tháo chạy tán loạn khỏi casino ở Campuchia hướng về cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Qua xác minh, vụ việc xảy ra khoảng 14h30 cùng ngày tại casino do người Trung Quốc làm chủ ở TP Bavet, tỉnh Svay Rieng. Khoảng 60 người Việt bị lừa qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao tại casino trên. Trong lúc mưa lớn, nhóm người này đã tháo chạy. Tuy nhiên, một số người đã bị nhóm quản lý casino đuổi theo bắt lại.
Tháng 6 vừa qua, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Campuchia đã cảnh báo về tình trạng công dân Việt Nam bị lôi kéo hoặc bị lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp, với những lời mời chào hấp dẫn nhưng thường là lừa đảo về công việc trong các sòng bạc và cơ sở game online (trò chơi trực tuyến).
Theo đó, ĐSQ đã nói về những bài quảng cáo về "việc nhẹ, lương cao" (800-1000 USD/tháng) tại Campuchia là mồi nhử của tội phạm để lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin.
ĐSQ Việt Nam tại Campuchia cho biết: "Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài (tập trung nhiều ở tỉnh Sihanoukville). Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng.
Lúc này, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/1 ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ.
Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la (1.000-8.000 USD) mới được thả hoặc bị bán cho công ty khác."
Trong khi đó, các hoạt động cờ bạc trực tuyến đã bị cấm tại Campuchia kể từ năm 2019. ĐSQ Việt Nam đã đưa ra 4 khuyến nghị như sau:
- Cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch…
- Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen.
- Hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người: hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức nhập xuất nhập cảnh bất hợp pháp, hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục, sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh…
- Hiểu rõ hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người: bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, bị bóc lột tình dục, nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền qua đường tình dục, bị sang chấn tâm lý, bị giam giữ trái phép, bị bắt làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình…
Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: + 855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân +84-981 84 84 84.
(Nguồn: Phụ nữ mới)