Thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng là người nước ngoài đến địa bàn tỉnh Quảng Trị và lợi dụng tâm lý chủ quan, mất cảnh giác, thật thà, cả tin của người dân để thực hiện những chiêu trò lừa đảo. Bằng cách thao túng tâm lý để giao dịch, hỏi mua hàng hóa, sau đó nhanh tay lẹ mắt tráo đổi, những đối tượng này đã chiếm đoạt tiền ngay trên tay của không ít nạn nhân, gây hoang mang, bức xúc trong cộng đồng.
Ngày 6/4/2024, anh N.D.N ở thị xã Quảng Trị đã có một bài đăng kèm video trên mạng xã hội để cảnh báo mọi người về trường hợp lừa đảo mà anh gặp phải. Anh N là chủ một cửa hàng mua bán điện thoại di động.
Trưa ngày 6/4, cửa hàng anh N có đón tiếp một khách hàng người nước ngoài. Khi vào cửa hàng của anh N, đối tượng này chỉ yêu cầu dán kính cường lực cho điện thoại, rồi sau đó chuyện trò và nhờ anh N đổi cho 5 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng.
Trong quá trình nói chuyện, đối tượng liên tục hỏi về số seri trên tiền Việt Nam, kể về chuyến du lịch đến Quảng Trị khiến anh N bị xoáy vào câu chuyện. Mặt khác, vì tâm lý “khách hàng là thượng đế” nên tất cả nhân viên trong cửa hàng cũng không mảy may đề phòng. Anh N cho biết, khi lấy tiền ra để đổi cho người khách nước ngoài này thì anh cầm trên tay một cọc tiền gồm nhiều mệnh giá, trong đó có nhiều nhất là tờ 500.000 đồng.
Với vẻ ngoài lịch sự, cách nói chuyện có hiểu biết, đối tượng khiến anh N tin tưởng và cởi mở trao đổi. Tuy nhiên, bằng chiêu thức thao túng tâm lý, sau khoảng 5 phút tiếp cận gần, đối tượng đã lấy ngay trên tay anh N một số tờ 500.000 đồng mà anh không hề hay biết. Điều này chỉ được phát hiện khi vị khách nước ngoài rời đi, anh N như sực tỉnh sau khi bị “thôi miên” nên đã xem lại camera an ninh trong cửa hàng.Ngay sau khi đăng video và bài cảnh báo lên mạng xã hội, sự việc của anh N gặp phải nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng mạng. Trong đó, có nhiều thông tin và hình ảnh chụp từ camera cho thấy cũng là đối tượng người nước ngoài ấy đã đi từ TP. Đà Nẵng, ra tỉnh Thừa Thiên Huế và đến Quảng Trị, thực hiện thành công nhiều vụ chiếm đoạt tiền với phương thức và thủ đoạn tương tự nhau.
Trên thực tế, chiêu trò lừa đảo đổi tiền và chiếm đoạt tiền tại các cửa hàng trên địa bàn đã xảy ra khá nhiều và xảy ra từ nhiều năm trước. Bằng cách vào mua những món hàng giá trị nhỏ, lợi dụng lúc người bán không để ý hoặc tính toán tiền hàng, những kẻ gian sẽ nhanh tay tráo đổi, lấy tiền của họ.
Tuy nhiên, chiêu trò này thường được thực hiện bởi những người phụ nữ người bản địa, còn với các đối tượng đến từ người nước ngoài thì mới xuất hiện gần đây và gây nhiều hoang mang cho người dân hơn. Bởi người nước ngoài đến địa bàn thường bất đồng ngôn ngữ, khi giao dịch đa phần người dân sẽ có tâm lý giúp đỡ nhiệt tình, nhanh chóng nhất. Mặt khác, khi tiếp xúc với người nước ngoài thì thông qua vẻ mặt, ngữ điệu nói chuyện, người dân khó có thể nhận ra dấu hiệu bất thường.
Nhân viên của một siêu thị FPT tại TP. Đông Hà cũng cho hay, vào lúc 16 giờ 30 ngày 5/4, có một đối tượng người nước ngoài đến giao dịch và hỏi mua điện thoại sau đó đổi tiền Việt. Nhưng rất may các nhân viên trong siêu thị đã kịp thời cảnh giác và gọi thêm nhiều nhân viên, quản lý cửa hàng đến làm việc cùng, khiến đối tượng không thể thực hiện được hành vi nhanh tay tráo đổi tiền, thao túng tâm lý.
Theo thông tin cảnh báo từ các phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng, những hình thức lừa đảo phổ biến đến từ người nước ngoài thường là lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn hoặc mạng xã hội. Các đối tượng tự xưng là công dân nước Mỹ, Pháp... hoặc đang đóng quân tại các tổ chức quân sự, làm việc tại các tổ chức quốc tế có văn phòng tại Việt Nam...
Sau khi kết bạn chủ yếu qua mạng xã hội, chiếm lòng tin của các nạn nhân, các đối tượng sẽ dụ dỗ, thuyết phục nạn nhân chuyển tiền để tạo dựng mối quan hệ, hợp tác kinh doanh, đi du lịch nước ngoài hoặc nhận quà từ chúng. Khi đã thuyết phục thành công và được chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn, xóa mọi liên hệ, hủy tài khoản và những cuộc trò chuyện, tin nhắn.
Những phương thức này dễ nhận ra dấu hiệu bất thường bởi 2 người lạ chưa từng gặp mặt thì không thể tin tưởng. Tuy nhiên, với trường hợp như anh N và nhiều cửa hàng gặp phải khi trực tiếp nói chuyện, tiếp xúc với kẻ gian mà không hề hay biết mới thật sự nguy hiểm. Ngay sau khi phát hiện lại sự việc qua camera, anh N đã trình báo lên cơ quan công an và đăng bài cảnh báo đến mọi người trên mạng xã hội. Đây là một việc nên làm để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, đồng thời giúp cơ quan chức năng sớm nắm bắt tình hình, truy tìm ra đối tượng.
Thời gian qua, nhiều nhóm đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam và thực hiện hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao, vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên khuyến cáo, thông báo đến Nhân dân những hành vi, đối tượng cần đề phòng. Tuy nhiên, với vô số chiêu trò, mánh khóe thay đổi thường xuyên, nhiều nạn nhân vẫn “sập bẫy”.
Vì vậy, để tránh gặp phải trường hợp vì nhiệt tình mà mất tiền như anh N và nhiều người khác, người dân nhất là những chủ hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn cần thận trọng trong giao dịch, mua bán với người nước ngoài. Khi trò chuyện hay thanh toán tiền bạc, tốt nhất nên giữ khoảng cách hợp lý, tránh để đối tượng động chạm, gần gũi và thực hiện các mánh khóe chiếm đoạt tiền.
Không đổi tiền, chuyển tiền vào các tài khoản do những người nước ngoài này yêu cầu hoặc nhờ chuyển giúp. Khi biết mình bị lừa, nạn dân cần thu thập tất cả hình ảnh, video hay đoạn ghi âm có được để cung cấp cho cơ quan công an gần nhất. Hết sức nâng cao cảnh giác và trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình là biện pháp hữu hiệu nhất để mỗi người tránh rơi vào những tình huống mất tiền đáng tiếc...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)