Cán bộ Agribank Quảng Trị ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo gần nửa tỉ đồng

Thu Hà |

Vào khoảng 9 giờ ngày 3/1/2024, bà N.T.U (sinh năm 1951), trú tại thôn Mỹ Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cầm sổ tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng giá trị 436 triệu đồng đến Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ làm thủ tục tất toán để chuyển toàn bộ số tiền vào một số tài khoản có tên Bùi Đắc Thịnh.

Tuy nhiên sổ tiết kiệm của bà U chỉ còn 9 ngày nữa là đến hạn nên chị Trần Thị Nhung, giao dịch viên của Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ đã tư vấn cho khách hàng không nên rút tiền trước hạn và có thể cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cũng như giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho khách hàng. Bà U không đồng ý và nhất quyết muốn rút tiền để chuyển gấp trong ngày.

Chị Trần Thị Nhung, giao dịch viên Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị -Ảnh: KIM HÙNG
Chị Trần Thị Nhung, giao dịch viên Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị -Ảnh: KIM HÙNG

Chị Nhung cho biết: “Mặc dù khách hàng nói là chuyển tiền cho con nhưng tôi thấy bác lo lắng, thường xuyên ra ngoài nghe điện thoại, dáng vẻ thì vội vàng, bất an. Nghi ngờ có điều bất thường nên tôi đã báo cáo sự việc lên cấp trên.”

Ngay sau đó, các giao dịch viên Agribank Chi nhánh huyện Cam Lộ đã cố tình kéo dài thời gian làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm, phối hợp cùng cán bộ tín dụng tư vấn cho khách hàng về hình thức cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn, đồng thời tranh thủ liên lạc với hai người con của bà U để tìm hiểu tình hình.

Trong thời gian đó, các con bà U gọi điện về giải thích cho mẹ nhưng bà U kiên quyết không nghe. Đầu dây bên kia thì cứ gọi thúc hối chuyển tiền. Cán bộ Agribank thì bị bà U la mắng om sòm vì làm thủ tục chuyển tiền chậm.

Bà U nhất quyết đòi rút tiền trước hạn để chuyển tiền đi gấp. Trước tình cảnh đó, cán bộ Agribank phải quyết định trả biên lai chuyển tiền cho bà U nhưng vẫn chưa thực hiện chuyển tiền vì biết chắc chắn bà U bị lừa đảo.

Sau khi được các giao dịch viên cũng như người thân giải thích, khuyên bảo, bà U mới tỉnh ra rằng bản thân mình bị lừa đảo. Bà U cho biết, trước đó, bà nhận được cuộc gọi từ một số máy tự xưng là cán bộ công an tỉnh, báo rằng các sổ tiết kiệm bà đang gửi tại ngân hàng có ăn tiền hoa hồng trái quy định pháp luật và sẽ bị điều tra, khởi tố trong thời gian tới. Khi thấy bà U hoảng sợ, biết bà đã “dính bẫy”, người giả danh công an liên tục gọi điện, hướng dẫn bà cách xử lý nhanh gọn là phải đóng sổ tiết kiệm và chuyển toàn bộ tiền qua tài khoản có tên Bùi Đắc Thịnh trên để kiểm tra nguồn tiền. Được biết, vào ngày 2/1/2024, vì quá lo sợ, bà U đã chuyển 318 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.

Giọng run run, bà U vừa khóc vừa chia sẻ: “Tôi như bị thôi miên, đầu óc không thể nghĩ ra được điều gì ngoài việc cứ phải làm theo sự chỉ đạo của bọn chúng. Nếu như không có sự cảnh giác, nhiệt tình và đầy trách nhiệm của cán bộ Agribank thì lần này 436 triệu đồng - số tiền tiết kiệm cuối cùng của cả đời tôi lại tiếp tục “không cánh mà bay”. Tôi cảm ơn cán bộ Agribank rất nhiều”.

Cũng trong dịp đầu năm này, ngày 4/1/2024, Agribank Chi nhánh TP. Đông Hà đã kịp thời ngăn chặn một vụ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo dưới hình thức yêu cầu khách hàng chuyển tiền để nhận quà sau thời gian dài nhắn tin làm quen và phát sinh mối quan hệ tình cảm trên mạng xã hội facebook.

Ông Phan Hồng Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đây chỉ là hai trong nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cán bộ, nhân viên Agribank Quảng Trị đã kịp thời ngăn chặn. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng, các khách hàng đều bị thao túng tâm lý tống tiền. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường giả danh công an, viện kiểm sát, cán bộ thuế... dùng số điện thoại không chính chủ để gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án, thường là các vụ án về ma túy, kinh tế, trốn thuế. Từ đó, ép nạn nhân phải thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Các đối tượng hướng đến những người lớn tuổi, nhẹ dạ cả tin để thực hiện các hành vi lừa đảo”.

Ông Hải cũng cho biết thêm: “Trước thực trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng nhiều và tinh vi, Agribank Quảng Trị đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên, đặc biệt là cán bộ thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như giao dịch viên, cán bộ tín dụng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, tư vấn, hỗ trợ khách hàng, ngăn chặn các hành vi lừa đảo”.

Để hạn chế thiệt hại, mỗi khách hàng, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hành vi của các đối tượng lừa đảo. Đơn cử như để làm việc với người dân, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, phường, tuyệt đối không có việc các cơ quan thực thi pháp luật gọi điện, gọi video thông báo và yêu cầu người dân nộp tiền. Vì vậy, khi người dân nhận được những cuộc gọi lạ với nội dung thông tin như trên cần báo ngay cho công an để được hỗ trợ, giải quyết; tuyệt đối không nghe, không tin và không làm theo các đối tượng lừa đảo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội

Trần Thanh |

Những năm gần đây, mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok... phát triển mạnh, kéo theo lượng người dùng cũng ngày càng tăng. Hiện nay, từ hầu hết học sinh đến người già đều có điện thoại thông minh và tài khoản mạng xã hội. Nắm bắt được xu thế này, nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin, muốn có nhiều tiền một cách nhanh chóng.

Cách đơn giản để xác định số điện thoại lạ vừa gọi đến là ai, biết cả tiếp thị hay lừa đảo

Huỳnh Duy |

Khi nhận được cuộc gọi của người lạ nhưng không có trong danh bạ, điều đầu tiên hẳn bạn muốn làm là tra cứu số điện thoại vừa gọi đến là ai.

Cách đơn giản để xác định số điện thoại lạ vừa gọi đến là ai, biết cả tiếp thị hay lừa đảo

Huỳnh Duy |

Khi nhận được cuộc gọi của người lạ nhưng không có trong danh bạ, điều đầu tiên hẳn bạn muốn làm là tra cứu số điện thoại vừa gọi đến là ai.

Cảnh giác chiêu thức lừa đảo đầu tư chứng khoán ảo

Kiều Hảo |

Không chỉ có thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện nay các đối tượng đang tìm cách lừa đảo thông qua việc kết bạn trên mạng xã hội và mời gọi người dân tham gia vào các hoạt động đầu tư chứng khoán.