Việc thay đổi lựa chọn học Lịch sử đã khơi dậy nhiều tranh luận
Những ngày gần đây việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông đang đang dấy lên những luồng ý kiến trái chiều ngay chính ở các giáo viên cũng như chuyên gia giáo dục.
Lịch sử là môn học quan trọng, nếu không cẩn thận có thể trở thành một sai lầm
Liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: “Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn tôi thực sự cảm thấy khó hiểu”.
Theo GS Phạm Tất Dong “Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước, lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới."
"Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa chỉ là môn phụ, nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học không phải chỉ để thi. Nếu không cẩn thận, việc này có thể trở thành một sai lầm mà nhiều năm sau mới thấy hậu quả”.
Nhiều giáo viên, chuyên gia lo ngại sau này sẽ ngày càng ít học sinh lựa chọn, thậm chí loại môn học này ra khỏi chương trình giáo dục của bản thân. Những con số về điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã phần nào phác họa được thực trạng học sinh vốn ngại học Lịch sử hiện nay.
"Chúng ta có thể thấy môn học này đã chứng kiến sự thảm bại về mặt điểm số qua các kỳ thi gần đây. Liệu mấy ai sẽ chọn môn học khó này khi có thể đạt điểm cao và đậu đại học bằng các môn khác “dễ ăn” hơn. Động lực nào để một học sinh chọn môn Lịch sử, khi xu hướng học là để thi hiện nay” - Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) chia sẻ.
Cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Không nên xem Lịch sử là một môn tự chọn theo kiểu "thích thì học, không thì thôi" vì đó là phần kiến thức quan trọng để một người trẻ hiểu và biết được cội nguồn lịch sử dân tộc mình là như thế nào. Nếu Lịch sử không phải là môn học chính, môn bắt buộc ở bậc Trung học học phổ thông thì sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý môn học này, đội ngũ giáo viên không muốn dạy và học sinh cũng không muốn học môn Lịch sử.
Như vậy, dù muốn dù không, học sinh vẫn phải học môn Lịch sử chứ không thể chọn lựa theo ý mình. “Quan điểm của tôi môn Lịch sử vẫn là môn học quan trọng, vấn đề còn lại chính là giáo viên dạy môn này cần phải tích cực đổi mới trong cách dạy, cách truyền thụ kiến thức để thu hút học sinh” – Cô Thu nhấn mạnh.
Không nên quá lo ngại
Ở một góc nhìn khác, Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cũng cho rằng không nên quá lo lắng về việc Lịch sử trở thành môn tự chọn mà có thể có ít học sinh lựa chọn môn học này. Bởi những năm qua, theo khảo sát của nhà trường, khi thực hiện chương trình hiện hành, học sinh đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên - Khoa học xã hội có tỷ lệ tương đương nhau (47-53%).
“Dù hiện nay chưa có khảo sát học sinh lớp 9 lên 10 nhưng từ thực tế đó dự báo, học sinh sẽ lựa chọn không quá thiên lệch các môn tự chọn ở các nhóm”, bà Hiền nói.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018 chia sẻ, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, khi học xong cấp trung học cơ sở, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi. Chương trình môn Lịch sử ở THPT là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.
“Theo yêu cầu chọn 5 môn học từ ba nhóm môn học lựa chọn (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học bên cạnh 7 môn học bắt buộc, những học sinh có định hướng nghề nghiệp khác vẫn có thể chọn học môn Lịch sử với các chủ đề học tập như đã quy định trong Chương trình GDPT.
Như vậy, có thể khẳng định là Chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành” – GS Thuyết nhấn mạnh.
Là một giáo viên dạy môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay bản thân cũng có lo lắng về việc học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử khi lên bậc trung học phổ thông. “Tuy nhiên, khi bình tĩnh suy xét kỹ lại, tôi không thấy buồn và lo lắng mà thấy mừng vì sự thay đổi tích cực của môn Lịch sử ở chương trình,” cô Thảo chia sẻ.
Phân tích kỹ hơn, cô Thảo cho rằng đây là bậc học hướng nghiệp, vì thế, nếu học sinh không chọn hướng nghiệp lĩnh vực có liên quan đến môn Lịch sử, không thích môn Lịch sử thì việc ép buộc học sinh theo học cũng không mang lại hiệu quả tích cực, ngược lại còn gây căng thẳng, lãng phí thời gian cho cả giáo viên và học sinh.
Cần đổi mới cách dạy học và truyền tải của giáo viên
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề của môn Lịch sử và việc học sinh có lựa chọn môn học này hay không, cốt yếu ở cách dạy học, truyền tải của giáo viên. Bên cạnh đó cũng như cần đổi mới trong cách ra đề thi để điều chỉnh ngược đối với tư duy trong dạy học.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ cho rằng, nếu để thay đổi Chương trình GDPT 2018 khi đã ban hành là rất khó. Môn Lịch sử có thể không nằm trong danh sách những môn học sinh bắt buộc phải học, nhưng cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học ra sao để học sinh dù không đi, xét tuyển đại học bằng môn này vẫn học Lịch sử, không có chuyện không thi sẽ không học.
“Vấn đề đặt ra là cần dạy môn Lịch sử cho học sinh phổ thông thế nào để không nhạt nhòa như hiện nay. Không phải cái gì học cũng phải thi và không phải cứ thi mới cần học. Trong chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT cũng như các nhà trường cần tính đến việc làm sao để gắn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong cách tổ chức dạy học cũng cần thay đổi. Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên, sẵn sàng hy sinh trong công việc các em theo đuổi… Tôi cho rằng, không nhất thiết cái gì thi mới học, mà cần hướng đến thay đổi cách tổ chức hoạt động giáo dục để hướng tới phát triển toàn diện năng lực, nhân cách của học sinh, trong đó phải có các hoạt động giáo dục lịch sử”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
“Không nhất thiết phải đưa môn Sử thành môn bắt buộc, nhưng phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá để học sinh có thể học, không phải không thi thì không đánh giá, nhưng cũng cần thay đổi cách đánh giá không chỉ dựa vào điểm số”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Cùng quan điểm như trên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng để học sinh yêu lịch sử, chọn môn Lịch sử thì phải thay đổi cách dạy môn học này thay vì ép các em phải học.
“Môn Lịch sử hiện nay còn nặng kiến thức, cách tiếp cận cứng nhắc, cách dạy đơn điệu, khiến học sinh không thấy được cái hay, cái đẹp của môn học. Muốn học sinh yêu lịch sử thì phải thay đổi cách dạy lịch sử hấp dẫn hơn, khai phóng tư duy và dạy cách tư duy lịch sử. Như thế, học sinh mới tìm tòi khám phá và ham học. Khi đó, dù các em không chọn Lịch sử do định hướng nghề nghiệp khác với môn học này nhưng vẫn tự tìm tài liệu lịch sử để đọc vì học là suốt đời,” thầy Bình phân tích.
(Nguồn: Phụ nữ mới)