Cảnh giác với 'ma trận' thực phẩm chức năng, bài thuốc trên mạng

PV |

Thị trường thực phẩm chức năng đang bát nháo khi bị trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng như lạc trong “ma trận”.

Thật giả lẫn lộn

Chỉ cần gõ từ khoá “cà phê giảm cân” trên Google, các trang quảng cáo đã hiện lên nhan nhản. Tìm hiểu cụ thể sản phẩm cà phê giảm cân Go Coffee, được nhiều trạng giới thiệu có tác dụng: Hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ, kiểm soát cân nặng nhanh chóng; giảm cảm giác thèm ăn, giảm hấp thu các chất béo từ bữa ăn đồng thời tăng quá trình đào thải chất béo ra ngoài; tạo năng lượng cho cơ thể; giúp thải độc tố, thanh lọc cơ thể, chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào, làm chậm quá trình lão hóa…

Sản phẩm này cũng được bán nhiều trên các trang mạng xã hội; một số nhân vật được cho là “hot” trên mạng cũng bán và quảng cáo sản phẩm này một cách chuyên nghiệp qua các clip giải trí với những lời “có cánh” như: “Đây không phải là loại cà phê bình thường; không những ngon mà lại có hiệu quả giảm cân, giữ dáng rất hiệu quả… Sản phẩm sẽ giảm tập trung vào vùng bụng của chị em…”

 

Trong khi trên mạng vẫn đang quảng cáo nhan nhản sản phẩm này thì mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có thông tin cảnh báo về nhiều lô sản phẩm cà phê giảm cân Go Coffee có chứa chất cấm là Sibutramin. Cục An toàn thực phẩm vào cuộc sau khi nhận được công văn của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh về sự vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trước đó. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện các mẫu sản phẩm Max health Go Coffee đang lưu thông trên thị trường có chứa Sibutramin với các mẫu có các ngày sản xuất từ tháng 3/2022 trở đi. Tuy nhiên, khi kiểm tra, làm việc với cơ sở sản xuất sản phẩm này thì cơ sở lại cam kết lô sản phẩm được kiểm tra không phải do cơ sở này sản xuất.

Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như trong lô kiểm tra. Trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay các clip trên Youtube, cứ vài phút, các quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh lại hiện lên. Ngày càng có nhiều lương y, “thần y” xuất hiện chia sẻ những bài thuốc, hay những cách trị bách bệnh, từ tiểu đường, dạ dày, xương khớp, cao huyết áp… đến đột quỵ, ung thư… Đã không ít người tin mua và phải gánh hậu quả nặng nề.

Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nữ (52 tuổi), được phát hiện có khối u tại vú phải, được chỉ định phẫu thuật cách đây 1 năm, nhưng bệnh nhân không nhập viện điều trị, mà nghe lời “thần y” trên mạng, uống thuốc nam và đắp lá. Đến nay, không những bệnh không khỏi mà khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh đã tiến triển giai đoạn 3C, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt, phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng mới có thể phẫu thuật.

Nguy hiểm hơn, mới đây, các cơ quan chức năng còn phát hiện sản phẩm có chứa một số chất ma túy dưới lớp vỏ bọc là thực phẩm chức năng có nhãn hiệu “Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE” và “Lazarus Naturals RELIEF + RECOVERY CBD MUSCLE GEL” .

Người dân cần tỉnh táo

PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định: “Thực trạng làm giả, làm nhái, gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng đã đến mức báo động. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17 yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Nguyên nhân là do các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, vẫn chưa chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; có nơi buông lỏng quản lý. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này vẫn chưa đồng bộ, tính khả thi không cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, dược liệu”.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Các vi phạm tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát; khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm. Việc tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sỹ, hình ảnh các kênh truyền hình… để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh hiện nay rất dễ dàng. Đặc biệt, chiêu trò các đối tượng thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sỹ, dược sỹ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe... vẫn xảy ra. Thậm chí trên giao diện một số báo điện tử cũng đăng tải hình ảnh sản phẩm, đường link dẫn website quảng cáo sản phẩm vi phạm…

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Y tế đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xiết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp, xử lý và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; tuyên truyền pháp luật về quảng cáo, kiểm tra xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo vi phạm... trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng.

Vừa qua với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện các quảng cáo thực phẩm chức năng sai phạm, đã giảm hẳn số lượng quảng cáo kiểu “nhà tôi ba đời là thần y”, “loại bệnh gì cũng chữa được hết”… trên mạng xã hội; các cơ quan chức năng cũng tích cực đàm phán với các kênh có máy chủ ở nước ngoài trong việc gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng là cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng; không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn; mua theo trào lưu hoặc mua trên mạng. Người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh đến lực lượng quản lý thị trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

(Nguồn: Ngày Nay)

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”

Tuệ Văn |

Tiêu chuẩn mới xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú".

Công an TP. Đông Hà bắt giữ đối tượng vận chuyển 6.000 bao thuốc lá nhập lậu

Hải Phi |

Công an TP. Đông Hà đang tạm giữ hình sự đối với bà Lê Thị Liên, sinh 1963, thường trú tại Khu phố 2, Phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị về hành vi vận chuyển 6.000 gói thuốc lá nhập lậu.

Tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho gia đình có công với cách mạng ở huyện Hướng Hóa

Minh Đức |

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 – 2023), sáng nay 20/7, tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Y học cổ truyền Thiện Lành phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công đoàn Y tế tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa tổ chức chương trình khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và trao tặng quà cho gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn ở xã A Dơi.

Hướng Hóa: Hơn 1.000 đối tượng chính sách và hộ nghèo được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí

Nguyễn Đình Phục |

Ngày 1/7, tại Nhà văn hoá truyền thống Vân Kiều- Pa Kô, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hoá, Quảng Trị), đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do PGS - TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hoá tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách và hộ nghèo ở huyện Hướng Hóa.