Vài suy nghĩ về Lịch sử

Trung Sỹ |

Ngày hôm qua đã là lịch sử của hôm nay. Và hôm nay liệu có nhân vật lịch sử nào xuất hiện không.

[Bài của nhà văn Trung Sỹ, ông là tác giả của Chuyện lính Tây Nam (2017), Hà Nội mũ rơm và tem phiếu (2019), Đội trinh sát và con chó Sara (2020)... Ông từng tham gia chiến trường Tây Nam, là người có nhiều quan sát và góp nhặt tỉ mỉ về đời sống và con người của một thời "đã cũ". Những nghiên cứu và tìm tòi về văn hóa, lịch sử của ông được thể hiện rõ nét và chân thực trên những trang sách.]

Những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ là lịch sử. Quốc gia có quốc sử, gia tộc có gia phả. Tôi tin chẳng ai trên thế giới không biết đến nguồn cội của tổ quốc mình, dân tộc mình.

 

Nếu bây giờ có ai bảo tôi trình bày lược sử Việt Nam mà cấm tra Google như một câu thơ vui, thì tôi nhớ lần lượt thế này: Con Rồng cháu Tiên trong bọc trăm trứng  - Kinh Dương Vương - 18 đời Hùng Vương - Thục Phán An Dương vương - Triệu Đà - Bà Trưng - Bà Triệu - Đinh - Lê - Lý - Trần - Hậu Lê - Nguyễn...rồi đến sử Ta.

Tôi gọi là “sử Ta” bởi tuy đã thành sử bộ và do “Ta” viết, nhưng vẫn có nhiều điều trong dân tộc còn chưa thống nhất, ngay các sử gia vẫn còn đang bàn cãi, mà lịch sử theo tôi cần khách quan, được lắng lọc qua cái nhìn công tâm của cả một dân tộc vốn có bề dày văn hóa. Bỏ qua các huyền thoại, truyền thuyết đẹp đẽ, coi như sự khởi đầu vinh quang mà dân tộc nào có vẻ cũng tự trang bị, thì lịch sử các triều đại trước chắc chắn đã được thừa nhận chung, cho đến triều Nguyễn thì bắt đầu phân vị góc nhìn.

Chuyện bỏ đó, cứ để thời gian trôi đi cho tâm thế dân tộc lắng lại bình xét và xin dành cho các nhà chuyên môn khách quan. Giờ tôi muốn kể lịch sử cha ông đến với tôi như thế nào qua các bài học phổ thông. Lịch sử luôn gắn với nhân vật, và nhân vật luôn có sự tích, hành vi và ngôn ngữ khiến người ta nhớ chứ không phải các con số thống kê khô khan.

Thời Hùng vương tôi nhớ chuyện thách cưới Sơn Tinh - Thủy Tinh “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”, nhớ câu “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” của Mai An Tiêm, nhớ bánh chưng bánh dày của hoàng tử nghèo Lang Liêu.

Thời Thục Phán An dương vương nhớ chuyện xây thành ốc, nhớ nỏ thần, nhớ câu “Giặc ngồi ngay sau lưng mà nhà vua không biết”.

Thời Bà Trưng - Bà Triệu thì lại nhớ câu thơ “Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi” của ngân Giang. Nhớ cả câu Bà Triệu tuyên bố: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngàn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông chứ không đem thân làm tì thiếp cho người”.

 

Các triều sau càng gần thì càng nhiều chi tiết bởi có sách sử ghi lại. Nhân vật lịch sử trở nên rõ nét hơn, luôn có cá tính và ngôn ngữ riêng. Mai Thúc Loan ông vua đen gánh vải với vũ khí là chiếc đòn gánh, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ lau tập trận, Dương Vân Nga nhường ngôi vị quốc, Lý Thường Kiệt đọc thơ thần đuổi giặc, Trần Quang Khải ở dơ được Hưng Đạo vương tắm cho, Trần Quốc Toản bóp nát trái cam hận, Trần Bình Trọng trợn mắt quát thù “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”...

Tạm liệt kê vài ví dụ thế để thấy lịch sử nó cuốn hút tôi bởi nhân vật cùng các chi tiết diễn ra, khiến người đời sau như cũng được cùng tham gia sự kiện hay trận đánh. Dĩ nhiên phải là những nhân vật thật, sự kiện thật chứ đừng có thêu dệt. Mốc thời gian, ngày tháng xảy ra cũng rất quan trọng nhưng có khi lại chẳng in vào đầu. Thế cho nên để bộ môn Lịch sử trở thành hấp dẫn thì xin hãy trung thực, gắn nó với nhân vật, với con người.

Tôi là một người lính trận, được lịch sử “chọn làm điểm tựa” như một câu thơ, may được trở về lành lặn. Đạn bom nó tránh tôi, nhưng quá khứ nó luôn tìm để lục vấn. Ai cũng phải đối diện với quá khứ và không sửa chữa được nó. Đục đẽo sự thật đi cho phù hợp với “lịch sử” mong muốn thật chẳng khác tự đẽo gọt chân mình cho vừa đôi giày đang xỏ. Sự thật dù vinh quang hay đau đớn đều chính là lịch sử.

Ngày hôm qua đã là lịch sử của hôm nay. Và hôm nay liệu có nhân vật lịch sử nào xuất hiện không?

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Chuyên gia khảo cổ học nói về việc học lịch sử: Dân chuyên ngành còn chả nhớ được, sao bắt học sinh nhớ

TS Nguyễn Thị Hậu |

Về việc học sử của cậu bé lớp 6, tôi đành “thú nhận” với chị bạn: đến sinh viên đại học chuyên ngành khảo cổ còn chẳng nhớ hết tên di tích với di vật, làm sao học sinh lớp 6 thuộc lòng cho được!

Khởi công nâng cấp, tôn tạo Bia di tích lịch sử Chiến khu Chợ Cạn

Minh Long |

Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Triệu Phong 29/4 (1972 – 2022), ngày 20/4, Liên đoàn Lao động huyện Triệu Phong phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Triệu Sơn tổ chức lễ khởi công nâng cấp, tôn tạo Bia di tích lịch sử Chiến khu Chợ Cạn.

Nguy cơ lãng quên khi Lịch sử thành môn tự chọn

Hoàng Toàn |

Sau khi có thông tin môn Lịch sử nằm trong nhóm môn Khoa học xã hội và trở thành môn học tự chọn đã trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Đông Hà

Tư Liệu - M.Hoàn |

Một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Đông Hà.