Chỉ một thời gian sau khi “con nợ” bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bản thân mình là bị hại, “chủ nợ” sau đó cũng bị “lộ” hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án có đặc điểm tương tự trên.
Cầm cố đất “ảo”
Trước Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Th. (33 tuổi), trú tại huyện Vĩnh Linh, thừa nhận hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức như cáo trạng truy tố. Một trong số các bị hại là bà Th.H. (47 tuổi), cùng trú ở huyện Vĩnh Linh, cũng chính là bị cáo trong vụ án với tội danh Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tại phiên tòa, “con nợ” lẫn “chủ nợ” gặp lại nhau trong hoàn cảnh éo le.
Cụ thể, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm tài liệu giả của Th: cuối năm 2021, Th. làm ăn thua lỗ nên nợ tiền của nhiều người khoảng 5 tỉ đồng nhưng không có khả năng thanh toán.
Trước tình hình này, từ tháng 5 đến 7 - 2022, Th. nhiều lần đưa thông tin gian dối về pháp lý tình trạng thửa đất do mình đứng tên, làm giả giấy tờ để nhằm mục đích lừa, chiếm đoạt tài sản. Lần thứ nhất, bị cáo chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Lệ T. ở huyện Vĩnh Linh 281 triệu đồng.
Theo đó, ngày 24/5/2022, Th. nói với chị Lệ T. có thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, cấp năm 2022) và hiện đang đi cầm cố tại tiệm cầm đồ để vay 250 triệu đồng. Nhưng thực tế, thửa đất này trước đó Th. đã chuyển nhượng cho một người tên Hằng nhưng lại giấu nhẹm thông tin này.
Chị T. không biết, tin tưởng chuyển 281 triệu đồng để Th. chuộc và lấy “sổ đỏ”. Vì nghĩ Th. từng kinh doanh bất động sản, rành các thủ tục nên chị T. giao cho Th. làm sang tên “sổ đỏ”. Lợi dụng điều đó, Th. lại cầm cố “sổ đỏ” trên. Sau đó, Th. tiếp tục đưa thông tin gian dối có thửa đất đang cầm cố tại tiệm cầm đồ để vay tiền của ông Trần Văn C. và bà Th. ở huyện Vĩnh Linh 300 triệu đồng. Ngày 16/6/2022, Th. và bà Th. đến tiệm cầm đồ để trả nợ thay Th. Tại đây, Th. viết tay giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông C. và bà Th. để cấn nợ.
Biết Th. nợ nần, một người phụ nữ tên Nhung “mách nước” đặt làm “sổ đỏ” giả để mang đi cầm cố, nhằm tạm thời kéo giãn thời gian xoay tiền trả nợ. Th. liền đặt làm 2 “sổ đỏ” giả rồi mang 1 giấy đến bà Th.H. để cầm cố vay 250 triệu đồng vào ngày 22/6/2022. Vì Th. cũng đang vay tiền tại chỗ mình nên bà Th.H. không nghi ngờ, chuyển tiền ngay.
Vào cuối tháng 6/2022, Th. đưa “sổ đỏ” giả còn lại đến cầm cố cho ông C., bà T. vay 350 triệu đồng. Thấy trót lọt, Th. đặt làm thêm 2 “sổ đỏ” giả nữa và mang 1 trong số đó tiếp tục đến lừa cầm cố chỗ bà Th.H. lần nữa với số tiền 100 triệu đồng.
Sang tháng 7/2022, chị Lệ T. yêu cầu trả lại “sổ đỏ”. Th. đã dùng sổ giả giao cho chị T. Như vậy, Th. đã nhiều lần đưa thông tin gian dối về pháp lý thửa đất; 2 lần làm và sử dụng 4 “sổ đỏ” giả để chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.
Để giải quyết nợ nần, Th. cũng đã vay tiền của bà Th.H. với lãi cao. Cụ thể, gần cuối tháng 4 và tháng 6/2022, Th. đã 3 lần vay tiền với tổng số tiền 750 triệu đồng, thỏa thuận 5 ngàn đồng/1 triệu đồng/ ngày. Lãi suất từ 168% đến hơn 180%/năm, vượt quá lãi suất quy định. Hành vi của “chủ nợ” Th.H. đã đủ cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Hội đồng xét xử nhận thấy cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội nên tuyên phạt Th. 2 tội tổng cộng 15 năm tù, trong đó 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuyên bị cáo Th.H. phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, phạt tiền 50 triệu đồng, tịch thu số tiền hơn 700 triệu đồng liên quan đến cho vay lãi nặng và thu lợi bất chính.
Chìm theo “sóng đất”
Ngoài công việc làm công ăn lương, Nguyễn Thị Ngọc H. (38 tuổi), trú tại TP. Đông Hà, còn kinh doanh bán quần áo và bất động sản để kiếm thêm thu nhập. Nhưng được một thời gian thì rơi vào thua lỗ, nợ ngập. Gặp cơn “sốt đất”, H. mượn cớ đưa thông tin gian dối vay tiền tiếp tục mua, bán đất nhưng để lừa đảo, chiếm đoạt mang đi trả nợ. Tại phiên tòa mới đây, Ngọc H. bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đứng chung vụ án có bị cáo Hồ Thị H. (38 tuổi), trú tại TP. Đông Hà về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Oái oăm, bị cáo H. cũng chính là 1 trong số bị hại của Ngọc H.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, hành vi của Ngọc H. được làm rõ. Cụ thể, vào năm 2017, Ngọc H. mượn tiền của người thân để kinh doanh mặt hàng quần áo và bất động sản (mua, bán đất).
Nhưng may mắn không kéo dài lâu, việc kinh doanh bất động sản thua lỗ dẫn đến không có tiền trả nợ. Để tiếp tục duy trì và đợi gỡ vốn, Ngọc H. vay nhiều người ngoài xã hội để xoay vòng, cũng như để trả cho người khác. Đến năm 2022, khi dư âm cơn “sốt đất” vẫn chưa tan, Ngọc H. đưa thông tin gian dối để vay tiền.
Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2022, Ngọc H. gặp bà Kim H., trú tại TP. Đông Hà, đưa thông tin cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng và buôn bán đất với nhóm bạn. Để bà Kim H. tin tưởng, Ngọc H. “lòe” bằng chụp hình ảnh tài khoản ngân hàng có số dư lớn cho bà Kim H. xem nhằm tin tưởng bị cáo luôn có sẵn tiền, đảm bảo trả gốc và lãi khi được yêu cầu. Thực tế, số dư này trong tài khoản là do Ngọc H. đi vay của người khác.
Ngoài ra, Ngọc H. thường kể cho bà Kim H. nghe việc chung vốn kinh doanh mua, bán đất để củng cố tin tưởng. Từ đó, bà Kim H. cho Ngọc H. 8 lần vay với tổng số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Số tiền vay này, Ngọc H. sử dụng để trả cho những người vay trước đó. Đến ngày 6/10/2022, sau khi trừ đi một phần số tiền gốc, lãi đã thực hiện trước đó, bà Kim H. chốt số tiền gốc Ngọc H. vay là 2 tỉ đồng.
Từ tháng 5 đến đầu tháng 10/2022, Ngọc H. cũng đưa thông tin gian dối với bà Hồ Thị H. là cần tiền để buôn đất với nhóm bạn. Vì thế, bà H. đã cho Ngọc H. vay 12 lần với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Từ số tiền này, Ngọc H. mang đi trả nợ cho người khác. Sau khi rời khỏi địa bàn, không liên lạc được, một thời gian sau, Ngọc H. trở về tự thú hành vi lừa đảo hai người trên.
Hành vi cho vay lãi nặng của bị cáo Hồ Thị H. cũng được làm rõ. Cụ thể, vào tháng 11/2021, Ngọc H. trao đổi về việc đang buôn đất với bạn và cần tiền để mua thêm nên nhờ bà H. quen biết ai thì vay tiền giúp để trả lãi thấp hơn. Vì quen biết nên H. tin tưởng, huy động tiền từ người thân, bạn bè hơn 15,6 tỉ đồng cho Ngọc H. vay nhiều lần trong khoảng từ tháng 11- 2021 đến tháng 10-2022, lãi suất 109,5%/năm (3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày), vượt quá 5 lần mức lãi suất quy định tại khoản 1, Điều 468, Bộ Luật dân sự năm 2015. Bị cáo H. cũng trực tiếp cho Ngọc H. vay, trong khoảng từ tháng 3 đến 11/2022 là 26 lần (trong đó 23 lần đã nhận đủ tiền gốc và lãi) với tổng số tiền vay là hơn 12 tỉ đồng, lãi suất 109%/năm.
Mỗi lần vay đều viết “giấy mượn tiền”, đến ngày 30/5/2022, H. nhắn tin cho Ngọc H. yêu cầu không ghi tiền lãi trong các giấy mượn tiền mà chỉ hiểu ngầm với nhau. Như vậy, H. đã cho Ngọc H. vay tổng cộng hơn 27,6 tỉ đồng, lãi suất 109,5%/năm, thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng hàng trăm triệu đồng.
Tòa đã tuyên án bị cáo Ngọc H. 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc bồi thường số tiền còn lại cho bị hại. Tuyên bị cáo Hồ Thị H. phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xử phạt số tiền 250 triệu đồng. Bị cáo H. cũng bị buộc phải nộp để sung quỹ Nhà nước số tiền cho vay lãi nặng là hơn 27 tỉ đồng...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)